Theo kết quả điều tra của cảnh sát Hàn Quốc được công bố hôm 9/10, nguyên nhân cái chết của Bonnie Evita Law (35 tuổi, Hong Kong, Trung Quốc) được xác nhận do sai phạm nghiêm trọng của đội ngũ y tế tại thẩm mỹ viện Ollim Plastic Surgery.

Trước đó, đầu tháng 3, cô được xác nhận tử vong trong quá trình thực hiện ca phẫu thuật hút mỡ và nâng ngực tại Hàn Quốc.

Vụ việc xảy ra từ tháng 1, song phải đến ngày 4/3, khi chồng nạn nhân thay mặt gia đình đệ đơn kiện lên tòa án ở Hong Kong để yêu cầu thẩm mỹ viện bồi thường, các thông tin cụ thể mới được tiết lộ.

Nạn nhân là một trong ba người con của Raymond Law Ka-kui, con trai nhỏ tuổi nhất của cố tỷ phú, ông trùm ngành may mặc Law Ting-pong và là nhà đầu tư bất động sản đang tham gia vào một số dự án phát triển lớn của Hong Kong.

Bonnie Evita Law tử vong khi phẫu thuật thẩm mỹ tại Hàn Quốc.

Theo báo cáo của cánh sát, cơ sở thẩm mỹ trên đã bỏ qua khâu kiểm tra cơ bản trước khi phẫu thuật; tự viết tờ khai về tình trạng sức khỏe mà đáng ra bệnh nhân phải là người viết, bao gồm lời đồng ý phẫu thuật của Law.

Cảnh sát cho biết người phụ trách ca phẫu thuật là bác sĩ chỉnh hình, không phải bác sĩ chuyên phẫu thuật thẩm mỹ.

Dựa trên kết quả phân tích của Viện Điều tra Khoa học Quốc gia, cảnh sát cho rằng việc dùng quá liều propofol - một loại thuốc an thần cho bệnh nhân - là một phần nguyên nhân dẫn tới cái chết của Law. Trong suốt quá trình thực hiện phẫu thuật cũng không có bác sĩ gây mê nào có mặt trong phòng mổ.

Bên cạnh đó, việc tiếp nhận bệnh nhân người nước ngoài của Ollim Plastic Surgery cũng chứa nhiều sai phạm khi không đăng ký thông tin của Law.

Phía gia đình Law bức xúc bởi sau cái chết của cô, bệnh viện thẩm mỹ tiếp tục hoạt động, trên website vẫn cho phép đặt lịch hẹn với bác sĩ phẫu thuật chính.

Đơn vị điều tra của Cơ quan Cảnh sát Thủ đô Seoul đang có kế hoạch cáo buộc các nhân viên y tế, trong đó có bác sĩ Kim (người trực tiếp tham gia ca mổ) bởi các sai phạm nghiêm trọng.

Ái nữ nhà tỷ phú Hong Kong không phải nạn nhân duy nhất của các cơ sở thẩm mỹ ở khu vực quận Gangnam, Hàn Quốc.

Những ca tử vong khi phẫu thuật thẩm mỹ


Trước đó, South China Moring Post đưa tin nạn Bonnie Evita Law quen biết nhân viên tư vấn bán hàng Shim Bok Hwa của thẩm mỹ viện trong lúc lên kế hoạch tổ chức sinh nhật. Shim nói mình có 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực và mời cô Law bay đến Hàn Quốc để phẫu thuật thẩm mỹ.

Law đã tiến hành nâng mặt vào ngày 21/1, nhưng tử vong vào ngày 28/1 sau quá trình hút mỡ ở hai cánh tay và chậu trên, chuyển mỡ đến ngực, và tiêm botox ở hai bắp chân.

Khi Law lên cơn đau dữ dội và liên tục "co giật và cử động trong lúc phẫu thuật", bác sĩ Kim đã yêu cầu y tá tiêm hỗn hợp thuốc giảm đau, ketamine và midazolam 2 lần cho bệnh nhân.

Song khi bác sĩ Kim bắt đầu lấy mỡ từ cánh tay trái của Law, mức độ bão hòa oxy của cô giảm chỉ còn gần 80%, mặt bệnh nhân trắng bệch và môi cô tím tái. Trước khi xe cấp cứu đến, cô đã chảy máu từ miệng và mũi.

Một cuộc điều tra đang được cảnh sát mở rộng đối với các công ty môi giới không đủ tiêu chuẩn đã thu hút du lịch thẩm mỹ bừa bãi khách hàng từ Trung Quốc.

Theo thống kê của Viện Phát triển Công nghiệp Y tế Hàn Quốc, quốc gia này đã tiếp đón 118.310 khách hàng đến từ Trung Quốc vào năm 2018, chiếm 31% trong tổng số bệnh nhân nước ngoài. Trong số những bệnh nhân đó, 21,4% tới Hàn Quốc để phẫu thuật thẩm mỹ, 17,8% đến để điều trị da.

Năm 2018, số bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ từ Trung Quốc tới Hàn Quốc đạt 27.852, tăng 30% so với năm 2017 (21.477 người).

Vụ việc lần này cũng gióng hồi chuông cảnh báo về các tai nạn thẩm mỹ tại Hàn Quốc, đặc biệt là các phòng khám ở quận Gangnam. Ca tử vong khi làm đẹp kể trên không phải là trường hợp đầu tiên được báo cáo tại các phòng khám ở khu vực này.

Năm 2013, vụ nữ sinh trung học tử vong tại Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ Grand từng gây xôn xao dư luận. Năm 2016, một phụ nữ Thái Lan (35 tuổi) tử vong khi đang hút mỡ và sửa mũi. Một nữ sinh viên Hàn Quốc (24 tuổi) khác cũng mất mạng vì cắt xương hàm.

Theo  Zing