Theo Nikkei Asia Review, năm 2017, một kỹ sư 28 tuổi tại công ty Toyota Motor đã phải tự tử sau thời gian dài bị sếp bắt nạt và lạm dụng. Anh liên tục bị nguyền rủa "đáng chết" và bị chê bai về nền tảng giáo dục.

Trước đó, anh còn phải làm việc không ngừng, hiếm có thời gian nghỉ ngơi.

Ngay sau khi các đài đưa tin về sự cố, tháng 11/2019, chủ tịch Akio Toyoda đã đến thăm gia đình của cố kỹ sư và cam kết không để vấn nạn tái diễn.

Gần đây, hãng sản xuất ôtô cũng công bố một loạt biện pháp nhằm giải quyết vấn nạn bắt nạt người lao động dựa vào quyền lực tại Nhật Bản.


Từ tháng 7 năm ngoái, công ty triển khai chương trình "phản hồi toàn diện" cho khoảng 10.000 quản lý và giám đốc điều hành. Chương trình này cho phép cấp dưới và đồng nghiệp đánh giá nhau ẩn danh để nỗ lực thay đổi những văn hóa công sở xấu.

Các biện pháp sẽ giúp nhân viên thuận tiện báo cáo hành vi quấy rối hơn, giúp đỡ quá trình trở lại làm việc sau khi nghỉ phép và ghi rõ lệnh cấm bắt nạt vào sổ nội quy của công ty.

Động thái này cho thấy làn sóng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội của nhà đầu tư. Điều này đòi hỏi các công ty cần hành động kịp thời để tránh những vụ bạo lực tinh thần tiếp diễn, nếu không công ty có thể đánh mất danh tiếng và cả định giá trên thị trường.

Áp lực phải bài trừ bạo lực công sở


Toyota ban đầu phủ nhận vụ tự sát của cố kỹ sư có liên quan đến việc bắt nạt, tuy nhiên, các phán quyết sau đó lại quy trách nhiệm cho công việc, buộc Toyota phải vào cuộc và đi đến thỏa thuận với gia đình nạn nhân vào ngày 7/4.

Một giám đốc điều hành cho biết, ban đầu, vụ việc không được báo cáo cho ông Toyota vì ”không cấp thiết". Người này cũng cho biết thêm, từ khi chủ tịch nhúng tay vào thì mọi chuyện được xử lý rất nhanh chóng.

                                                                                Nhật Bản là nơi có áp lực nhân viên văn phòng cao. Ảnh: Nikkei.


Khi các nhà đầu tư quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội và quản trị, các hành vi sai trái xâm phạm nhân quyền của nhân viên sẽ càng ít được dung thứ hơn.

Các giám đốc điều hành tại các tập đoàn khổng lồ như Google và McDonald's đã bị buộc phải hầu tòa vì các cáo buộc về hành vi xâm hại tình dục, có thái độ không đứng đắn ở nơi làm việc đối với nhân viên.

Điều này có thể phần nào xuất phát từ lo ngại về hậu quả nếu các công ty không hành động kịp thời - nếu bị phát hiện che đậy cho những hành vi như vậy, họ sẽ phải đối mặt với việc các nhà đầu tư rút vốn hàng loạt, kéo giá trị công ty đi xuống.

Sự kiện này diễn ra khi môi trường pháp lý Nhật Bản đang dần thay đổi. Luật sửa đổi có hiệu lực vào tháng 6/2020 yêu cầu các công ty hành động để ngăn chặn hành vi quấy rối quyền lực - được định nghĩa là những hành động lạm dụng vị trí cấp trên, vượt quá những tiêu chuẩn của công việc và gây tổn hại đến môi trường làm việc của nhân viên.

Ngoài ra nếu không chịu có động thái, những công ty có thể bị cộng đồng chỉ trích, gây thiệt hại to lớn cho hình ảnh và giá cổ phiếu trên thị trường.

Vấn đề bắt nạt tại nơi làm việc không phải mới diễn ra gần đây. Năm 2015, một nhân viên 24 tuổi của Dentsu đã tự sát. Người này tự vẫn vì phải làm việc quá giờ do chỉ thị của cấp trên - đây có thể được coi là quấy rối quyền lực.

Công ty quảng cáo sau đó phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích và chủ tịch vào thời điểm đó đã phải từ chức. Dentsu đã cố gắng để cải cách văn hóa của mình, sử dụng các biện pháp như hạn chế làm thêm giờ để tạo nền tảng cho việc giải quyết vấn đề làm việc quá sức.

Đẩy mạnh khai trừ bạo lực công sở


Không dừng lại ở đó, các báo cáo về bắt nạt nơi công sở vẫn tiếp tục gia tăng. Bộ Lao động cho biết, hệ thống giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Nhật Bản đã tham vấn cho khoảng 88.000 trường hợp liên quan đến bắt nạt hoặc quấy rối trong năm 2019, gấp đôi tổng số của một thập kỷ trước đó.

Sau vụ việc tại Dentsu, các vụ tự tử liên quan đến bắt nạt nơi công sở đã được đưa ra ánh sáng tại các công ty tên tuổi khác, bao gồm Mitsubishi Electric và Yamaha.

“Với mô hình cống hiến trọn đời của Nhật Bản, các ông chủ ở đây có nhiều quyền lực hơn là ở nước ngoài - những nơi mà thay đổi công việc là chuyện thường. Nạn nhân vì thế cũng thường ngại trình báo hơn", Nikkei trích lời bà Akiko Yamakawa, luật sư và chuyên gia về các vấn đề lao động, cho biết.

                             Áp lực từ cộng đồng khiến các công ty đẩy mạnh thanh trừ hành vi bắt nạt, lạm dụng chức quyền trong môi trường làm việc. Ảnh: Kyodo.


Luật chống bắt nạt không bao gồm các hình phạt cụ thể đối với người vi phạm, hướng dẫn thực hiện của Bộ Lao động lại cung cấp một loạt các ví dụ về những hành vi nào thì không bị xem là quấy rối. Nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn thậm chí không biết luật.

“Luật pháp sẽ không thực sự có hiệu lực trừ khi thủ phạm và công ty chịu hình phạt về tài chính hoặc các hình phạt khác", trích lời luật sư Shoichi Ibusuki.

Một công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế về các hành vi bạo lực và quấy rối trong công việc - bao gồm cả trong quá trình tìm kiếm việc làm và đi công tác - sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 6. Mặc dù hầu hết quốc gia, bao gồm cả Nhật Bản, vẫn chưa phê chuẩn, nhưng biện pháp này phản ánh nỗ lực toàn cầu, và công ty nào lạc hậu sẽ bị tụt lại phía sau.

Theo Zing