leftcenterrightdel
 Nhiều người trẻ tìm đến hôn nhân màu tím để san sẻ gánh nặng tài chính. Ảnh minh họa: tvN.

Robbie Scott (Mỹ), nhạc sĩ kiêm TikToker có 300.000 người theo dõi, đăng video tìm người đăng ký "hôn nhân hoa oải hương" với mình để có thể cùng chi trả tiền thế chấp nhà, điện nước và thuế. Nói trong video thu hút hơn 5 triệu lượt xem, Scott cho biết đối tác hôn nhân có thể "qua lại thoải mái với bất kỳ ai khác" và anh khuyến khích điều đó.

Giống Scott, một số người tìm kiếm đối tác "hôn nhân hoa oải hương" để san sẻ gánh nặng tài chính trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng leo thang.

"Hôn nhân hoa oải hương" (lavender marriage), hay "hôn nhân màu tím" là một khái niệm từng gắn liền với cộng đồng LGBTQ+, ra đời vào khoảng đầu thế kỷ 20. Thuật ngữ mô tả cuộc hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, một hoặc cả hai người này thuộc cộng đồng LGBTQ+. Mục đích của cuộc hôn nhân này là tạo ra vỏ bọc giúp che giấu xu hướng tính dục cua họ trước xã hội.

"Hôn nhân màu tím" bất ngờ trở lại mạng xã hội gần đây. Nhiều người trẻ thuộc Gen Z (sinh năm 1997-2012) hồi sinh hôn nhân màu tím như một cách để chia sẻ chi phí sinh hoạt và chống lại sự cô đơn. Hashtag #lavendermarriage thậm chi thu hút hàng triệu lượt xem trên TikTok, theo Business Insider.

'Kết hôn' để giảm gánh nặng tài chính

Thông thường, "hôn nhân màu tím" là cuộc hôn nhân hợp pháp, tức các cặp sẽ thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý và được luật pháp công nhận như bất kỳ cuộc hôn nhân nào khác. Họ có giấy chứng nhận kết hôn và được hưởng các quyền lợi pháp lý đi kèm với việc kết hôn.

leftcenterrightdel
 Hôn nhân hoa oải hương vốn xuất phát từ cộng đồng LGBTQ+. Ảnh minh họa:Hanna Aura/Pexels.

Edward Reese, chuyên gia về giới và tính dục tại ứng dụng hẹn hò LGBTQ+ Taimi, cho biết cuộc hôn nhân này mang lại nhiều lợi ích như quyền thừa kế, hỗ trợ chăm sóc trẻ em, giảm thuế, lãi suất vay thế chấp thấp hơn, và chăm sóc y tế khi một trong hai bị bệnh.

Nhưng ngày nay, các cặp "màu tím" không nhất thiết phải đăng ký kết hôn mà chỉ cần thỏa thuận bằng lời nói. Sau đó, họ sống với nhau như vợ chồng mà không quan hệ tình dục.

Dù vậy, điều này không giống việc sống chung với bạn cùng phòng, vì bạn cùng phòng có thể dọn đi bất cứ lúc nào.

“Trong 'hôn nhân màu tím', cả hai được kỳ vọng sẽ cùng giải quyết mọi xung đột, thảo luận và thỏa hiệp. Đây là một sự kết hợp dựa trên cam kết, tình yêu và trung thành, dù không có yếu tố lãng mạn", chuyên gia nói.

Christine DeVore, nhà tâm lý học lâm sàng kiêm Giám đốc cơ sở tư vấn tâm lý Birch Psychology (Mỹ), cho biết "hôn nhân màu tím" có thể là giải pháp cho một số gánh nặng trong cuộc sống, như giảm áp lực tài chính mà vẫn duy trì sự độc lập.

Sofie Roos, nhà trị liệu mối quan hệ và chuyên gia sức khỏe tình dục ở Thụy Điển, đề cập đến một số lợi ích khác, bao gồm cảm giác thoải mái và sự tiếp xúc cơ thể, như ôm nhau, nắm tay, hay hỗ trợ về mặt thể chất, giúp cả hai cảm thấy an toàn.

Vấn đề sâu xa hơn

Hiện chưa có số liệu chính xác về số cặp vợ chồng "màu tím" và liệu các cuộc thảo luận trên TikTok có phản ánh đúng xu hướng chung. Tuy nhiên, chúng hé lộ một số vấn đề xã hội, Business Insider nhận định.

Năm 2023, các công ty dịch vụ hẹn hò đã thu về hơn 5 tỷ USD. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đang chậm lại.

leftcenterrightdel
 Chi phí sinh hoạt tăng cao khiến nhiều người lựa chọn kết hôn không tình yêu. Ảnh minh họa:cottonbro studio/Pexels.

Số người dùng trả phí của Match Group, công ty sở hữu các ứng dụng hẹn hò phổ biến bao gồm Tinder, giảm khoảng 6% trong quý đầu năm nay. Giá trị công ty chỉ còn 9,51 tỷ USD, giảm mạnh so với mức 50 tỷ USD năm 2021. Bumble cũng mất khoảng 90% giá trị kể từ khi lên sàn năm 2021.

Nguyên nhân có thể là Gen Z quay lưng lại với ứng dụng hẹn hò, vì chúng đã mất sức hút và đang chạy theo lợi nhuận thay vì tạo ra kết nối thực sự. Nhiều người trẻ mệt mỏi với những hành vi như "ghosting" (biến mất không lý do), "catfishing" (giả mạo danh tính), và thậm chí thậm chí là bị "bùng" hẹn.

Áp lực tài chính cũng là lý do khiến nhiều người trẻ quan tâm đến "hôn nhân màu tím". Theo Washington Post, so với thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) cách đây 10 năm, Gen Z phải chi trả nhiều hơn 31% cho nhà ở. Năm 2012-2022, chi phí bảo hiểm xe hơi cho người trẻ tăng gấp đôi, bảo hiểm y tế tăng 46%.

Trước tình hình này, nhiều người trẻ cân nhắc hình thức "inflationship" (mối quan hệ vì kinh tế) - sống chung phòng, ngủ chung giường, nhưng không quan hệ tình dục. "Hôn nhân màu tím" có thể xem là bước phát triển tiếp theo của xu hướng này.

Ranh giới quan trọng

Theo chuyên gia về giới Reese, người trẻ đang tiếp cận các dạng mối quan hệ mới, bao gồm "hôn nhân màu tím".

Không ít người nhận ra mình thuộc nhóm "aromantic" (không có nhu cầu tình cảm lãng mạn) hoặc "asexual" (không có nhu cầu tình dục). Điều này thách thức quan niệm truyền thống lâu nay của văn hóa đại chúng về tình yêu và tình dục dị tính.

leftcenterrightdel
 Giao tiếp cởi mở và đặt ranh giới rõ ràng là cần thiết với mọi cặp vợ chồng, kể cả trong hôn nhân màu tím. Ảnh minh họa:Ketut Subiyanto/Pexels.

Tuy nhiên, hình thức "hôn nhân màu tím" cũng tồn tại những thách thức. Nhà tâm lý học DeVore và nhà trị liệu mối quan hệ Roos cảnh báo rằng các vấn đề cảm xúc có thể nảy sinh nếu đôi bên không có sự trao đổi cởi mở trước đó.

Ví dụ, những quy định trong "hôn nhân màu tím" có thể không rõ ràng, dẫn đến xung đột. Các bên có thể không đồng ý về những gì được phép làm ngoài mối quan hệ và có quan điểm khác nhau về sự chung thủy.

Thêm vào đó, kiểu hôn nhân này có thể không bền vững nếu một trong hai người muốn tìm kiếm một mối quan hệ lãng mạn thực sự.

Cuối cùng, cần lưu ý rằng dù mang lại nhiều lợi ích, "hôn nhân màu tím" không đảm bảo hạnh phúc trọn đời.

“Không có mối quan hệ nào, kể cả 'hôn nhân màu tím', miễn nhiễm với tổn thương”, nhà tâm lý học DeVore nói.

Theo lifestyle.znews