Nguyễn Diệu Linh (25 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội), du học sinh tại Hàn Quốc, là một trong 150 hành khách trên chuyến bay Incheon - Hà Nội sáng 8/1.

Sau gần 2 năm xa nhà, Linh háo hức được về đón Tết Nguyên đán bên gia đình. Trước khi ra sân bay check-in, cô cần chuẩn bị giấy xác nhận tiêm 2 mũi vaccine, xét nghiệm RT-PCR âm tính có hiệu lực trong 72 giờ, tải ứng dụng PC-Covid.

Khi nhận được vé, Linh tải ứng dụng Vietnam Health Declaration để khai báo y tế nhập cảnh, điền thông tin cá nhân, nơi liên lạc tại Việt Nam, phiếu kết quả xét nghiệm.

Trải qua chuyến bay kéo dài 4 tiếng và 2,5 tiếng nhập cảnh, Linh thở phào nhẹ nhõm khi có thể về nhà.

 
Ve que an Tet anh 1

Theo quy định hiện hành, người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine phải cách ly tại nơi lưu trú 3 ngày, test Covid-19 và theo dõi sức khỏe đến hết ngày thứ 14. Ảnh minh họa:Khánh Huyền.

Sau khi khai báo y tế với phường, Linh được dặn cách ly tại nhà 3 ngày rồi có người tới test Covid-19. Nếu kết quả âm tính, cô cần theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày kể từ khi nhập cảnh.

“Về quy định nhập cảnh, tôi không thể yêu cầu giảm bớt các bước vì hiểu rằng phía sân bay và chính phủ đã có phương án thuận tiện nhất. Còn về việc cách ly, tôi thấy hơi bất tiện. Tôi mong người đi xa và ở trong nước được đối xử bình đẳng. Tôi nghĩ rút ngắn thời gian cách ly là điều cần thiết để ai cũng có Tết”, Linh nói với Zing.

Không hợp lý

Hơn 3 năm xa nhà và nhiều lần phải hoãn kế hoạch hồi hương vì dịch bệnh, Nguyễn Thị Thu Hoài (29 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM), học thạc sĩ ngành Tài chính ở Đức, quyết tâm đặt vé về Việt Nam ăn Tết Âm lịch.

“Tôi định về trước Tết khoảng 4-5 hôm để kịp cách ly 3 ngày theo quy định. Mẹ đã lớn tuổi nên tôi chọn cách ly tại khách sạn để đảm bảo an toàn cho cả nhà”, cô nói.

Bên cạnh chuẩn bị thủ tục cần thiết gồm kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính có hiệu lực trong 72 giờ, hộ chiếu vaccine, bảo hiểm du lịch, passport còn hạn trên 6 tháng, Hoài dành nhiều thời gian để tìm hiểu về việc nên bay chuyến nào.

Trước đó, do Việt Nam chưa mở cửa đường bay thương mại, mọi người thường về qua Campuchia rồi tới cửa khẩu Mộc Bài đi xe về. Hành trình như vậy khá vất vả nhưng họ chấp nhận vì giá vé bay charter (bay thuê nguyên chuyến) quá đắt đỏ.

 
Ve que an Tet anh 2

Thu Hoài cho rằng quy định cách ly mỗi nơi một kiểu đang làm khó người dân muốn về quê ăn Tết.

“May mắn là vừa rồi, Việt Nam đã khôi phục đường bay thương mại với một số quốc gia nên có nhiều lựa chọn hơn. Nếu về qua Campuchia, mọi người có thể mua tiếp vé bay thẳng về TP.HCM mà không cần qua cửa khẩu nữa. Ngoài ra cũng có thể chọn hành trình bay transit (quá cảnh) tại một số nước khác như Singapore, Nhật Bản để về thẳng Việt Nam”, cô gái 29 tuổi cho biết.

Về quy định cách ly tại nơi lưu trú 3 ngày và theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine, Hoài không thấy có khó khăn gì.

Để chắc chắn, cô nhờ chị gái ra phường hỏi rồi mới quyết định đặt vé về.

Tuy nhiên, một số bạn bè của Hoài ở tỉnh, thành phố khác được yêu cầu cách ly 7 ngày sau khi nhập cảnh.

“Do không kiểm tra trước với địa phương, nhiều bạn của tôi về sớm không biết phải cách ly 7 ngày thay vì 3 ngày. Tôi tin rằng mọi người từ nước ngoài về đều sẵn sàng cách ly để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình. Bởi vậy, tôi hy vọng các tỉnh, thành phố nếu quy định khác so với thời gian cách ly 3 ngày thì nên có văn bản thông báo chính thức. Vì mọi người phải trải qua hành trình rất dài mới về tới quê nhà”.

Bên cạnh đó, Hoài cho rằng một số địa phương yêu cầu người dân từ xa về quê ăn Tết phải cách ly tại nhà 7-14 ngày là chưa hợp lý.

“Do số ngày nghỉ của nhiều người không được dài, nếu phải cách ly vậy thì thời gian ở bên gia đình không còn lại bao nhiêu. Tôi nghĩ nên giảm bớt để nhiều người có cơ hội về thăm nhà hơn”, cô nói.

Khó khăn

Đồng quan điểm với Thu Hoài, Hà Ngọc (29 tuổi, Thái Bình), nghiên cứu sinh tại Nga, cho rằng cùng xét điều kiện tiêm vaccine, người nhập cảnh được yêu cầu cách ly 3-7 ngày, còn người trong nước về quê ăn Tết phải cách ly 7-14 ngày là không hợp lý.

Về nước cuối tháng 11/2021 trên chuyến bay cứu trợ của đại sứ quán, Ngọc phải cách ly tập trung 14 ngày ở Hưng Yên, theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày và test RT-PCR 3 lần.

Khi đó, cô đã tiêm vaccine Sputnik Light (loại chỉ cần tiêm một mũi) nhưng không làm giấy hợp pháp hóa sổ tiêm vaccine tại đại sứ quán nên thời gian cách ly kéo dài thêm 7 ngày.

 
Ve que an Tet anh 3

Hà Ngọc cho rằng nhiều người không về quê ăn Tết do ngại quy định cách ly ở địa phương.

“Nhiều người Việt từ nước ngoài về chủ yếu mong muốn được giải quyết công việc hoặc có chuyện cần kíp, nhất là khi họ đã tiêm đủ liều vaccine. Tôi nghĩ chỉ nên quy định cách ly và theo dõi sức khỏe 3 ngày thôi. Theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày không khác gì hạn chế tiếp xúc, rất bất tiện. Như tôi về, dù đã tiêm vaccine, vẫn mất 21 ngày. Thực sự rất tốn kém và mệt mỏi”, nữ nghiên cứu sinh nói.

Ngọc có bạn cũng là du học sinh ở Nga, đang tính về Việt Nam ăn Tết Nguyên đán. Do chưa tiêm vaccine, người này sẽ phải cách ly ở nơi lưu trú 7 ngày.

“Bạn tôi đang cân nhắc về hay không vì giá vé máy bay đắt đỏ, lại tốn kém tiền cách ly ở khách sạn. Hơn nữa, khi về địa phương, bạn ấy có thể phải cách ly thêm tại nhà vì quy định của các huyện trong tỉnh cũng không thống nhất”, cô nói.

Theo Ngọc, nhiều người cả ở nước ngoài và trong nước chọn không về quê ăn Tết vì quy định cách ly không hợp lý.

“Nghỉ được một tuần Tết mà cách ly 7-14 ngày thì thôi ai ở đâu ở yên đó vậy. Tôi nghĩ chỉ cần xét nghiệm Covid-19 và cách ly tại nhà 3 ngày là đủ đối với những người tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh”, Ngọc bày tỏ.

Sau khi TP Hải Phòng trở thành vùng đỏ và cam, Nguyễn Hoàng (27 tuổi, quê Nghệ An), hiện làm việc trong ngành truyền thông, lo ảnh hưởng đến việc về quê ăn Tết.

“Năm ngoái, tôi đã ở lại làm xuyên Tết nên năm nay có khó khăn thế nào cũng cố gắng về với gia đình”, anh nói.

Theo Hoàng tìm hiểu, người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, đi từ vùng đỏ và cam về địa phương phải cách ly tại nhà 7 ngày. Có nhà người thân đang để trống, anh dự định về cách ly tại đó để đảm bảo an toàn.

“Điều tôi băn khoăn là dù có quy định chung, một số địa phương vẫn máy móc, cứ người ở xa về là yêu cầu cách ly tại nhà 14 ngày. Tôi chưa ấn định thời gian về nhưng cố gắng xin cơ quan về sớm, cách ly xong còn kịp đón Tết”.

 
Ve que an Tet anh 4

Trước thềm năm mới, các địa phương ban hành quy định khác nhau về việc cách ly, khiến người dân lo lắng, bối rối. Ảnh minh họa:Thạch Thảo.

Hoàng cho hay một số địa phương như Thanh Hóa, Thái Bình có văn bản cấm chiều đi, chiều về xe khách tới Hải Phòng.

“Nghệ An quê tôi chưa cấm, nhưng thời gian tới thì không biết thế nào. Tôi hỏi thì nhà xe vẫn bán vé xe Tết bình thường, nhưng tôi chưa dám đặt vì quy định thay đổi liên tục. Chạy xe máy 500 km về quê thì vất vả và nguy hiểm nên tôi tính đi nhờ xe người quen. Cách này cũng an toàn hơn và tránh tiếp xúc nhiều người”, anh nói.

Hoàng cho rằng quy định cách ly hiện nay là bất hợp lý trong bối cảnh đất nước đã mở cửa đón khách để phát triển du lịch, chấp nhận thẻ xanh vaccine.

“Ở nước ngoài cũng tiêm vaccine như tôi, lại có biến chủng mới, vì sao mọi người về cách ly 3 ngày mà trong nước có nơi lại yêu cầu 7-14 ngày? Tâm lý người xa quê như tôi cảm thấy bị phân biệt đối xử. Thứ nhất là phải sắp xếp công việc về từ sớm, thứ hai là cách ly lâu vậy còn gì là Tết. Các hoạt động lễ hội cũng dừng rồi, tôi từ xa về cũng ý thức đi xét nghiệm trước và cố gắng tránh tụ tập đông người”.

Chỉ còn nửa tháng nữa là tới Tết Âm lịch nhưng nhiều bạn bè của Hoàng cũng chưa quyết định về quê ăn Tết hay không. Từ tháng 11 năm ngoái, họ đã hỏi thăm nhau về vấn đề cách ly, xét nghiệm. Do quy định thay đổi liên tục, một số nâng lên đặt xuống, không dám đặt vé máy bay vì sợ về không đủ thời gian cách ly.

“Tôi đọc tin tức thấy chính phủ giao Bộ Y tế sắp tới đánh giá cấp độ dịch. Nếu việc này được hoàn thành trước Tết mà giảm thời gian cách ly cho người từ xa về thì mừng quá”, Hoàng nói.

 Từ 1/1, người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi Covid-19 được yêu cầu tự theo dõi sức khỏe ở nơi lưu trú 3 ngày, không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú. Thực hiện xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ khi nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày.

Một số địa phương như Phú Thọ, Hải Phòng, Vĩnh Phúc... yêu cầu cách ly 7 ngày với người về từ vùng đỏ và cam.

Tỉnh Hưng Yên yêu cầu người dân từ xa về phải thực hiện khai báo y tế, tự cách ly tại nhà 14 ngày nếu chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc 7 ngày nếu đã tiêm đủ 2 mũi. Người trở về Hải Dương từ các tỉnh, thành phố có dịch lây lan rộng trong cộng đồng phải khai báo y tế và tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày.

Ở miền Trung, Thanh Hóa, Quảng Nam khuyến cáo, vận động người dân làm ăn xa không về quê dịp Tết nếu không thật sự cần thiết. Với trường hợp trở về từ vùng đỏ và cam nhưng đã tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc khỏi Covid-19, Hà Tĩnh vận động người dân cam kết cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ nhất.

Trong khi đó, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên không yêu cầu cách ly và giám sát y tế đối với người dân về quê ăn Tết mà chỉ khuyến cáo người dân thực hiện 5K. Riêng Thừa Thiên - Huế chỉ cách ly tại nhà với người dân trở về từ vùng có mức độ dịch ở cấp 4 (vùng đỏ).

Nhiều địa phương khác ở Nam Bộ như Cà Mau, Sóc Trăng, TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang… cũng áp dụng quy định thông thoáng, thích ứng an toàn, không quy định cách ly người về từ các tỉnh, thành phố khác.

Theo Zing