Đi qua hai mùa dịch

Năm 2003, khi đại dịch SARS bùng phát, Viji Jagadessh - đang làm kế toán cho một công ty - bị mất việc vì công ty không thể trụ nổi do tác động từ dịch bệnh.

Sau khi thất nghiệp một năm, Viji Jagadeesh thành lập cơ sở lưu trú dành cho khách du lịch ngắn hạn với 12 giường. Ba năm sau đó, nơi đây đã phát triển thành một ký túc xá nhỏ với 60 giường. Việc những hãng hàng không giá rẻ ra đời thúc đẩy lượng khách du lịch đến Singapore tăng nhanh, mang theo nhiều cơ hội cho dịch vụ lưu trú của Viji Jagadeesh. 

Cơ sở lưu trú của Viji Jagadeesh tăng lên 144 giường, lớn nhất nhì khu Seragoon (đông bắc Singapore). 

Cơ sở lưu trú của Viji Jagadeesh từng ăn nên làm ra trước khi dịch COVID-19 ập đến

Nhưng dịch bệnh COVID-19 ập đến khiến tình hình kinh doanh của Viji Jagadeesh trở nên ảm đạm. Trong tháng này, cơ sở lưu trú phải đóng cửa. “Sáu tháng qua quả là một cuộc dạo chơi không dễ chịu”, Viji Jagadeesh nói với Channel News Asia.

Cô cảm thấy sự rắc rối bắt đầu từ tháng 12/2019 khi một nhóm sinh viên Ấn Độ quyết định hủy đặt phòng, dù lịch trình của họ đến tháng 4/2020 mới bắt đầu. Tuy nhiên, Viji Jagadeesh không ngờ rằng mọi thứ lại trở nên tồi tệ, mất kiểm soát. 

“Chúng tôi từng nghĩ sẽ không có vấn đề gì. Khách du lịch sẽ trở lại sớm thôi. Nhưng bây giờ, những khách đặt phòng vào tháng 9 tới cũng hủy sạch”, cô nói.

Cô tìm mọi cách để tỉ lệ lấp đầy phòng là 30-40%, trong khi muốn hòa vốn phải có đến 65%. Có ngày, chỉ có 5 khách đăng ký ở lại. 

Cô đã đóng cửa một vài tầng trong những tháng qua để tiết kiệm chi phí như điện, dọn dẹp. Thậm chí tháng vừa qua, cơ sở lưu trú này chỉ có 8 khách, doanh thu không đủ trả hóa đơn internet.

Bên trong những căn phòng đã hơn nửa năm qua không có người lưu lại

Viji Jagadeesh đã tìm nhiều biện pháp, trong đó có cả cầm đồ trang sức cá nhân để có đủ tiền xoay xở, trả tiền lại cho khách hủy phòng. 

Được chủ nhà hỗ trợ nhưng Viji Jagadesh cho rằng với mức thuê nhà đến 45.000 đô la Singapore mỗi tháng, trong khi biên giới vẫn đóng cửa thì hy vọng vào ngày mai tươi sáng là khó có thể. 

Viji Jagadeesh chưa sa thải bất kỳ ai trong tổng số 16 nhân viên của mình. Trong khi đó, chồng cô phải đi tìm một công việc khác.        

Dịch bệnh cũng khiến 3 cơ sở kinh doanh khác của Viji, gồm: cửa hàng hoa, siêu thị và công ty du lịch rơi vào khó khăn. 

Đi qua 2 mùa dịch khiến Viji Jagadeesh thấu hiểu những đắng cay trong cuộc sống, nhưng cô vẫn sẵn sàng để bắt đầu lại

Chuyện không của riêng ai

Đây không chỉ là câu chuyện riêng của cô mà nhiều người cũng phải đối mặt khi du lịch là một trong những ngành có sự đóng góp lớn vào nền kinh tế của Singapore.

Anh Allan Lee - đồng sở hữu Wink Capsule Hostel - cho biết trước thời điểm Singapore đóng cửa với khách du lịch, tỉ lệ lấp đầy là 80% trên tổng số 150 giường ở 2 địa điểm hoạt động. Nhưng khi không có khách du lịch, đồng nghĩa doanh thu của họ là con số 0 tròn trĩnh trong mấy tháng qua. 

Vào tháng 4, một nhóm gồm 40 chủ nhà trọ - với tổng số từ 3.000 đến 4.000 giường - đã tập hợp lại và thành lập liên minh nhà nghỉ Tây ba lô Singapore nhằm thảo luận và cập nhật các biện pháp chống dịch, phục hồi kinh tế của chính phủ.   

Adler Poh - phát ngôn viên của nhóm - cho biết họ đang sống trong những ngày vô cùng hoảng loạn. 

Vắng vẻ là tình cảnh chung của nhiều cơ sở lưu trú tại Singapore

Viji Jagadeesh từng nghĩ sẽ có một con đường sống khi những người nước ngoài làm việc tại Singapore thuê trọ trở lại, khi hoàn thành 14 ngày cách ly. Nhưng trong khi đó, các quốc gia như: Malaysia, Philippines... lại đóng cửa biên giới khiến hy vọng vụt tắt.

Trong thời gian dịch, hàng ngàn người Malaysia có thẻ công tác tại Singapore phải tạm trú lại, nhưng hầu hết họ tìm được chỗ khác với giá rẻ hơn.

Các ký túc xá như Wink Capsule Hostel phải giảm giá xuống 35 đô la Singapore để phục vụ nhóm này. Tuy nhiên, Lee cho rằng họ tìm kiếm mức giá thuê chỉ khoảng 20 đô la Singapore/ngày. Nếu giá thuê phòng không thấp hơn, nhóm này có thể tìm thuê nhà do chính phủ xây. 

Sau đó, một số khách sạn đã giảm giá thuê từ 40 đô la Singapore/ngày xuống còn phân nửa. Adler Poh nói rằng nếu các cơ sở lưu trú kinh doanh với mức này thì chẳng khác nào đốt tiền. Doanh thu có được chưa chắc có thể xoay xở để trả lương cho nhân viên.

Nhiều đơn vị đứng bên bờ phá sản vì dịch bệnh do không có nguồn thu

Một vấn đề khác, các cơ sở lưu trú chỉ được phép cho thuê 50% lượng giường để đảm bảo giãn cách an toàn. Nếu giá thuê phòng không đổi và quy định giãn cách 50% vẫn được áp dụng, theo Adler Poh, trong tương lai nhiều cơ sở lưu trú phải đóng cửa.

Allan Lee cho biết hiện mỗi tháng cơ sở của anh thiếu hụt vài ngàn đô. Cơ sở sẽ cố gắng duy trì đến cuối năm, nếu tình hình vẫn không khởi sắc sẽ đóng cửa.

Theo  phunuonline.com.vn