Ngoài 20 tuổi, Lee Jung-Min thấy không thể tiếp tục thuê nhà được nữa. Nhìn giá nhà ở Seoul tăng vọt, anh quyết định vay tiền bố mẹ mua nhà.

Sau vài năm làm nhân viên văn phòng, Lee đã tiết kiệm được 50 triệu won (gần 1 tỷ đồng). Anh tính vay thêm 160 triệu won (3 tỷ đồng) của cha mẹ và đăng ký một khoản vay ngân hàng. Tháng một năm nay, Lee mua một căn hộ rộng 66 m2 ở quận Geumcheon-gu, Seoul, cách công ty 30 phút lái xe, với khoản trả trước 240 triệu won (4,6 tỷ đồng).

Ngày càng có nhiều người trẻ Hàn Quốc háo hức mua nhà giống Lee Jung-Min. Theo Ủy ban đánh giá bất động sản Hàn Quốc (KAB), tâm lý muốn mua nhà của giới trẻ nước này đạt đỉnh trong 9 năm gần đây.

Nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ gia đình, người trẻ Hàn Quốc ít cơ hội tự mình mua nhà ở thủ đô. Ảnh: Straits Times.

Nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ gia đình, người trẻ Hàn Quốc ít cơ hội tự mình mua nhà ở thủ đô. Ảnh: Straits Times.

Giá nhà Hàn Quốc thời gian qua tăng đến 60%. Giá một căn nhà trung bình gấp khoảng 16 lần thu nhập hàng năm của một gia đình trung lưu. Đây cũng là lý do những người trẻ như Lee Jung-Min bắt đầu nghiên cứu thị trường và tìm cách tiết kiệm. Lo lắng giá nhà tiếp tục tăng, họ hoảng sợ, tìm mọi cách mua nhà. Ở Hàn Quốc, người ta dùng cụm từ "bán linh hồn" để chỉ những người này.

Lee Jong-Hoon, 36 tuổi, cũng là một người "bán linh hồn". Năm ngoái khi hạn hợp đồng thuê nhà còn 9 tháng, anh đã sốt sắng tìm mua nhà. Anh và vợ đã gộp số tiền hai người có lại với nhau cộng với các khoản vay, hỗ trợ từ cha mẹ, ngay sau đó họ mua một căn hộ rộng 59 m2 ở ở Mullae-dong, Seoul.

Baek Seung-Min, 35 tuổi, thậm chí mong mua nhà đến nỗi đã yêu cầu vợ bỏ công việc y tá với mức lương 58 triệu won mỗi năm, khi Covid-19 mới quét qua Hàn Quốc. Khi đó chính phủ đưa ra một loạt chính sách kiểm soát giá nhà và ưu đãi cho những cặp vợ chồng thu nhập thấp. Baek Seung-Min là một nhà thiết kế, thu nhập hàng năm tương đối khá nên vợ anh phải hy sinh.

Theo quy định của Bộ đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc, thu nhập trung bình hàng tháng của một gia đình hai người phải dưới 6,67 triệu won, thời gian kết hôn dưới 7 năm mới được hưởng "chiết khấu đặc biệt" khi mua nhà.

Nhưng Baek Seung-Min vẫn không đủ tiền mua nhà ở Seoul. Không có lựa chọn nào khác, hai vợ chồng đành tìm đến Incheon, cách Seoul hai giờ lái xe về phía tây.

Giống như Beak, để được hưởng các chính sách ưu đãi mua nhà hoặc các khoản vay thương mại, một số cặp vợ chồng không ngần ngại từ bỏ công việc hoặc hoãn việc cưới xin.

Seo-woo Eun, 31 tuổi, yêu bạn trai nhiều năm nhưng không đăng ký kết hôn. Cô gái này tin rằng hai người chia ra đăng ký mua nhà giá rẻ sẽ nhanh hơn một người. "Rất khó tìm được một căn nhà phù hợp tại Seoul. Chúng tôi chỉ có thể làm như vậy và chờ đợi", cô nói.

Theo Khảo sát phúc lợi tài chính gia đình của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, khoản nợ trung bình của các hộ gia đình Hàn Quốc ở độ tuổi 30 là 182 triệu won, tăng 13,1% so với năm 2019. Năm 2021, nhiều người trẻ nước này đã trải qua tình trạng "mua nhà hoảng loạn" do giá nhà đất tăng cao.

Báo cáo của Kyodo News hồi tháng 6 cho hay, không ít chủ nhà thậm chí còn tăng giá thêm 10 triệu won trước ngày ký hợp đồng chính thức. Nếu người mua không chấp nhận, chủ sẽ hủy thỏa thuận trước đó. Điều này trực tiếp dẫn đến sự gia tăng "mua nhà hoảng loạn".

"Nếu không mua nhà ngay bây giờ, bạn sẽ bị đuổi khỏi Seoul", nhiều "người bán linh hồn" ở tuổi 30 để lại lời tương tự trên mạng xã hội. Họ háo hức ở lại Seoul, lo lắng giá nhà tăng lên một mức mới khi thức dậy vào sáng hôm sau.

Theo thống kê từ Ngân hàng quốc gia Hàn Quốc, giá căn hộ trung bình ở Seoul đã tăng gấp đôi vào tháng 7 năm nay, với trung bình 1,1 tỷ won (20,6 tỷ đồng) mỗi căn hộ.

Nền kinh tế phát triển nhanh chóng khiến vùng thủ đô Seoul, vốn chỉ chiếm 0,6% tổng diện tích của Hàn Quốc, đã chứa gần một nửa dân số cả nước. Đây là trung tâm kinh tế chính trị với các trường đại học và xí nghiệp hàng đầu Hàn Quốc, là "cơ hội và ước mơ" của những người trẻ. Họ từ những nơi khác đổ về, mong mua nhà để ở lại thành phố và trở thành những "người Seoul mới".

Từ khi Covid -19 xảy ra, các quy định của thị trường tài chính Hàn Quốc cũng tiếp thêm lửa cho giá nhà đất.

"Kể từ năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã hai lần cắt giảm lãi suất khiến cung tiền tăng mạnh, lượng tiền mặt lớn đổ vào thị trường bất động sản khiến nhà đất tăng giá", Park Won Gap, trưởng nhóm phân tích bất động sản tại Ngân hàng Kookmin, cho biết.

Với việc giá nhà đất tăng chóng mặt và giá thuê nhà tăng cao, những người trẻ không có nơi nào để đi buộc quay sang "vay nặng lãi" để mua nhà.

Tờ rơi quảng cáo bất động sản trên đường phố Hàn Quốc. Ảnh: CFP

Tờ rơi quảng cáo bất động sản trên đường phố Hàn Quốc. Ảnh: CFP

Cũng có một số bạn trẻ đã chọn cách từ bỏ việc mua nhà. Seo Dong-Wook, 27 tuổi, phàn nàn rằng: "Giá nhà quá đắt, dù tôi có làm việc chăm chỉ trong 10 năm cũng không đủ tiền mua". Thay vì tiết kiệm 1,5 tỷ won bằng lối sống quá tằn tiện, anh đã mua một ngôi nhà ở quê mình, tỉnh Incheon.

Cũng trong năm này, khi giá nhà đất tăng cao, một số người trẻ bắt đầu đầu tư vào bất động sản. Theo thống kê, từ tháng 1 đến tháng 5/2021, tỷ lệ mua nhà mới cho mục đích đầu tư đã tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Giáo sư kinh tế Đại học Quốc gia Seoul Dong Hyun-Ahn nhận định, trước kia đã từng có nhiều lựa chọn để người Hàn nâng cao vị thế xã hội của mình. Thế nhưng giờ đây nếu bạn không tốt nghiệp từ một trường đại học loại giỏi và có một tấm bằng tốt thì rất khó xin việc và phải là công việc ở một tập đoàn lớn thì mới đủ kinh tế để mua nhà.

Theo vnexpress