Cảm thấy không thể tiếp tục làm việc trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng với mức độ căng thẳng cao, Katsuhiko Kaneko (43 tuổi) quyết định trở về tỉnh Saitama - nơi cha mẹ anh sinh sống.

Tại Tokigawa, thị trấn có 10.000 dân ở vùng đồi núi của Saitama, Kaneko mở Rakuya, một minshuku (quán trọ nhỏ), nép mình trong khu rừng với vài hàng xóm xung quanh.

Theo Nikkei Asia, Kaneko cùng vợ là Yuka Abe (28 tuổi) đang cố gắng tự túc hết mức có thể mà không cần phải bỏ nhiều công sức. Họ trồng nhiều loại rau và tạo ra các nhu yếu phẩm khác.

Tuy nhiên, cặp vợ chồng không đặt ra quy định nghiêm ngặt về khả năng tự cung tự cấp của mình. Họ cũng không muốn sống ẩn dật mà chỉ cố khiến cuộc sống bớt căng thẳng nhất có thể.

Cặp vợ chồng Katsuhiko Kaneko và Yuka Abe rất thích thưởng thức đồ ăn chế biến từ thực phẩm họ tự tay tạo ra. Ảnh: Kosaku Mimura/Nikkei Asia.


Không ít người Nhật đang kiệt sức vì làm việc nhiều giờ và quản lý các mối quan hệ tại công ty. Họ khao khát lối sống thoải mái hơn, không phải lo lắng về deadline và hiệu suất công việc.

Giống như Kaneko và Abe, nhiều người đang rời bỏ thành phố đầy áp lực để về quê theo đuổi lối sống tự cung tự cấp và làm nông quy mô nhỏ.

Không tách biệt khỏi xã hội


Trong khu vườn nhỏ, Kaneko và Abe nuôi 5 con gà mái lấy trứng, trồng đậu nành, cà chua, cà tím, củ cải daikon, gừng, cà rốt, cũng như gạo và lúa mì để tự cung cấp thức ăn hàng ngày.

Để bảo quản thực phẩm được lâu, hai vợ chồng làm bột đậu nành, cà chua và cà tím xay nhuyễn, củ cải khô, cà rốt ngâm chua. Họ cũng làm mì udon và bánh mì từ lúa mì.

Ngoài ra, Kaneko và Abe ăn các loại thảo mộc tự mọc trong vườn như cỏ đuôi ngựa, ngải cứu hay diếp cá.


Kaneko và Abe phơi rau, củ dưới ánh nắng mặt trời để làm đồ khô. Họ cũng dùng nhiều cách chế biến để bảo quản thực phẩm được lâu. Ảnh: Kosaku Mimura/Nikkei Asia.


Sau khi tốt nghiệp đại học, Kaneko làm việc cho vài công ty trước khi bắt đầu theo đuổi nghề đầu bếp. Anh học cách sử dụng dao hocho Nhật từ nhà hàng sushi, chuẩn bị bữa sáng tại khách sạn ở Australia trước khi cùng bạn mở quán cà phê ở Hong Kong (Trung Quốc).

Trong những ngày tháng đó, Kaneko làm việc tới 17 tiếng/ngày. Sức khỏe của anh bắt đầu suy kiệt, thậm chí bác sĩ nói công việc quá tải có thể giết chết anh.

Mong muốn được sống giữa thiên nhiên của Kaneko lớn dần và thúc đẩy anh bỏ công việc kinh doanh nhà hàng. Trở về quê hương Saitama, anh làm quản lý cho nhà nghỉ bình dân.

Sau khi tích lũy được một số kinh nghiệm, Kaneko xin nghỉ, tự mở minshuku của riêng mình vào năm 2019. Các nhà trọ kiểu minshuku thường cung cấp 2 bữa ăn với một đêm nghỉ ngơi và bồn tắm truyền thống.

Trước đó, Kaneko cũng thuê đất trồng lúa, rau, củ để có thể phục vụ món ăn từ thực phẩm mình tự tay tạo ra. Bạn đời của anh, Abe, cũng yêu thiên nhiên và hoàn toàn ủng hộ lối sống này.

                           Bỏ phố về quê sống tự cung tự cấp là lựa chọn của nhiều người Nhật Bản trong đại dịch. Ảnh: iStock.


Sau khi học hỏi nhiều kỹ năng sống tự cung tự cấp, hai vợ chồng tổ chức các buổi hội thảo và đi du lịch khắp Nhật Bản trên chiếc xe bán tải nhỏ.

Trong các hội thảo này, Abe tập trung hướng dẫn mọi người kỹ thuật làm khô cây và nhiều nguyên liệu thực phẩm khác nhanh chóng bằng hộp gỗ được thiết kế để đón ánh nắng mặt trời.

Không cứng nhắc


Các cánh đồng rau của Kaneko và Abe cách minshuku của họ 5 phút lái xe. Đầu tháng 5, hai vợ chồng bận rộn thu hoạch rau diếp và cải thảo hakusai. Lúa mì cũng đang trổ bông tại cánh đồng liền kề.

Năm phút lái xe nữa đưa họ đến ruộng lúa, được cày xới và sẵn sàng gieo trồng. Tổng cộng, họ trồng rau, lúa, lúa mì và các loại cây khác trên khoảng 15.000 m2 đất, tương đương kinh doanh nông nghiệp quy mô nhỏ.

Thực tế, Kaneko và Abe không cứng nhắc về lối sống tự cung tự cấp. Họ mua các loại gia vị, hạt nêm và thực phẩm khác mà khó có thể tự làm ở nhà.

Hai vợ chồng cũng mua thịt, cá để cải thiện bữa ăn và có điện, nước sinh hoạt. Họ không muốn theo đuổi lối sống khổ hạnh đòi hỏi tính kỷ luật và sức chịu đựng cao.

                      Nhiều người trẻ không cho rằng sống tự cung tự cấp là phải ép mình vào cách sinh hoạt hà khắc. Ảnh: Reuters.


Để mua một số thứ mình cần, Kaneko và Abe bán rau, củ họ trồng được. Ngay cả khi ăn hàng ngày và cung cấp cho bếp tại minshuku của chính mình, hai người vẫn còn rất nhiều thứ để bán. Họ cũng tổ chức các sự kiện thu hoạch và nấu ăn.

Cặp vợ chồng “bỏ phố về quê” không coi lối sống tự cung tự cấp là cách để tách biệt với xã hội.

“Có rất nhiều người cảm thấy mệt mỏi khi phải làm việc nhiều giờ như tôi trước đây. Đạt được mức độ độc lập nhất định thông qua cuộc sống tự cung tự cấp sẽ mang lại cho bạn sự tự do”, Kaneko nói.

Sự tự do mà anh đề cập tới, về bản chất là giá trị tinh thần hơn là vật chất. Vợ chồng Kaneko muốn chia sẻ tầm nhìn của họ về lối sống lý tưởng với mọi người và đã tìm thấy nền tảng để làm điều đó.

Ngày 6/5, Abe đã có bài giảng về lối sống tự cung tự cấp tại một trường đại học tự do ở quận Omotesando của thủ đô Tokyo. Trước đó, blog của Abe đã thu hút sự chú ý của nhân viên tại trường đại học này. Họ mời cô tới thuyết trình.

Thông điệp của Abe là: “Hãy thoát khỏi vòng xoáy tiêu cực của công việc để duy trì lối sống đắt đỏ, sau đó cố gắng giảm bớt căng thẳng thông qua tiêu dùng”.

Cùng ngày, Kaneko cũng được mời phát biểu với tư cách giảng viên khách mời. Anh nói về bí quyết làm vườn để có thể trồng nhiều loại rau.

“Chúng tôi đang tự túc hết mức có thể mà không cần tốn quá nhiều công sức. Bạn cũng không cần phải tự túc hoàn toàn để có lối sống như vậy”, anh nhắn nhủ.

Theo Zing