leftcenterrightdel
 
 

Kim, một nhân viên văn phòng 32 tuổi, mới đây đã phải xóa tất cả ứng dụng mua sắm hàng cao cấp trên điện thoại của mình. Cô quyết định cắt giảm chi tiêu vào các món hàng xa xỉ, thậm chí muốn tránh mọi sự cám dỗ mua sắm khi lướt mạng.

"Giá sữa, cà phê, xăng dầu và dịch vụ giao hàng đều tăng và đó đều là những khoản chi thiết yếu. Để tiết kiệm, thứ đầu tiên tôi cắt giảm chính là mua sắm quần áo", Kim nói với Korea Times.

"Cai nghiện" hàng xa xỉ

Kim là một trong số rất nhiều người Hàn Quốc phải từ bỏ thói quen mua hàng hiệu đắt tiền. Với lãi suất tăng cao và đồng won của Hàn Quốc đang yếu đi so với đồng USD, họ buộc cắt giảm khoản chi cho hàng xa xỉ nhập khẩu.

Một bà nội trợ khác họ Lee cũng cho biết đã ngừng mua hàng xa xỉ trong khoảng cuối năm nay. Lãi suất mà cô phải trả cho khoản vay thế chấp của cô đã tăng gần gấp đôi, khiến tình hình tài chính của Lee rơi vào khó khăn lớn.

leftcenterrightdel
 Các cửa hàng xa xỉ ở Seoul từng phải chứng kiến đội quân xếp hàng mỗi đợt mở bán sản phẩm mới. Ảnh:Yonhap.
 

"Tôi từng phải trả 500.000 won (khoảng 384 USD) cho khoản vay mỗi tháng. Nhưng từ khi lãi suất tăng lên 6% vào mùa hè năm ngoái, đến nay tôi phải trả 1 triệu won/tháng. Tôi chẳng còn đồng nào để mua sắm túi xách hay phụ kiện đắt tiền", Lee bày tỏ.

Thực tế này này ảnh hưởng xấu tới các nền tảng mua sắm hàng hiệu trực tuyến, vốn bùng nổ trong thời kỳ đại dịch.

Năm 2021, sau gần hai năm đại dịch ảnh hưởng toàn cầu, việc thị trường hàng xa xỉ bùng nổ tại Hàn Quốc là điều không ai nghĩ sẽ xảy ra. Bất chấp các công ty khốn đốn, nhu cầu mua hàng hiệu của người dân nước này tăng cao.

Phong tỏa chống dịch ngăn cản người ta chi tiền để ăn uống ở nhà hàng hay du lịch nước ngoài, nhiều người chọn dồn tiền vào mua hàng hiệu.

Trong đó, thế hệ MZ (ghép từ Millennials và Gen Z) là nhóm khách hàng chính. Nhu cầu mua hàng hiệu của giới trẻ lớn đến mức được ví như "cơn nghiện".

Đến đầu năm 2022, mua hàng xa xỉ vẫn là cơn sốt kéo dài ở Hàn Quốc, hàng loạt "đội quân" xếp hàng để tranh suất mua sớm sản phẩm Chanel hay Rolex đã buộc cửa hàng phải tìm cách ngăn chặn.

"Thế hệ trẻ ngày nay không còn nghĩ rằng hàng xa xỉ là thứ họ không thể mua được. Họ sẵn sàng chắt bóp trong vài tháng để mua một sản phẩm đắt tiền cho bản thân", Yoo Hyun-jung, giáo sư về khoa học tiêu dùng tại Đại học Quốc gia Chungbuk, nhận định.

Các doanh nghiệp khó khăn

Các nền tảng mua sắm như Balaan, Tren:be và Must It, từng đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong đại dịch hồi 2021, gần đây đã phải chứng kiến lượng người mua sắm giảm mạnh.

Thông thường, những dịp cuối năm như thế này là thời điểm nhu cầu hàng xa xỉ tăng cao tại Hàn Quốc, khi mọi người tích cực mua quà tặng gia đình, bạn bè, đối tác.

leftcenterrightdel
 Tình hình kinh doanh hàng hiệu ở Hàn Quốc đang ảm đạm. Ảnh:Shutterstock.
 

Tuy nhiên, tình hình năm nay được ghi nhận là ảm đạm. Lạm phát mạnh, chi phí sinh hoạt đồng loạt tăng buộc nhiều người thắt chặt hơn nữa chi tiêu, và thứ họ cắt giảm đầu tiên chính là mua sắm trực tuyến.

Tren:be cho biết họ ghi nhận số lượng người dùng hoạt động hàng tháng (MAU) trong tháng 11 giảm khoảng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 370.000. Cùng thời gian, chỉ số MAU của Must It và Balaan cũng lần lượt giảm từ 350.000 xuống 250.000 và từ 560.000 xuống 480.000.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh mua sắm trực tuyến đang rơi vào tình trạng báo động do số lượng người mua hàng tháng giảm mạnh thời gian này. Các doanh nghiệp cố gắng quảng bá bằng nhiều hình thức khác nhau và tung ra hàng loạt phiếu giảm giá để giữ chân khách hàng. Song hiệu quả đạt được không đáng kể.

"Nhiều công ty đang hy vọng các chính sách kinh tế vĩ mô sẽ được nới lỏng hơn vào thời điểm hiện tại, để mọi người được san sẻ gánh nặng trong thời kỳ bão giá", đại diện một công ty bán hàng xa xỉ bày tỏ.

Theo zingnews