Kira Segal là một người có tính tổ chức cao, thường xuyên lập danh sách những việc cần làm cũng như vật dụng phải mang theo trong mỗi kỳ nghỉ cùng chồng và 4 đứa con từ 6 tháng đến 7 tuổi, theo New York Times.

Vào tháng 3, sau khi cặp vợ chồng tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19, Segal lên danh sách những món đồ cần thiết để gia đình mang theo tới Anguilla. Ấy vậy, cô hoàn toàn quên bẵng kem chống nắng, mũ và áo bơi chống nắng.

                                                            Nhiều người bỏ quên các vật dụng cá nhân cần thiết khi xếp hành lý du lịch. Ảnh: Dan Baker/The Manual.


“Cứ như thể tôi chẳng nhớ ra rằng cả nhà sắp du lịch tại một hòn đảo ở Caribbean”, Segal (35 tuổi), một người New York (Mỹ) chuẩn bị học tiếp ngành luật, cho biết.

“Thường thì tôi sẽ chuẩn bị một túi đầy đủ từ bình xịt muỗi cho tới son dưỡng. Giờ đây, khẩu trang được đặt lên ưu tiên hàng đầu, hơn cả kem chống nắng”, cô nói thêm.

Khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, một số nơi trên thế giới mở cửa và khách du lịch đang nỗ lực thích nghi trở lại cuộc sống bình thường mới.

“Đã một thời gian dài kể từ lần cuối chúng ta rời khỏi nhà. Vì vậy, ý tưởng về việc đóng gói hành lý cho một chuyến đi có vẻ hơi xa lạ”, New York Times trích đoạn quảng cáo của Accor, một trong những tập đoàn khách sạn lớn nhất thế giới.

Quên cả hành lý


“Do sự gián đoạn kéo dài hơn một năm qua, những điều vốn dĩ quen thuộc với chúng ta, những thứ chúng ta coi là đương nhiên và tự động thực hiện, cũng bị ảnh hưởng theo”, Qi Wang, Giáo sư ngành Phát triển Con người của Đại học Cornell, người nghiên cứu về trí nhớ, chia sẻ.

Gần đây, Chad Kelley, tiếp viên hàng không Delta Air Lines có trụ sở tại Seattle (Mỹ), nhận thấy yêu cầu mượn tai nghe, cũng như xin một số hàng hóa máy bay không dự trữ như kem đánh răng và thuốc không kê đơn gia tăng bất thường.

“Tất cả chúng ta đều quá quen với việc ngồi trên ghế bành ở nhà. Dường như mọi người thực sự quên mất mọi thứ hoạt động như thế nào khi lên máy bay. Họ nhìn chằm chằm vào khoang hành lý hồi lâu rồi tự hỏi ‘Liệu túi xách của mình có vừa vặn trên đó không? Giờ tôi làm thế nào để ngồi xuống nhỉ?’”, anh nói.

Trước đại dịch, nam tiếp viên thường thấy các bậc phụ huynh chuẩn bị đồ ăn nhẹ và đồ chơi cho con nhỏ một cách thành thục.

“Còn hiện nay, túi xách của họ rối tung. Có vẻ như họ chỉ ném đồ vào vali vì lâu rồi chẳng ai thực sự đóng hành lý đi đâu xa cả”, anh cho biết.

    Anthony Berklich, một hành khách thường xuyên đi máy bay trước đại dịch, quên cả hộ chiếu trong lần đầu xuất cảnh hậu Covid-19. Ảnh: Katherine Marks/New York Times.


Tháng 8, Anthony Berklich, người sáng lập công ty tư vấn du lịch sang trọng Inspired Citizen, đến sân bay để đáp chuyến bay quốc tế đầu tiên hậu đại dịch. Song, ông phải chuyển lịch bay chỉ vì hoàn toàn quên mất việc mang theo hộ chiếu.

“Các quy định thay đổi quá nhanh, gây khó hiểu đối với khách du lịch. Tâm trí họ không đủ chỗ để quan tâm về những món đồ cần thiết khi đi du lịch, bởi họ còn mải lo lắng rằng liệu bản có được đặt chân tới hoặc rời khỏi quốc gia không”, Berklich, người thường di chuyển 322.000 km mỗi năm, cho biết.

William Rademacher, Tổng giám đốc khách sạn The Wayfinder ở Rhode Island (Mỹ), nhớ lại một vị khách quen, thường xuyên ở lại khách sạn của ông trong mỗi chuyến công tác trước đại dịch.

“Trong lần đầu tiên trở lại vào tháng 3, nhân viên lễ tân của chúng tôi hỏi vị khách đó rằng liệu ông có cần giúp đỡ với hành lý của mình không. Ông ấy nhìn xung quanh và nói ‘Thật kỳ lạ, tôi chưa từng để quên vali trong ôtô. Vài phút sau, vị khách trở lại từ sân đỗ xe và nói rằng ông đã quên đem theo hành lý của mình ở nhà, bao gồm tất cả quần áo và đồ vệ sinh cá nhân”, Rademacher kể lại.

Covid-19 choán tâm trí


Covid-19 và những yêu cầu khó hiểu của nó đối với các chuyến đi quốc tế đã chiếm phần lớn sự chú ý của khách du lịch.

“Chúng tôi gặp những khách vì quá mải chuẩn bị cho Covid-19 mà quên đi tất cả loại vaccine cần thiết khác cho chuyến du lịch tới Kenya, chẳng hạn vaccine sốt vàng. May mắn thay, sau nhiều lần thuyết phục và thảo luận với cơ quan nhập cư, họ được nhập cảnh”, PJ Scott, Gám đốc điều hành của ROAR AFRICA, một công ty săn bắn xa xỉ, cho biết.

                                                                  Nhiều sự cố xảy ra tại cổng an ninh đối với những vị khách lâu ngày không xuất cảnh. Ảnh: UIG.


Ngay cả những nhân viên dày dặn kinh nghiệm trong ngành du lịch cũng không “miễn nhiễm” đối với tình trạng này, trong đó có Téva Canetti, trợ lý giám đốc tổ chức tiệc tại khách sạn sang trọng Le Fouquet’s (Paris, Pháp).

Ông mới đi làm trở lại vào tháng 6 sau hơn một năm khách sạn đóng cửa. Canetti cho biết: “Khi quay lại, tôi quên mất số điện thoại của chỗ làm. Tôi phải giữ tờ giấy ghi chú số điện thoại bên mình cả ngày”.

Khu vực an ninh sân bay cũng là nơi gặp nhiều “rắc rối” đối với những vị khách lâu ngày không du lịch.

Theo Lisa Farbstein, phát ngôn viên các vấn đề công cộng của Cục Quản lý An ninh Vận tải Mỹ, nhiều hành khách “ngớ người” nhận ra hộ chiếu của mình đã hết hạn hoặc họ nên đi giày slip-on để tiện kiểm tra an ninh.

Cô cũng cho biết cục quản lý đang nhận thấy lượng lớn bất thường các lỗi cơ bản ở cổng an ninh, bao gồm dung tích chất lỏng vượt quá quy định cho phép.

Cuối năm 2020, Grey Malin (35 tuổi), một nhiếp ảnh gia từng đặt chân tới tất cả 7 lục địa, ra sân bay để đáp chuyến bay đến bang Hawaii vào dịp Giáng sinh.

Đến lúc đó, anh mới nhận ra thẻ thành viên dịch vụ kiểm tra an ninh nhanh TSA PreCheck của mình đã hết hạn từ hồi anh bị kẹt ở Los Angeles do Covid-19.

Tới lượt về của chuyến đi ấy, Malin lại quên rằng bình nước của mình vẫn còn đầy.

“Tôi không thể tin được mình có thể phạm một lỗi ngớ ngẩn đến vậy. Khi bạn làm điều gì đó một cách thường xuyên, nó sẽ đến một cách tự nhiên. Còn nếu bạn ngừng thói quen, việc quay trở lại sẽ phức tạp hơn”, anh nói.

Theo Zing