Kể từ tháng Ba, Kim Jaram đạt hơn 100 giờ làm việc mỗi tuần - nhiều hơn gấp đôi số giờ làm việc thông thường. Cô là nhà thiết kế web vào ban ngày và nhân viên tại 2 cửa hàng tiện lợi vào ban đêm, kể cả cuối tuần. 

Kim Jaram (32 tuổi) làm ca đêm tại một cửa hàng tiện lợi để kiếm thêm thu nhập bên cạnh công việc thiết kế web trong giờ hành chính - Nguồn ảnh: CNA
Kim Jaram (32 tuổi) làm ca đêm tại một cửa hàng tiện lợi để kiếm thêm thu nhập bên cạnh công việc thiết kế web trong giờ hành chính - Nguồn ảnh: CNA

 

Người phụ nữ 32 tuổi sống ở Seongnam (Hàn Quốc) cho biết: “Ở Hàn Quốc ngày nay, nếu bạn muốn tồn tại bằng đồng lương hằng tháng thì phải làm việc ở tập đoàn lớn hoặc có vị trí cao.

Đối với những người bình thường, nếu muốn tiết kiệm cho tương lai, việc phải làm ít nhất 2 công việc là điều cần thiết". Tuy nhiên, việc phải làm việc quá nhiều khiến Kim mắc lỗi trong công việc, quên đăng nhập vào các cuộc họp Zoom, khiến sếp nổi giận. Cô cũng tăng cân do không có thời gian tập thể dục. Nhưng cô có một ước mơ: tiết kiệm đủ tiền để mở cửa hàng tiện lợi của riêng mình trong vòng 1 năm. "Tôi không có ý định sống như thế này đến hết đời. Mục tiêu của tôi là đạt được sự tự do tài chính ở độ tuổi từ 40. Tôi tự nhủ tại sao mình không làm việc chăm chỉ hơn nữa” - Kim cho biết và nói thêm, cô chỉ ngủ khoảng hơn 3 giờ mỗi ngày. 

Hàn Quốc là một quốc gia phát triển. Tuy nhiên, có một tình trạng - tương tự như nhiều khu vực khác ở châu Á - là thế hệ trẻ cảm thấy khó có thể bứt phá, phát triển hơn so với thế hệ cha mẹ, dù bản thân có trình độ học vấn cao hơn. 

Khi Grace Corvo (22 tuổi) bắt đầu giao món lasagne tự làm cho bạn bè quanh thành phố Brisbane (Úc), cô chỉ nghĩ đây là một thú vui lúc rảnh rỗi. Tuy nhiên, với nhu cầu khách ngày càng tăng và không muốn từ bỏ khoản thu nhập tăng thêm, Grace đã thêm "đại lý bán lasagne" vào danh sách công việc của mình, bao gồm công việc là nhân viên hỗ trợ và điều hành một bếp ăn tạm thời mỗi 2 tháng tại quán bar địa phương. Grace là 1 trong gần 194.000 thanh niên Úc từ 15-24 tuổi đang làm nhiều công việc cùng lúc. Cô chia sẻ: “Rất nhiều người ở độ tuổi của tôi luôn tất bật trong công việc, với phần lớn trong số đó, điều này là lựa chọn không thể tránh khỏi”.

Đồng chủ tịch Liên minh các vấn đề thanh niên Úc - Sarah Ramantanis - cho biết: “Số lượng người trẻ đảm đương nhiều công việc tăng lên từ trước đại dịch”. Do chi phí sinh hoạt tăng vọt, nhiều người không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm thêm việc làm. Dù vậy, theo bà Ramantanis, đừng đánh giá thấp các tổn thất tinh thần mà nó gây ra cho những người trẻ đang trì hoãn sự nghiệp yêu thích để làm bất kỳ công việc nào họ có thể tìm được. 

Thế hệ Z (sinh từ 1997-2012) và thế hệ Y (sinh từ 1981-1996) đang gặp khó khăn để đạt được những cột mốc quan trọng như cha mẹ họ từng đạt được khi bước vào lực lượng lao động. Theo cuộc thăm dò “Tuổi trẻ và tiền bạc tại Mỹ” của kênh CNBC và Công ty Generation Lab thực hiện vào tháng 10/2023, có 55% thanh niên được hỏi cho rằng việc mua nhà “khó hơn nhiều”, 44% cho biết họ khó tìm việc hơn và 55% cảm thấy khó thăng tiến hơn so với thời cha mẹ của họ.

Cuộc khảo sát đã thăm dò 1.039 người trong độ tuổi từ 18-34 trên khắp nước Mỹ. Cyrus Beschloss - người sáng lập Generation Lab, tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu phản hồi lớn nhất về giới trẻ ở Mỹ - cho biết: “Đây là một bức tranh tổng thể, cho thấy những gì người trẻ nhìn nhận về cuộc sống của họ so với thời cha mẹ”. Ở hướng tích cực, 40% thế hệ Z và thế hệ Y cho biết họ dễ dàng tìm thấy các cơ hội kinh tế bên ngoài công việc truyền thống hơn. Khoảng 50% tin rằng lạm phát sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính trong tương lai của bản thân, dù đây có thể là phản ứng nhất thời trong bối cảnh kinh tế hiện tại. Ngoài ra, trái với suy nghĩ của nhiều người, 43% người lao động trẻ trung thành với nơi làm việc và cấp trên của họ. 

Theo phụ nữ TPHCM