Theo báo cáo được Express Scripts, chương trình quản lý lợi nhuận dược phẩm có trụ sở tại Mỹ, việc sử dụng thuốc trị tâm lý bán theo đơn ở Mỹ đã tăng hơn 20% kể từ tháng 2 đến tháng 3. Cao điểm nhất là vào ngày 15/3, khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố Covid-19 là đại dịch. Dữ liệu cho thấy lượng bán ra của thuốc chống lo âu tăng 34%, thuốc trầm cảm tăng 18%. Hơn ba phần tư trong số đó là các đơn mới được kê thời gian gần đây.
Trước đó, vào giai đoạn 2015-2019, doanh số bán thuốc chống lo âu có xu hướng giảm. "Chúng tôi thường dùng thuốc trầm cảm cho cả hai loại bệnh", Michael Liebowitz, giáo sư tâm thần học lâm sàng tại Đại học Columbia, New York, cho biết.
Ông lý giải mức tăng đột biến gần đây là do thuốc chống rối loạn lo âu có tác dụng nhanh chóng hơn. Giống với nhiều chuyên gia cũng lĩnh vực, giáo sư Liebowitz nhận định Covid-19 có tác động đáng kể đến sức khỏe tâm thần. Ông gọi đại dịch là "yếu tố gây căng thẳng cực lớn", khiến bệnh nhân trầm cảm và những người vốn dễ lo lắng vô cùng chật vật.
Ann Rosen Spector, một chuyên gia tâm lý làm việc tại Philadelphia, Mỹ, lý giải: "Hai điều mà con người luôn khao khát tự nhiên là trạng thái chắc chắn và sự kiểm soát. Bất cứ khi nào bạn mất kiểm soát hoặc đối mặt với sự không chắc chắn, cảm giác lo âu sẽ ập đến".
"Đại dịch cũng tương tự như vậy. Không ai biết nó sẽ lan đến đâu, lây nhiễm cho bao nhiêu người. Cũng chẳng ai biết cách đảm bảo an toàn cho người thân, hoặc căn bệnh sẽ kéo dài bao lâu", bà bổ sung.
Spector cho biết phòng khám của bà vô cùng bận rộn trong thời gian gần đây. Nhiều người bệnh đề nghị tăng số buổi trị liệu mỗi tuần, các bệnh nhân mới cũng liên tục gọi đến. Một số người đã dừng điều trị một thời gian bởi tình trạng sức khỏe cải thiện, nay phải quay trở lại phòng khám.
"Rõ ràng là mọi người đã dùng nhiều loại chất để khống chế sự bất an của mình. Hoạt động sử dụng rượu bia gia tăng, cần sa cũng vậy. Song tôi đang nỗi lực khuyên nhủ bệnh nhân thử các phương pháp khác, xem liệu có thể tự kiểm soát cảm giác này hay không, trước khi uống một viên thuốc", bà nói.
Trong khi đó, giáo sư Liebowitz không tỏ ra quá lo lắng đối với việc sử dụng thuốc theo đơn của các bệnh nhân. "Tôi muốn mọi người được điều trị còn hơn không. Và tình trạng này sẽ kéo dài vài năm chứ không biến mất sau mấy tháng", ông khẳng định. Giáo sư cũng kỳ vọng đại dịch sẽ là bàn đạp cho các phương pháp điều trị hiệu quả hơn đối với các bệnh tâm lý.
Theo lời khuyên của bà Spector, người bị căng thẳng trong đại dịch nên tập thiền, thở sâu, tạm dừng đọc tin tức trong một thời gian, liên lạc với bạn bè qua video hoặc tập thể dục 20 phút mỗi ngày nếu có thể.
Theo vnexpress