Tại Trung Quốc, bằng cấp và danh tiếng của ngôi trường từng theo học là một trong những yếu tố được đa số công ty coi trọng khi tuyển dụng nhân sự.
“Phân tầng đẳng cấp” trong giáo dục trở thành áp lực lớn cho không ít người trẻ hiện đại, khi họ tin rằng tốt nghiệp từ một trường danh giá hay bằng cấp cao sẽ mang đến nhiều cơ hội việc làm và dễ dàng thăng tiến hơn.
Theo The Paper, ngày càng nhiều người trẻ chọn học lên thạc sĩ sau khi tốt nghiệp đại học, với kỳ vọng có được “tấm vé vàng” trong thị trường lao động ngày càng cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Dưới áp lực về tiêu chuẩn tuyển dụng của nhiều công ty và khó khăn thực tế, học lên cao là một biện pháp có thể thử. Nhiều người dùng từ “căng thẳng”, “cô đơn” và “kiệt sức” để miêu tả cảm xúc trong quá trình luyện thi, song họ mong chờ kết quả tốt đẹp sẽ đến trong tương lai.
|
Nhiều người trẻ Trung Quốc cố gắng học lên cao để tìm kiếm cơ hội việc làm. |
Mỗi dịp cuối năm, phòng học của các trường đại học cũng như các khu nhà cho thuê xung quanh trường ở đất nước tỷ dân luôn là bóng dáng của những người đang miệt mài ôn luyện để thi lên thạc sĩ.
10 năm trước, số đơn đăng ký học lên thạc sĩ ở Trung Quốc chỉ hơn 1,51 triệu. Năm 2019, con số này đã tăng lên 3,41 triệu. Số liệu mới được công bố cho thấy năm 2020, lượng ứng viên muốn học lên thạc sĩ đã là 3,77 triệu, một con số kỷ lục và đầy bất ngờ.
Xu thế này ngày càng tăng cao. Rõ ràng, người trẻ xứ Trung ngày nay đang cảm thấy chỉ có bằng đại học là không đủ. Năm 2019, có 38% cử nhân mới tốt nghiệp chọn thi tuyển đầu vào học lên thạc sĩ.
Những ngày gần đây, dân mạng Trung Quốc chia sẻ câu chuyện về anh chàng họ Zhao đã thi trượt 3 lần trong kỳ thi đầu vào học thạc sĩ, và năm 2020, nam thanh niên vẫn quyết thử sức thêm lần nữa.
Bên cạnh đó, nhiều người trẻ chọn học lên cao sau một vài năm làm việc, với mong muốn thăng tiến hoặc tìm được công việc khác tốt hơn.
Xét về thời gian và tiền bạc, học lên thạc sĩ tốn kém hơn nhiều so với học đại học. Tuy nhiên, nhiều người sẵn sàng theo đuổi nó, họ xem tấm bằng cao học chính là “chiếc phao cứu sinh” để đổi đời.
Trong cuộc khảo sát đối với các thí sinh thi đầu vào cao học, 66,9% nói lý do là “nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng lương”.
Một số người khác nói rằng sau nhiều năm đi làm vẫn dậm chân tại chỗ, không thể lên vị trí cao dù nỗ lực và chăm chỉ khiến họ cảm thấy “kiệt quệ cảm xúc”. Việc học lên cao như động lực và cách giải thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại.
Không ít thí sinh thừa nhận việc học lên cao như một cách chạy trốn tạm thời khỏi thực tại khó khăn trong công việc, mong muốn dưới áp lực có thể tìm được con đường rõ ràng hơn cho bản thân.
Trong mắt nhiều người, học lên thạc sĩ như bước nhảy để “cá chép hóa rồng”. Điều này có thể đúng đối với một số người đã đi làm khi họ có thêm cơ sở cho cơ hội thăng tiến.
Tuy nhiên, thực tế phũ phàng hơn khi nhiều người có bằng thạc sĩ lại nhận mức lương thấp hơn cử nhân tốt nghiệp đại học.
Theo "Báo cáo việc làm năm 2018 cho sinh viên đại học ở Trung Quốc" của Michaels, 3 năm sau khi tốt nghiệp cùng lớp sinh viên đại học, thu nhập trung bình hàng tháng của những người trẻ có bằng thạc sĩ trong nước là 7.371 nhân dân tệ, còn của những người dành 3 năm đó để đi làm lại cao hơn, 7.419 nhân dân tệ.
Theo Zing