|
|
Người trẻ Trung Quốc chi nhiều tiền cho các khóa học EQ. Ảnh: Pexels |
Hai năm làm việc trong ngành thiết bị, Jiang Lei (28 tuổi) nhận thấy sự nghiệp của anh chẳng đi đến đâu, trong khi các đồng nghiệp dường như đang kiếm được nhiều tiền nhờ thăng chức và được công nhận.
Jiang nhận thấy đồng nghiệp không làm việc chăm chỉ như mình, nhưng họ rất giỏi trong việc xây dựng các mối quan hệ nên có vẻ thăng tiến nhanh hơn. Điều này khiến chàng trai 28 tuổi phải đặt câu hỏi về việc bản thân có cần trau dồi những kỹ năng đặc biệt nào hay không.
Jiang bắt đầu suy ngẫm về những lần mình bỏ qua các hoạt động xã hội, ví dụ như bỏ lỡ thời điểm thích hợp để chúc mừng sếp, hay cố từ chối những yêu cầu bình thường từ đồng nghiệp.
Nhận thấy mình cần phải thay đổi, Jiang bắt đầu tìm kiếm những khóa học trên mạng để nâng cao EQ.
|
|
Jiang từng là người thu mình và không thích các hoạt động xã hội ở công ty. Ảnh minh họa: Pexels |
Học phí không hề rẻ
Năm 2022, Jiang thấy doanh nhân nổi tiếng Yang Tianzhen mở bán khóa học về EQ trên nền tảng mạng xã hội như Instagram và Xiaohongshu. Mục đích của những khóa học này là giải quyết những thách thức của người lao động ở nơi làm việc.
Jiang chọn tham gia những khóa học liên quan vấn đề giao tiếp xã hội trong bữa ăn, sự nhạy bén trong kinh doanh và kỹ năng xây dựng các mối quan hệ cá nhân.
Những khóa học này đều do người có tầm ảnh hưởng ở Trung Quốc cung cấp, học phí dao động từ 199-3.000 nhân dân tệ (tương đương 28-421 USD) cho mỗi khóa, theo Sixth Tone.
Cứ có thời gian rảnh, Jiang lại dành thời gian và tâm huyết để nghiên cứu mọi thứ, từ kinh tế đến tâm lý học. Anh cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình với bạn bè - những người gặp phải thách thức và vấn đề tương tự tại nơi làm việc.
Nói thêm về kết quả sau khi tham gia những khóa học EQ, Jiang cho biết anh đã thay đổi rất nhiều. Sinh ra và lớn lên trong môi trường giáo dục nghiêm khắc, Jiang gần như trở nên thu mình và cảm thấy không thoải mái trong môi trường xã hội.
Khi làm việc, anh luôn tự tách mình và gặp khó khăn khi hòa nhập với nhóm. Kể cả những lúc tham gia tiệc tùng cùng công ty, chàng trai trẻ cũng thấy rất gò bó, không biết mình nên nói gì, làm gì.
Nhờ khóa học EQ, Jiang học được cách nói chuyện tự tin hơn, biết cách giao tiếp bằng ánh mắt và đã có thể uyển chuyển đổi chủ đề khi cảm thấy không thoải mái. Ngoài ra, anh cũng học được cách chấp nhận quy tắc xã hội nên cảm thấy gắn kết hơn với mọi người.
Ban đầu, Jiang rất phản đối việc tham gia các hoạt động được cho là mang tính gắn kết như uống rượu, hút thuốc, chơi bài cùng đồng nghiệp. Nhưng sau khi nắm vững các kỹ năng xã hội, ít nhất anh có thể giả vờ mình thích những hoạt động như vậy và dần dần có thể tham gia vào các nhóm.
Sự gắn kết chặt chẽ với đồng nghiệp giúp Jiang tiếp cận được nhiều thông tin nội bộ, giúp anh giải quyết được những rắc rối trong công việc.
Các khóa học EQ cũng giúp Jiang học được cách xử lý những tình huống khó xử như trả lời câu hỏi kém duyên của đồng nghiệp. Những kỹ năng mới cũng giúp anh trở nên quyết đoán hơn, anh đã học được cách từ chối.
|
|
Doanh nghiệp cũng bắt đầu chú trọng đến trí tuệ cảm xúc của nhân viên. Ảnh: Pexels |
Công ty cũng "bắt trend" mở khóa học
Trong giai đoạn suy thoái, nhiều công ty sa thải hàng loạt, không ít người lao động tìm đến các khóa học EQ để cải thiện cơ hội việc làm. Các công ty theo đó cũng bắt kịp xu hướng mới này.
Ma Caiying, nhân viên tại một công ty cung cấp dịch vụ nhân sự ở thành phố Quảng Châu, cho biết nhiều công ty nhận ra tầm quan trọng của “trí tuệ cảm xúc” và đang cố gắng tích hợp yếu tố này vào các khóa đào tạo và thường tập trung vào các khía cạnh như xây dựng nhóm và giao tiếp.
Ma nói với Sixth Tone rằng hầu hết lớp học EQ đều nhắm đến mục tiêu xây dựng các kỹ năng thực tế như giao tiếp với sếp hoặc hòa hợp với đồng nghiệp.
Cô cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tương tác với khách hàng vì khách hàng thích coi các nhân viên là mối quan hệ cá nhân thay vì coi họ là những đối tác kinh doanh thuần túy.
Ảnh hưởng của mạng xã hội rất quan trọng và có thể tác động đến "xu hướng EQ" của mỗi người. Ví dụ, trên nền tảng Xiaohongshu, những câu hỏi như "6 người sếp tham dự cuộc họp nhưng chỉ có 5 chai nước thì bạn sẽ làm gì" thường rất hot và thu hút hàng nghìn bình luận.
Trong khi dân mạng nhiệt tình thảo luận, người làm nhân sự như Ma nói rằng những câu hỏi như vậy thường không xuất hiện trong các buổi phỏng vấn việc làm.
Theo kinh nghiệm của họ, doanh nghiệp thường tập trung vào việc tìm hiểu năng lực của ứng viên chứ không chấm điểm EQ của ứng viên dựa trên những câu hỏi như vậy.
Nếu công ty đòi hỏi trí tuệ cảm xúc ở nhân viên, điều đó có nghĩa là công ty mong ứng viên có khả năng giao tiếp với lãnh đạo, có thái độ làm việc lạc quan, linh hoạt và có thể làm việc hòa hợp với những đồng nghiệp khác.
Theo ZNews