"Đó không phải điều thú vị sao? Nếu có gà, chắc chắn chúng tôi sẽ có trứng", Frank 41 tuổi ở Richmond, bang Virginia nói.
Frank là nhà sử học của Đại học Virginia còn Kathryn là luật sư. Trước đại dịch, cả hai vợ chồng chưa bao giờ nghĩ đến việc nuôi gà. Ở nhà, họ có hai con chó và hai con mèo.
Tháng 4, vợ chồng Frank mua sáu con gà về nuôi. Con gái tám tuổi Charlotte của họ nhiệt tình ủng hộ bố mẹ, thậm chí tự đặt tên bầy gà theo những người nổi tiếng mà mình yêu thích.
"Chúng là những sinh vật vui nhộn. Nếu không ở trong chuồng, chúng thích lang thang khắp vườn và mổ các loại hạt", Frank nói về đàn gà. Theo anh, nuôi gà dễ hơn các loài thú cưng khác. Điều khó khăn chỉ là lùa chúng vào chuồng.
Ngoài Frank, nhiều người Mỹ khác cũng nảy ra ý tưởng nuôi gà, vừa để giết thời gian vừa để có thêm nguồn thực phẩm.
Traci Torres, giám đốc điều hành một công ty cung cấp dịch vụ nuôi gà tiết lộ doanh số chuồng gà tăng vọt kể từ khi đại dịch bắt đầu. Tháng 3, doanh số tăng 325%. Đến tháng tư, con số này là 525%.
"Doanh số hiện đã giảm vì chúng tôi không còn gì để bán. Chúng tôi không có thời gian để đẩy mạnh sản xuất", Torres nói. Tuy vậy, doanh số tháng 7 của họ vẫn tăng 250% và còn "hàng trăm đơn hàng chờ vận chuyển".
Công ty của Torres tư vấn cho khách hàng nên mua bao nhiêu con gà, những điều cần biết về chuồng gà và nên mua các thiết bị gì. Họ cũng bán gà con với giá khoảng 5 USD mỗi con.
Đàn gà của Frank bắt đầu đẻ trứng cách đây một tháng. Hiện mỗi ngày chúng cho gia đình nửa tá trứng. Với số trứng tươi, vợ chồng Frank nấu nướng và làm bánh nhiều hơn. Họ cũng đem biếu hàng xóm và "nổi tiếng khắp khu phố".
"Tôi chỉ sợ những món ăn vợ làm gây ảnh hưởng đến lượng cholesterol của chúng tôi", Frank đùa, nhưng khẳng định sẽ tiếp tục nuôi gà kể cả sau khi đại dịch kết thúc.
Theo vnexpress