Đơn điệu, nhạt nhoà

Ẩm thực Việt rất phong phú, đa dạng. Việc đưa ẩm thực vào phim một cách đặc sắc vừa giúp quảng bá ẩm thực Việt vừa rất thu hút khán giả. Tiếc là trên thực tế, yếu tố này đang bị bỏ quên.

Bộ phim Hoa vương (phát trên HTV2) đang tiến triển với nhiều tình tiết gay cấn xung quanh câu chuyện hành nghề nhiều sóng gió của nữ đầu bếp Anh Thư. Trong phim, nơi Anh Thư làm việc là một nhà hàng thuộc tập đoàn ẩm thực Tinh Hoa Deli. Phim có nhiều cảnh quay liên quan đến chuyện ăn uống, ẩm thực. Chẳng hạn cuộc thi tìm đầu bếp giỏi King of Chef và chương trình truyền hình Vào bếp cùng Kiều My mà nữ chính Anh Thư tham gia.

Trong hầu hết bộ phim Việt hiện nay nếu có cảnh ăn uống thì diễn viên cũng chỉ gắp thức ăn chiếu lệ (trong ảnh: Một cảnh trong phim Hoa vương)
Trong hầu hết bộ phim Việt hiện nay nếu có cảnh ăn uống thì diễn viên cũng chỉ gắp thức ăn chiếu lệ (trong ảnh: Một cảnh trong phim Hoa vương)
 

Cảnh nhân vật Anh Thư, Trúc Mai trổ tài chinh phục anh em Hải Đăng, Đăng Khoa hay cảnh những bữa ăn của gia đình chủ tịch Thanh Hải… Tiếc là, thay vì giới thiệu nhiều món ăn đậm chất Việt thì nhân vật lại trổ tài làm món bánh mì ớt sừng Nam Mỹ, pizza hoặc chế biến món ăn từ cá tuyết, cá hồi. Thực đơn mới mà Anh Thư hay Trúc Mai dày công nghiên cứu cho nhà hàng bán online là bánh pizza gà cay, pizza may mắn. Cảnh quay những bữa ăn gia đình của chủ tịch Thanh Hải cũng không quay rõ hình ảnh thức ăn trên bàn mà chỉ biết được nhân vật đang ăn xúp, phở, bún mắm nêm thông qua lời thoại của họ.

Với một bộ phim dài tập lấy bối cảnh làm việc ở nhà hàng, nghề nghiệp nữ chính là đầu bếp như Hoa vương, người xem mong đợi được miêu tả tường tận quá trình chế biến một món ăn hay giới thiệu nhiều món ăn đặc sắc, quen thuộc với người Việt. Tiếc là phim chưa đáp ứng được mong muốn này.

Trước Hoa vương không lâu, phim Bếp trưởng tới có bối cảnh chính và nhân vật nam nữ chính làm công việc liên quan nghề bếp cũng chưa làm người xem thỏa mãn ở việc khắc họa về các món ăn, ẩm thực Việt. Ngay những phim mà việc chế biến món ăn là nghề chính của nhân vật như Hoa vương, Bếp trưởng tới mà hình ảnh đồ ăn, thức uống trên phim còn chưa khiến khán giả trầm trồ, thích thú thì khó đòi hỏi các phim Việt khác dành sự chăm chút cho món Việt trên màn ảnh.

Hoa vương và Bếp trưởng tới đều là những phim được các đơn vị truyền hình OTT (phát trên internet) sản xuất, có kinh phí làm phim “rộng rãi” hơn dòng phim chiếu trên các kênh truyền hình truyền thống, nhưng phần thể hiện hình ảnh các món ăn vẫn không được đầu tư đúng mức, hấp dẫn được người xem. 

Bỏ lỡ cơ hội ghi bàn 

Ẩm thực Việt thời gian gần đây thu hút sự quan tâm của công chúng thông qua sự kiện các nhà hàng, quán ăn Việt được gắn sao Michelin được công bố. Những phim do Netflix sản xuất như Beef, A Tourist’s guide to love giới thiệu nhiều món ăn Việt Nam dân dã quen thuộc như canh chua, cơm tấm, bánh bột lọc khiến khán giả thích thú. Nhiều chương trình truyền hình thực tế, game show ăn khách giới thiệu món ngon các vùng miền như Thiên đường ẩm thực, Thực khách vui vẻ, Cuộc chiến ẩm thực, Đi Việt Nam đi, 2 ngày 1 đêm… Sắp tới đây game show mới kết hợp quảng bá văn hóa, du lịch và ẩm thực Việt Nam Hành trình kỳ thú (Let’s feast Vietnam) do BHD và Meta đồng sản xuất với sự đồng hành và hỗ trợ từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hứa hẹn sẽ dậy sóng trên các nền tảng nghe nhìn. 

Gạo nếp gạo tẻ - phim truyền hình hiếm hoi dành nhiều thời lượng miêu tả quá trình chế biến một món ăn
Gạo nếp gạo tẻ - phim truyền hình hiếm hoi dành nhiều thời lượng miêu tả quá trình chế biến một món ăn

 

Với lợi thế về sự đa dạng, tốt cho sức khỏe của các món ăn, thức uống, ẩm thực Việt Nam lâu nay luôn được quốc tế đánh giá cao. Ẩm thực cùng với phim ảnh là những yếu tố giúp quảng bá hình ảnh, ngành du lịch của một nước, trong đó phim ảnh là phương tiện truyền tải. Tuy vậy, ở phim Việt hiện nay, khía cạnh ẩm thực thường bị bỏ qua hoặc nếu có thì mô tả qua loa với những góc máy từ xa, cắt dựng theo kiểu lược bớt hoặc đốt cháy giai đoạn - vừa thấy nhân vật chuẩn bị nguyên vật liệu xong chuyển cảnh đã có thành phẩm. Nhân vật trong những cảnh ăn uống thường chỉ gắp thức ăn đưa vào chén lấy lệ, chưa ăn hoặc thậm chí không đụng đũa rất thường thấy.

Phim cũng rất ít khi có những cảnh quay miêu tả quá trình chế biến, cận cảnh các thao tác của người làm hay hình ảnh chi tiết về món ăn khi hoàn thành. Hiếm hoi mới có phim truyền hình như Gạo nếp gạo tẻ dành thời lượng để miêu tả các công đoạn chế biến hoàn chỉnh món bún đậu mắm tôm. Nào là cảnh giã tép để làm mắm tôm, pha mắm tôm, muối dưa, luộc thịt… nào là cảnh lựa đậu nành bỏ vào cối xay rồi lọc ra lấy phần bã đậu trắng mịn đem nén vào khuôn sau đó chiên vàng ruộm. Đến khi nhân vật bày biện mâm bún đậu mắm tôm đẹp mắt, khán giả chỉ biết xuýt xoa thèm thuồng, muốn chạy ra quán ăn ngay món này. 

Trailer phim Bếp trưởng tới

 

 

Lý do ít phim đầu tư cho khâu ẩm thực cũng đã được người trong cuộc lý giải: do kinh phí và kịch bản. Tuy nhiên có thể thấy hiện nay, hạn chế kinh phí không còn là rào cản quá lớn. Nhiều phim bộ do các đơn vị OTT sản xuất được đầu tư rất tốn kém. Như phim Bếp trưởng tới có món ăn ngũ phúc thủy tinh mà giá thành nguyên liệu lên đến 50 triệu đồng, nhà sản xuất vẫn chấp nhận chi. Do đó, vấn đề còn lại thiếu kịch bản, có thể kết nối, lồng ghép yếu tố ẩm thực vào câu chuyện phim mượt mà, duyên dáng. “Mỏ vàng” ẩm thực Việt vì thế mà đang bị bỏ lỡ trên phim ảnh một cách đáng tiếc. 

Theo phụ nữ TPHCM