Sự bùng nổ của livestream bán hàng đã phần nào giúp Trung Quốc giảm bớt thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra. Thị trường hàng xa xỉ ở quốc gia tỷ dân cũng hưởng lợi từ xu thế này, với mức tăng trưởng 48% vào năm 2020, theo CNA.
Tính đến cuối năm ngoái, khán giả xem phát trực tiếp của Trung Quốc đạt 617 triệu người, tăng 57 triệu người dùng kể từ tháng 3/2020. Trong đó, 388 triệu người đã mua hàng qua hình thức này, so với con số 300 triệu của năm 2019.
Như bao người bán bình thường khác ở Trung Quốc, các thương hiệu cao cấp cũng chuyển trọng tâm sang bán hàng qua livestream.
Kết hợp với những cái tên nổi tiếng trong làng livestream bán hàng ở Trung Quốc, một số thương hiệu cao cấp thu về khoản lợi nhuận lớn. Ảnh: SCMP.
Tháng 3 năm ngoái, Louis Vuitton tổ chức buổi phát trực tiếp trên ứng dụng bán lẻ hàng xa xỉ Little Red Book. Màn kết hợp giữa "ông hoàng son môi" Lý Giai Kỳ và thương hiệu Bottega Veneta chứng kiến 230 mẫu túi Mini Pouch giá 12.300 nhân dân tệ được bán ra trong vòng 10 giây.
Trong khi đó, các buổi phát trực tiếp bán lẻ mặt hàng đắt tiền dù diễn ra nhiều ở Singapore nhưng lại không được mấy người giàu ở quốc đảo sư tử đón nhận.
Khác biệt địa lý
Theo Florence Low, người sáng lập hai công ty bán hàng cao cấp LuxLexicon và LuxCollate, diện tích đất nước nhỏ và sự gần gũi với trải nghiệm bán lẻ thực tế là lý do chính khiến người giàu Singapore chỉ thích thú với mua sắm trực tiếp.
“Sự rộng lớn về mặt địa lý của Trung Quốc khiến việc mua hàng qua livestream trở nên hấp dẫn hơn so với đặt chân đến một cửa hàng thực. Mặt khác, Singapore có quy mô dân số nhỏ và cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, nghĩa là một người có thể dễ dàng tự đi mua hàng mà không tốn nhiều thời gian. Do đó, không có sự thúc đẩy cũng như động lực cho việc theo dõi sóng livestream để mua sắm”.
Trong đợt Singapore phong tỏa vào năm ngoái, thương hiệu của Low bắt đầu bán lẻ các mặt hàng trên mạng khi cửa hàng chính phải đóng cửa.
Bà Florence Low (ảnh dưới) lý giải sự quan tâm dành cho các buổi livestream bán hàng nói chung và đồ hiệu nói riêng ở Sinagpore vẫn còn ít ỏi bởi người dân nước này thích đi đến cửa hàng thực tế. Ảnh: CNA.
“Mục đích chính là giữ tương tác với khách hàng. Lệnh phong tỏa giữ chân mọi người ở nhà và sử dụng mạng nhiều hơn, do đó chúng tôi muốn thu hút thêm khách hàng mới”, Low nói.
Các buổi phát trực tiếp trung bình có 300 người xem, với lượng người xem cao nhất là 651 người.
Florence Low nghĩ rằng các cửa hàng “vẫn tốt hơn trong việc tạo ra không gian cùng sự ấm áp của con người". Hơn thế nữa, nhất là với những món đồ hàng hiệu đắt tiền, nhu cầu mua và cảm nhận trước khi mua càng quan trọng hơn.
Duncan White, giám đốc tiếp thị khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Vestiaire Collective, một nền tảng chuyên về bán lẻ thời trang cao cấp đã qua sử dụng, cũng đưa ra nhận xét tương tự.
“Công ty nhận thấy sự tăng trưởng của dịch vụ livestream để thúc đẩy doanh số trong ngành thời trang và dần áp dụng cho cả hàng hiệu. Tuy nhiên, điều này mới chỉ manh nha”.
Theo ông White, Singapore là nơi không khó để nhìn tận mắt, sờ tận tay những món hàng mình để ý, ngay cả với những mặt hàng đắt tiền. Vậy nên, livestream chủ yếu không phải để bán hàng, mà là một cách để quảng bá, truyền thông.
Trải nghiệm nhìn tận mắt, sờ tận tay khi mua hàng vẫn được coi trọng hơn ở Singapore. Ảnh: Style Theory.
Cho đến nay, Vestiaire mới chỉ thực hiện các buổi phát trực tiếp bán túi xách, giày dép và phụ kiện cho thị trường Hong Kong.
“Có những ưu và khuyết điểm khi phát trực tiếp. Mặc dù đó có thể là một trải nghiệm mua sắm tương tác hấp dẫn, song lượng người xem chưa ổn định, thay đổi liên tục tùy theo mức độ quan tâm của họ và nỗ lực quảng bá trước sự kiện từ nhãn hàng”.
Tiềm năng
Tuy thái độ tiếp nhận những buổi livestream bán hàng xa xỉ vẫn còn hời hợt ở Singapore, nhiều công ty thời trang vẫn coi đây là "mảnh đất màu mỡ" để khai thác thêm.
Style Theory - nền tảng thời trang bền vững lớn nhất Đông Nam Á, chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê, bán lại, ký gửi và phục chế quần áo thiết kế, túi xách - đã tổ chức các buổi phát trực tiếp tại cửa hàng với khách mời là nhóm người có ảnh hưởng trong giới làm đẹp ở Singapore như Drea Chong, Cheryl Wee.
Buổi bán hàng livestream đầu tiên của Louis Vuitton tại Trung Quốc. Ảnh: Sohu.
Giám đốc điều hành Raena Lim cho biết: “Với các buổi phát trực tiếp, có tiềm năng đổi mới hơn nữa về nội dung và định dạng, nhất là bản thân các nền tảng mạng xã hội cũng tự tung thêm tính năng mới".
"Mua hàng hiệu qua livestream, chúng tôi đưa cho khách hàng những lựa chọn hấp dẫn hơn như gói thanh toán không lãi suất, chính sách hoàn trả cạnh tranh. Việc có thêm người nổi tiếng xuất hiện cũng thu về lượng xem lớn. Vì vậy, chúng tôi vẫn triển khai thêm cách thức này".
“Khách hàng được xem cận cảnh chi tiết về sản phẩm, nghe về câu chuyện thương hiệu, đặt câu hỏi trực tiếp và xem cách các biên tập viên thời trang phối đồ cho từng món. Đó là nhân tố thúc đẩy doanh số bán sản phẩm lên cao", Sheena Sauvaire, giám đốc tiếp thị của nền tảng Net-a-Porter, cho biết.
Tuy nhiên, câu chuyện tung các mặt hàng có trị giá cả nghìn USD lên sóng livestream để bán hàng vẫn nhận nhiều nghi ngờ về tính hiệu quả.
Ngay cả ở Trung Quốc, các thương hiệu nổi tiếng cũng nhận thấy rằng vẫn có nhiều sai sót từ nội dung đến chất lượng video.
Lần ra mắt trên Little Red Book của Louis Vuitton bị so sánh với các phòng bán đồ giảm giá kịch sàn trên Taobao, trong khi nội dung các cuộc trò chuyện trên chương trình phát sóng của Dior bị chê là nhàm chán và thiếu sự đa dạng.
Theo Zing