Ngày 16/6, chỉ trong khoảng một tiếng, có tới 52.000 người đã đặt mua gói nghỉ dưỡng được bán trên kênh mua sắm của một công ty du lịch Hàn Quốc, theo Korea Herald.
Không chỉ vậy, các chuyến bay, phòng khách sạn vào mùa cao điểm như nghỉ hè, nghỉ đông cũng đã được nhiều người đặt trước nhiều tháng.
Đây được xem là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch xứ củ sâm khi chính phủ Hàn Quốc xem xét hợp tác với một số quốc gia trong chương trình bong bóng du lịch, khiến việc đi lại của những người ưa xê dịch hứa hẹn trở nên dễ dàng hơn.
Thời gian khó khăn
Đối với Yellow Balloon tour, một trong những công ty du lịch lớn ở Hàn Quốc, những gì xảy ra trong hơn một năm qua thật kinh khủng.
“Thật tàn khốc khi nhìn lại. Các công ty du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch và mọi thứ chúng tôi đã lên kế hoạch cho năm 2020 đều bị hoãn lại”, Heo Youl, giám đốc quan hệ công chúng của công ty, cho biết.
Trong khi nhiều đại lý du lịch nhỏ hơn phá sản, các công ty lớn trên thị trường như Yellow Balloon tour cũng đành sa thải một số nhân viên, rút ngắn giờ làm việc.
Do dịch bệnh, nhiều công ty du lịch Hàn Quốc rơi vào tình trạng khó khăn vì không có khách. Ảnh: Reuters.
Trong tháng 3, số lượng nhân viên tại 6 công ty du lịch niêm yết ở mức 4.268, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Dịch vụ Giám sát Tài chính.
Đối với Urban Place, công ty du lịch mở cửa vào tháng 5/2019, mọi thứ thật sự khó khăn.
“Chúng tôi đã lên kế hoạch chi tiết cho các tour mới mẻ, khác những tour truyền thống trên thị trường. Ngay khi chương trình của chúng tôi được chú ý và lan truyền trên mạng xã hội, đại dịch ập đến, 2/3 gói tour ngay lập tức phải ngừng lại, không có thêm khách đặt trước nào trên trang web", Lee Sang-bum, giám đốc Urban Place, nói.
Sau đó, công ty đã phải lên tiếng xin lỗi các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú và xe cho thuê mà công ty mới thành lập quan hệ đối tác.
Chiến lược thay đổi
Sau đại dịch, việc rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển để tối đa hóa sự thuận tiện và an toàn của khách hàng là một trong những chiến lược quan trọng được các công ty du lịch lớn và nhỏ áp dụng.
Ngoài ra, các nền tảng trực tuyến được nhiều đại lý du lịch coi là mô hình kinh doanh tiềm năng, vì giúp giảm bớt gánh nặng đặt chỗ và thanh toán cho các hãng hàng không, khách sạn, tour du lịch, xe cho thuê và nhiều thứ khác, song vẫn cung cấp các lựa chọn linh hoạt cho khách hàng.
“Nhiều khách hàng hiện nay tìm kiếm sự linh hoạt, dễ điều chỉnh. Công ty chúng tôi bắt đầu phát triển một hệ thống ưu đãi từng bước cho khách hàng cá nhân, thay vì các chuyến đi trọn gói với các tùy chọn đóng khung sẵn như trước. Mô hình kinh doanh hướng đến khách hàng lẻ cũng đang được ưu tiên trong bối cảnh đại dịch hạn chế các chuyến du lịch gia đình, công ty", Heo nhận định.
Nhiều công ty bắt đầu đưa ra chương trình, gói du lịch mới, hướng đến việc trải nghiệm an toàn. Ảnh: Hana tour.
Trong khi đó, Frip, nền tảng về du lịch nổi tiếng trong giới trẻ Hàn Quốc những năm gần đây, cũng nhanh chóng chuyển hướng để đối phó với tình hình đại dịch.
“Việc tham quan không còn là thứ chúng tôi coi là trọng tâm của việc đi du lịch nữa, ngay cả trước đại dịch. Khi Covid-19 xuất hiện, chúng tôi càng củng cố điều này. Bây giờ, các chuyến du lịch hướng đến phục vụ nhu cầu của một mục tiêu cụ thể và kết hợp vừa du lịch vừa làm việc mới là xu hướng", Kim Chul-jin, giám đốc quan hệ công chúng của Frip cho hay.
Nhắm đến mục tiêu vừa du lịch vừa làm việc cho nhóm người trẻ, ý tưởng của Frip là cung cấp một không gian dễ chịu để làm việc từ xa vào ban ngày và tụ tập thành các nhóm nhỏ hoạt động, thư giãn vào buổi tối. Nền tảng này đã cho ra mắt chương trình “Fripgrounds", cho phép khách du lịch có thể ở cùng một địa điểm từ vài tuần đến vài tháng.
An toàn vẫn là ưu tiên
Dù các cuộc đàm phán về bong bóng du lịch đang được xem xét và hãng hàng không đang chuẩn bị nối lại các chuyến bay, nhiều công ty cho biết mô hình du lịch an toàn tuân theo các quy định phòng chống dịch vẫn được đặt lên hàng đầu.
Năm 2020, HanaTour đã hợp tác với Uniquegood, một công ty công nghệ và ra mắt tour du lịch trọn gói dựa trên thực tế ảo. Chuyến tham quan theo chủ đề lịch sử lấy bối cảnh làng Hanok ở Jeonju nhận được đánh giá tích cực từ công chúng.
Trong khi đó, Frip cũng ghi nhận nhu cầu về các tour đi bộ đường dài tăng gấp 3 lần so với năm 2019. Khi đăng ký hoạt động này, khách sẽ đi bộ một mình hoặc theo nhóm 2 người sau đó được chứng nhận hoàn thành quãng đường qua việc đăng ảnh và tin nhắn lên trang cộng đồng trực tuyến của công ty.
Ngành công nghiệp du lịch Hàn Quốc đang mong đợi sự trở lại bình thường trong năm tới với hy vọng thu lợi nhuận để bù đắp cho những khoản lỗ trong năm 2020. Đối với doanh nghiệp và khách du lịch, không ít cơ hội cũng đang mở ra cho những người sẵn sàng trải nghiệm du lịch theo cách mới.
Theo Zing