Từ đầu tháng 12/2021, khi biến chủng Omicron bắt đầu lây lan trên thế giới, Nhật Bản áp dụng chính sách kiểm soát biên giới khá cứng rắn so với các làn sóng Covid-19 trước đây, khiến người nước ngoài về cơ bản không thể nhập cảnh nước này. Thủ tướng Nhật Fumio Kishida hôm 11/1 tuyên bố gia hạn chính sách đóng biên đến cuối tháng 2.
Chính sách chống dịch cứng rắn này đã ảnh hưởng lớn đến khoảng 150.000 sinh viên quốc tế được nhận vào các trường đại học Nhật. Nhiều người trong số họ đang cân nhắc chuyển sang du học tại Hàn Quốc.
Các chuyên gia đầu ngành và giám đốc trung tâm du học Nhật khắp thế giới đã đệ trình bản kiến nghị lên Thủ tướng Kishida đề nghị mở cửa biên giới, do những sinh viên bị ảnh hưởng đang đối mặt tình huống vô cùng bất định, đồng thời hình ảnh toàn cầu của Nhật cũng chịu tổn hại nghiêm trọng.
Mặc dù Kishida cho biết sẽ "xem xét những hành động thích hợp" với chính sách kiểm soát biên giới mà ông cho là chặt chẽ nhất trong nhóm G7, không có dấu hiệu cho thấy Nhật sẽ nới lỏng quy định trong tương lai gần.
Hôm 9/2, Thủ tướng Nhật thông báo các biện pháp phòng chống dịch tại thủ đô Tokyo và 12 tỉnh khác sẽ kéo dài thêm ba tuần, do biến chủng Omicron tiếp tục lan rộng. Tới nay, 34/47 tỉnh cũng quay lại với trạng thái gần như khẩn cấp.
Điểm đáng chú ý là Nhật vẫn chống Covid-19 một cách nghiêm ngặt dù nước này ghi nhận số ca nhiễm thấp hơn nhiều so với các nước phát triển khác. Số ca nCoV mới trên đầu người tại Nhật thấp hơn khoảng 5 lần so với nhiều quốc gia châu Âu hoặc Mỹ, và ít nhất ba lần so với Australia.
Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cũng được kiềm chế ở mức 146 ca trên một triệu dân từ ngày 15/11/2021 đến 20/1, chỉ tăng nhẹ lên 148 vào ngày 29/1. Tình hình này đối lập rõ rệt với con số 2.655 và 2.283 ca lần lượt ở Mỹ và Anh. Hàn Quốc và Australia cũng đã chuyển sang chiến lược sống chung với Covid-19 dù chỉ số này tại nước họ đã tăng hơn gấp đôi kể từ ngày 1/11/2021, lên lần lượt 131 và 144.
Nhật Bản phản ứng vô cùng quyết liệt với Omicron, biến chủng được cho là lây lan dễ hơn, nhưng ít nghiêm trọng hơn. Nội dung về Omicron tràn ngập các kênh tin tức và chương trình chính trị hàng ngày, mặc dù Nhật có tỷ lệ tiêm hai mũi vaccine Covid-19 cao hàng đầu thế giới, ở mức 79%.
Nỗi lo lắng của người dân dựa trên thực tế là số ca nhiễm Omicron đang tăng mạnh tại Nhật Bản. Số ca nhiễm nCoV mới trên một triệu dân từng đạt mức đỉnh là 203 vào ngày 20/8/2021, ngay sau khi Olympic Mùa hè ở Tokyo kết thúc, rồi dần giảm xuống dưới 10 ca hồi tháng 10/2021. Con số này một lần nữa tăng lên 203 vào ngày 15/1 và tăng vọt lên 624 vào ngày 27/1.
Công chúng Nhật tỏ ra vô cùng nhạy cảm với số ca nhiễm gia tăng. Trong cuộc thăm dò hồi tháng 12/2021 của Nikkei, những người tham gia được yêu cầu xếp thứ tự các vấn đề ưu tiên đối với Thủ tướng Kishida. Kết quả thăm dò cho thấy ứng phó Covid-19 là ưu tiên đứng thứ hai với 38%, sau vấn đề lương hưu, y tế và chăm sóc người cao tuổi với 41%.
Trong bài phát biểu trước quốc hội hôm 18/1, Kishida cũng cho biết xử lý Covid-19 là ưu tiên hàng đầu của ông, một cam kết nhất quán kể từ khi ông lên nắm quyền hồi tháng 10/2021. Phản ứng cứng rắn của chính quyền Kishida, dù đi ngược xu hướng nới lỏng hạn chế trên thế giới, đang giúp Thủ tướng Nhật đạt tỷ lệ tín nhiệm tăng mạnh từ 56% hồi tháng 11/2021 lên 66% vào tháng trước, theo khảo sát của Nippon TV.
Theo phân tích của giáo sư khoa học chính trị Yves Tiberghien, đồng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản tại Đại học British Columbia, và Saya Soma, nghiên cứu sinh thạc sĩ tại Trường Quan hệ Quốc tế Balsillie ở Canada, chính quyền Kishida biết mức tín nhiệm của họ liên quan chặt chẽ với các chỉ số Covid-19, xuất phát từ nỗi thất vọng của người dân về chính sách chống dịch trước đây.
Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và quốc hội Nhật Bản bị đánh giá thiếu ý chí chính trị để mạnh tay sửa đổi Đạo luật Các biện pháp Đặc biệt trong Đại dịch cúm và Luật Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm, trao quyền cho chính phủ quyền áp lệnh phong tỏa và những biện pháp khẩn cấp khác như hầu hết các nước Đông Á.
Kể từ khi Covid-19 bùng phát, phản ứng của Nhật Bản phụ thuộc chặt chẽ vào ý thức của người dân và những nỗ lực cấp cơ sở, thay vì các hành động quyết liệt và hiệu quả của chính phủ như Hàn Quốc hay Singapore. Người dân ban đầu tuân thủ ba hướng dẫn y tế chủ đạo là tránh không gian kín, nơi đông người và tiếp xúc gần, nhưng hiệu quả của biện pháp này giảm dần theo thời gian.
Trong khi đó, chính quyền tiền nhiệm của Thủ tướng Kishida bị đánh giá hành động thiếu nhất quán, cung cấp khẩu trang kém chất lượng, phản ứng chậm chạp vào giai đoạn đầu chiến dịch tiêm chủng. Người dân còn khó tiếp cận dịch vụ xét nghiệm nCoV và đối mặt cách điều hành cứng nhắc của các bệnh viện. Đông đảo công chúng đặc biệt phẫn nộ khi Nhật Bản quyết tâm đăng cai Olympic Mùa hè dù tình hình dịch diễn biến phức tạp.
Kết quả khảo sát hồi tháng 6/2021 của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy Nhật là nơi người dân bất bình với cách phòng chống Covid-19 gay gắt nhất thế giới, với 62% số người được hỏi tin rằng đáng lẽ chính quyền phải hạn chế hoạt động công cộng nhiều hơn. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Singapore và Mỹ lần lượt là 21% và 56%.
Tâm lý nhạy cảm của công chúng Nhật với Covid-19, đặc biệt là phản ứng của chính phủ, có thể liên quan đến những biến chuyển xã hội sâu xa hơn. Các giá trị xã hội thay đổi khiến nhiều người Nhật hoài nghi về truyền thống tuân thủ yêu cầu từ chính quyền, đồng thời muốn tự do hơn trong các hội nhóm truyền thống, gia đình hay nơi làm việc.
Cựu phó thủ tướng Nhật Taro Aso ca ngợi ý thức của người dân Nhật Bản là gốc rễ của phản ứng hiệu quả trước Covid-19. Tuy nhiên, nhiều công dân, đặc biệt là giới trẻ Nhật, kỳ vọng chính phủ hành động quyết liệt hơn, thay vì trông đợi vào ý thức tự giác của người dân.
Trước áp lực phải giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7, Thủ tướng Kishida được cho là đang cố gắng đáp ứng kỳ vọng đó của người dân. Tuy nhiên, phản ứng chống dịch quyết liệt, ngược dòng thế giới của Thủ tướng Kishida có nguy cơ ảnh hưởng đến quan hệ của Nhật Bản với cộng đồng quốc tế, Tiberghien và Soma đánh giá.
"Hãy hy vọng biện pháp kiểm soát dịch hiện nay sẽ được dỡ bỏ vào ngày 1/3", Taro Kono, quan chức chủ chốt trong LDP, phát biểu hôm 3/2. "Tôi nghĩ Omicron sẽ suy yếu vào cuối tháng 3. Hy vọng chúng ta có thể khởi động nền kinh tế".
Theo vnexpress