Nỗi sợ ngăn cản các mối quan hệ

Khi thực tập tại một tạp chí thời trang ở Bắc Kinh (Trung Quốc) vào năm 2022, chàng sinh viên Zhang Kunpeng mất khoảng 1 tháng mới xin được mật khẩu wifi văn phòng từ đồng nghiệp, vì không muốn làm phiền họ. Zhang thích trò chuyện trực tuyến thay vì trực tiếp với đồng nghiệp, vì như thế khiến anh cảm thấy thoải mái hơn. Giống như Zhang, ngày càng nhiều thanh niên mắc chứng rối loạn lo âu xã hội và cảm thấy khó khăn khi phải tương tác trực tiếp với người khác.

leftcenterrightdel
 Với điện thoại thông minh thường trực bên mình, thanh thiếu niên dần rời xa việc giao tiếp thực tế với những người xung quanh - ảnh minh họa: Getty Images


Một cuộc khảo sát của nhật báo Thanh niên Trung Quốc năm 2023 trên 2.000 người ở độ tuổi từ 18-35 cho thấy: 26,7% số người được hỏi đã cho biết họ gặp khó khăn trong tương tác xã hội ngoài đời thực, 17% ngại tương tác trực tuyến và 20,5% cho biết họ gặp vấn đề khi tương tác với người khác cả trong môi trường trực tuyến lẫn ngoại tuyến. Khoảng 40% số người tham gia khảo sát thừa nhận họ muốn tránh các giao tiếp xã hội. Lý do bao gồm việc phải đối mặt với quá nhiều áp lực từ cuộc sống hằng ngày, thiếu kinh nghiệm xã hội, thiếu sự tự tin hoặc chỉ quen giao tiếp trong một nhóm nhỏ. Zhang cho biết mình đã ngại giao tiếp từ nhỏ. Anh cần thời gian để làm quen với người lạ trước khi có thể cảm thấy thoải mái nói chuyện với họ.

Theo bác sĩ Jared Ng tại Connections MindHealth (Singapore), rối loạn lo âu xã hội vượt xa sự nhút nhát, đặc trưng bởi nỗi sợ hãi mãnh liệt trước các tình huống xã hội và thể hiện qua tình trạng sức khỏe tâm thần suy nhược. Không giống như sự nhút nhát - một đặc điểm tính cách khiến các cá nhân có thể cảm thấy lúng túng nhưng vẫn có thể tham gia những tương tác xã hội - nỗi ám ảnh sợ xã hội dẫn đến các hành vi né tránh có thể làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động hằng ngày của cá nhân. Ví dụ, việc mua đồ ăn từ các quầy bán hàng rong có thể khiến một người choáng ngợp do sợ phải tiếp xúc với người khác hoặc bị những thực khách khác quan sát.

ở những trường hợp nghiêm trọng, các cá nhân có thể tránh hoàn toàn việc ăn uống ở nơi công cộng. Chuỗi nhà hàng Prezzo của Anh đã thực hiện một khảo sát với hơn 2.000 người về việc họ cảm thấy thoải mái như thế nào khi đi ăn ở ngoài. Kết quả có 34% thanh niên thuộc thế hệ Z từ 18-24 tuổi thừa nhận, họ thường nhờ người khác tại bàn nói chuyện với người phục vụ để gọi món thay vì tự mình thực hiện. Tỉ lệ này ở các khách hàng khác trung bình là 21%. Theo Sáng kiến khảo sát sức khỏe tâm thần thế giới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ dân số mắc chứng rối loạn lo âu xã hội trên toàn cầu dao động từ 2 - 12%, do sự khác biệt bởi các yếu tố văn hóa và tiêu chuẩn chẩn đoán.

Giải mã nguyên nhân gây lo lắng

Bác sĩ Jared Ng cho biết, nguyên nhân của chứng rối loạn lo âu xã hội rất đa dạng, liên quan đến yếu tố di truyền, môi trường sống, tâm lý cá nhân và trải nghiệm môi trường kỹ thuật số. Những đứa trẻ lớn lên với sự bảo vệ, kiểm soát quá mức từ cha mẹ hoặc từng bị bắt nạt có thể gặp khó khăn, thiếu tự tin trong các tình huống xã hội. Người sống nội tâm hoặc đặc biệt nhạy cảm với những lời chỉ trích sẽ dễ mắc chứng rối loạn lo âu xã hội hơn. Trong thế giới kỹ thuật số ngày nay, việc sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lo lắng. Thế hệ Z trải qua quá trình kết nối liên tục với internet, từ đó có thể dẫn đến sự phụ thuộc quá mức vào giao tiếp kỹ thuật số, giảm tương tác mặt đối mặt và dần làm suy yếu các kỹ năng xã hội của cá nhân. Ngoài ra, việc thường xuyên tiếp xúc với những hình ảnh lý tưởng về cuộc sống của người khác có thể làm tăng cảm giác tự ti và lo lắng.

Bác sĩ Jared Ng kết luận, sự hỗ trợ từ trường học và gia đình là rất cần thiết đối với người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội. Tăng cường giáo dục tâm lý cho giáo viên và phụ huynh có thể giúp xóa bỏ những quan niệm sai lầm, góp phần phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ở trẻ. ở mọi lứa tuổi, liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT) có thể hỗ trợ điều trị chứng rối loạn lo âu xã hội. Trong những trường hợp nghiêm trọng, một số người có thể được dùng thuốc sau khi được bác sĩ tâm thần đánh giá kỹ lưỡng.

Theo phụ nữ TPHCM