Trong nhiều thế kỷ, dân làng Trunyan ở đảo Bali giữ tập tục an táng lộ thiên. Nghi thức này nhằm để thi thể trong lồng tre, bỏ mặc ngoài trời để tự phân hủy cho đến khi chỉ còn lại bộ xương và hộp sọ.

Nghi thức này trở thành mối lo ngại trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á. Trên khắp thế giới, việc chôn cất nạn nhân Covid-19 đều do nhân viên nghĩa trang mặc đồ bảo hộ y tế thực hiện. Người thân không được làm nghi lễ thông thường vì phải đảm bảo giãn cách xã hội và các biện pháp an toàn.

Trên khắp Indonesia, các nhân viên nhà tang lễ cũng được yêu cầu mặc đồ bảo hộ và việc chôn cất diễn ra nhanh chóng nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19. Nhưng tại Bali, các quan chức tuyên bố virus khiến ít nhất 8 triệu người nhiễm và hơn 450.000 người chết, vẫn chưa "chạm" được tới khu vực đông bắc của đảo, nơi người Trunyan sinh sống.

"Quá trình tang lễ vẫn diễn ra như cũ, chỉ khác là giờ chúng tôi đeo khẩu trang", trưởng làng Wayan Arjuna, cho biết.

Không giống như những khu vực còn lại trên đảo Bali, người Trunyan có tín ngưỡng và phong tục truyền thống với cách giải thích riêng của họ về đạo Hindu, khi không chôn cất hay hỏa táng người chết.

Theo trưởng làng, nơi này tạm thời không đón khách du lịch vì lo ngại họ mang virus đến. "Chúng tôi sợ nhiễm Covid-19", ông Arjuna nói nhưng cho biết thêm không có ai yêu cầu tạm dừng phong tục mai táng lộ thiên.

Vật dụng người thân để cạnh người chết. Ảnh: AFP.

Vật dụng người thân để cạnh người chết. Ảnh:AFP.

Thi thể sẽ được đặt trong các lồng tre để ngăn thú vật và để ngoài trời cho đến khi xác chết tự phân rã. Họ tin rằng đây là cách để thân nhân của họ có thể giữ kết nối với người quá cố. "Điều này khiến chúng tôi cảm thấy được kết nối với những người thân yêu. Giống như khi bà tôi qua đời, tôi cảm thấy bà vẫn luôn gần gũi", ông nói.

Để tới khu vực nghĩa trang ngoài trời của ngôi làng Trunyan nhỏ bé, du khách đi thuyền qua hồ núi lửa Batur, vòng qua ngôi đền Hindu được chạm khắc từ đá núi lửa. Nơi này được gọi là "Đảo đầu lâu".

"Có 11 lồng đựng thi thể đang được đặt gần một thân cây", người dân địa phương nói và thêm rằng cây này được cho giúp loại bỏ mùi tử khí.

Trong một chiếc lồng, một thi thể người phụ nữ trông như đang ngủ, nhưng làn da xám ngắt khiến người ta biết rằng đấy là một xác chết. Gần đó, một bộ xương trơ đầu lâu cũng ở trong một chiếc lồng.

Nếu các lồng đầy thì các xác chết cũ được chuyển đến một chỗ để hài cốt mở, để nhường chỗ cho những cái xác mới. Sau đó, khi thịt phân hủy hết, những hộp sọ của người chết từ lâu được đặt trên một bàn thờ bằng đá, cho đến khi chúng cũng phân hủy

Gần đó, một nghĩa trang thứ hai dành cho những người chưa lập gia đình và trẻ em, trong khi nghĩa trang thứ ba dành cho những người chết như giết người hoặc qua đời vì bệnh cấp tính.

Wayan Sukarmin - hướng dẫn viên, người có 20 năm nghiên cứu về Đảo đầu lâu - cho biết, dép cao su, thuốc lá, kem đánh răng và nồi chảo và cả những giỏ đầy tiền xu được đặt xung quanh các lồng xác chết. Theo Sukarmin, những vật dụng này đều do người thân để lại cho người quá cố sử dụng ở thế giới bên kia. "Không người dân địa phương nào trộm đồ, bởi nó thuộc về người chết. Chúng tôi quan niệm thế. Tôi chẳng biết hậu quả ra sao nếu bạn lấy thứ gì đó, nhưng tôi tin vào nghiệp", ông nói.

Ngay cả khi đại dịch đang tấn công khắp thế giới, tập tục mai táng lộ thiên hầu như không bị ảnh hưởng. Trưởng nhóm đội đặc nhiệm Covid-19, Dewa Made Indra cho biết: "Chưa có ca nhiễm nào được báo cáo ở Trunyan. Nhưng nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ xử lý bằng các thủ tục đặc biệt và tôi tin dân làng sẽ hiểu".

 

Theo ione.net