leftcenterrightdel
Nhà tắm công cộng đã trở thành một nét văn hóa với người dân xứ kim chi. Ảnh: The New York Times 

Ngâm mình trong nước nóng, tẩy tế bào chết toàn thân, ăn trứng nướng và cơm nắm… những trải nghiệm của "Jjimjilbang", hay còn gọi là nhà tắm công cộng, từ lâu đã trở thành một phần trong cuộc sống của người dân Hàn Quốc.

Tuy nhiên, theo The Korea Herald, văn hóa lâu đời này có thể sẽ biến mất trong tương lai. Giá năng lượng tăng cao, lạm phát đã giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp vốn đã bị đại dịch tàn phá nặng nề.

Theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ và An toàn, từ tháng 3/2020 đến 12/2020, khi các quy tắc giãn cách xã hội được áp dụng, tổng cộng 960 nhà tắm công cộng trên toàn quốc đã phải đóng cửa.

Chỉ riêng ở Seoul, 243 cơ sở dịch vụ này đã biến mất. Trong đó, khoảng 30% cơ sở đã hoạt động được hơn 20 năm. Đặc biệt, nhà tắm Wonsamtang ở quận Yongsan-gu, thủ đô Seoul, một trong những nhà tắm lâu đời nhất tại Hàn Quốc với hơn 50 năm kinh doanh, cũng đã bị đóng cửa.

"Wonsamtang như một địa danh lịch sử. Đây cũng là một địa điểm thu hút khách du lịch, đặc biệt với những người nước ngoài muốn trải nghiệm văn hóa tắm công cộng tại Hàn Quốc", một người dân 52 tuổi, sống ở Yongsan-gu, nhận xét.

Daekyo Sauna, một nhà tắm hoạt động từ năm 1988, nằm cách Wonsamtang 300 m, cũng chịu chung số phận khi vừa dừng hoạt động vào tháng 1/2023.

Cùng với Wonsamtang, đây từng là nơi dành cho những người hàng xóm, chủ yếu là từ các thế hệ lớn tuổi, đến để tắm, thư giãn, gặp gỡ và trò chuyện.

leftcenterrightdel
Một nhà tắm công cộng im lìm trong ngày cuối tuần, nơi này đối diện với khả năng sẽ sớm bị đóng cửa vì thiếu chi phí vận hành. Ảnh: The Korea Herald 

Việc kinh doanh nhà tắm công cộng đã sa sút kể từ khi bồn tắm riêng và suối nước nóng trở nên phổ biến với các gia đình Hàn Quốc.

Sau đó, Covid-19 đã giáng một đòn mạnh, thay đổi nhận thức của người dân về những nhà tắm cũ, kín trong khu dân cư. Họ đều cho rằng đây là khu vực có nguy cơ lây nhiễm virus cao.

Các cơ sở công cộng khác như rạp phim, công viên giải trí, phòng hát karaoke… cũng phải tuân theo những hạn chế về giãn cách xã hội. Nhưng trong khi họ có thể xoay sở để tìm cách phục hồi sau đại dịch thì các nhà tắm vẫn đối diện với cảnh vắng lặng khách hàng.

Pyo Oh Geum, 74 tuổi, chủ sở hữu của nhà tắm Jangsootang ở quận Eunpyeong-gu, cho biết doanh số bán hàng đã giảm hơn một nửa trong vài năm qua và không thể phục hồi trở lại như trước đây.

Pyo cho biết vào một chiều cuối tuần, cơ sở kinh doanh của ông chỉ đón được 5 khách hàng kể từ buổi sáng.

"Tôi đã chi hơn 5 triệu won mỗi tháng cho các phí tiện ích vào năm ngoái. Nếu hóa đơn tiếp tục tăng, tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa", ông nói thêm.

Các chi phí tiện ích được kể như ga, điện và nước chiếm một phần lớn chi phí vận hành nhà tắm.

Giá khí đốt tự nhiên cho nhà tắm tăng 17,4% vào tháng 10/2022, từ 15,6 won lên 18,32 won/megajoule (đơn vị đo lường năng lượng tại Hàn Quốc).

Trong đó, chi phí điện là một gánh nặng lớn. Sau 3 lần tăng giá điện vào năm ngoái, giới chức Hàn Quốc cũng đang thảo luận cho mức tăng giá lần tiếp theo, lên 9,5% trong nửa năm đầu 2023. Đây là mức tăng giá điện cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào những năm 1980.

Pyo cho biết việc đóng cửa nhà tắm công cộng của ông ấy cũng là một vấn đề lớn.

"Có lẽ tôi sẽ mất thêm hàng chục triệu won để phá dỡ nhà tắm. Tôi cần thuê những kỹ thuật viên để tháo dỡ nồi hơi và bể chứa nước. Đồng thời chi phí cải tạo cũng không hề đơn giản", ông nói.

Sự sụt giảm mạnh của các nhà tắm công cộng hiện nay đang gây ra hậu quả đặc biệt nặng nề đối với các nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội. Họ là những người phải ở nơi tồi tàn, chất lượng kém.

leftcenterrightdel
Nhà tắm công cộng là nơi nhiều người lựa chọn để thư giãn, trò chuyện, thậm chí là một chỗ để tá túc qua đêm. Ảnh: Korea Times 

Nhiều cư dân khu ổ chuột phụ thuộc hoàn toàn vào nhà tắm công cộng để tắm, vì hầu hết căn nhà tạm không được trang bị các thiết bị cấp nước.

Đây là lý do chính phủ đã không buộc các nhà tắm phải tạm thời đóng cửa trong thời gian đại dịch lây lan mạnh mẽ.

Một số chuyên gia cho rằng đã đến lúc chính phủ Hàn Quốc nên cân nhắc phương án hỗ trợ đối với các nhà tắm nhỏ ở những khu vực lân cận thủ đô.

Huh Joon Soo, giáo sư xã hội học tại Đại học Soongsil, cho biết trong khi các cơ sở spa cao cấp và nhà tắm lớn do các thương hiệu nghỉ dưỡng điều hành ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch, thì những cơ sở cũ đang phải vật lộn để kiếm sống.

"Đã đến lúc chính phủ phải can thiệp. Họ nên ưu đãi thuế cho các chủ điều hành nhà tắm ở khu vực dân cư nhỏ, chủ yếu là các hộ gia đình có thu nhập thấp. Tôi nghĩ đây là một phương án tốt", ông nói thêm.

Theo Zingnews