Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có đến 745.000 người đã tử vong vì đột quỵ và thiếu máu cơ tim vào năm 2016 do làm việc ít nhất 55 giờ/tuần, tăng 29% so với năm 2000.
Thời gian làm việc kéo dài có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần. Đại dịch Covid-19 ập đến lại càng là cái cớ để rất nhiều người phải làm việc tại nhà và dành cả ngày trước máy tính.
Người lao động làm việc ở nhà nhiều hơn, trong thời gian dài hơn do Covid-19. Ảnh: The Straits Times.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết: "Đại dịch đã thay đổi cách thức làm việc của nhiều người một cách đáng kể. Làm việc từ xa trở nên quen thuộc, làm mờ đi ranh giới giữa nhà và nơi làm việc.
Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải thu hẹp quy mô hoạt động hoặc đóng cửa để tiết kiệm vốn. Những nhân viên còn lại cuối cùng đã phải làm việc nhiều giờ hơn. Nhưng hãy nhớ rằng không có công việc nào có thể trả giá cho nguy cơ đột quỵ hoặc bệnh tim".
Nhân viên bị gọi video giám sát, họp lúc 19h
Theo Bangkok Post, đại dịch Covid-19 thúc đẩy xu hướng làm việc nhiều hơn, trong đó người lao động ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc bộ phận Môi trường, Biến đổi khí hậu và Sức khỏe của WHO cho biết: "Làm việc từ 55 giờ trở lên mỗi tuần là một mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khỏe. Đã đến lúc tất cả chúng ta, chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động nhận thức được rằng làm việc quá nhiều có thể dẫn đến tử vong sớm".
Làm việc ở nhà trong giai đoạn giãn cách xã hội gây nhiều áp lực. Ảnh: Reuters.
Chỉ số Cân bằng cuộc sống - công việc toàn cầu năm 2021 của Kisi đã liệt kê Hong Kong, Singapore, Buenos Aires, Seoul và Bangkok là nhóm những thành phố có tỷ lệ cao người lao động phải làm việc trên 48 giờ/tuần.
Bác sĩ tâm thần Ornpailin Ratanapinsiri của Bệnh viện Paolo Phaholyothin's Let's Talk cho biết làm việc tại nhà trong giai đoạn đại dịch Covid-19 rất tiện dụng nhưng đòi hỏi nhân viên phải ngồi trước máy tính cả ngày, nguy cơ căng thẳng là không tránh khỏi.
"Một số công ty gọi video để giám sát nhân viên của họ khi làm việc tại nhà. Nhiều đơn vị khác còn lên lịch họp trực tuyến lúc 18 hoặc 19h, buộc nhân viên phải làm việc lúc giờ ăn tối.
Không những thế, các trường học đã chuyển sang hình thức học trực tuyến và do đó nhiều phụ huynh phải dành quá nhiều thời gian ngồi trước màn hình máy tính", bác sĩ Ornpailin nói.
Giảm chất lượng giấc ngủ là một dấu hiệu phổ biến của căng thẳng kéo dài. Triệu chứng sớm nhất là mất tập trung và buồn chán trong công việc. Triệu chứng nặng hơn là rơi vào trạng thái trầm cảm và tự cô lập mình với xã hội.
"Nhiều người không chịu nói ra sự căng thẳng của mình trong công việc. Trong văn hóa Thái Lan, hầu hết bậc cha mẹ thường khuyên con cái nên cố gắng làm việc thay vì đồng cảm với tâm lý của con.
Nhiều người trẻ ngày nay sẵn sàng đến gặp bác sĩ tâm lý để được lắng nghe và tìm ra giải pháp điều trị. Họ nhận ra rằng sức khỏe tinh thần ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sự nghiệp và các mối quan hệ của họ", bác sĩ Ornpailin chia sẻ với Bangkok Post.
Nhiều người phải tìm đến bác sĩ tâm lý do căng thẳng công việc. Ảnh: Reuters.
Làm việc để sống, không phải sống để làm việc
Nhân viên văn phòng trong độ tuổi từ 30 đến 49 có xu hướng bị căng thẳng mạn tính nhưng họ thường không nhận thức được điều đó. Một số người chỉ phát hiện ra điều này sau khi đã nghỉ việc. Khi đó, vấn đề tâm lý của họ đã trở nên trầm trọng.
Theo bác sĩ Ornpailin, duy trì sự cân bằng giữa công việc và lối sống lành mạnh là điều cần thiết để đảm bảo chất lượng sống. Mọi người nên học cách sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các công việc để tăng năng suất lao động đồng thời giảm căng thẳng.
Ornpailin gợi ý chúng ta có thể luyện tập các bài tập thở và thiền để làm giảm bớt tác hại của căng thẳng.
"Đó là một cách đơn giản để giải tỏa căng thẳng, tái tập trung sự chú ý và đổi mới tâm trí. Ngoài ra, bạn nên tránh sử dụng mạng xã hội sau giờ làm việc hoặc vào cuối tuần. Nhiều người luôn mang theo điện thoại bên người để giữ liên lạc với đồng nghiệp. Điều đó có hại đến sức khỏe tâm thần. Bạn làm việc để sống, không phải sống để làm việc", cô nói.
Ornpailin cũng khuyên nên nghỉ giải lao mỗi 30 phút trong ngày làm việc để cải thiện tâm trạng và não bộ.
"Sau một ngày dài làm việc, chúng ta nên giải trí và làm những điều yêu thích như xem một bộ phim truyền hình dài tập, vẽ, đọc sách hoặc tập thể dục. Mỗi người nên có những cách khác nhau, tuỳ thuộc vào tính cách, để đối phó với cảm xúc tiêu cực của mình".
Theo Zing