Những cái chết không ai biết như vậy đang ngày càng xảy ra nhiều hơn. Theo báo cáo từ Cơ quan Khoa học y tế Singapore (HSA), mỗi năm họ xử lý hơn 100 thi thể vô thừa nhận. Tại Hàn Quốc hôm 18/5, Bộ Y tế và Phúc lợi cho biết, trong 5 năm qua, số người Hàn Quốc chết một mình đã tăng 8,8%. Riêng trong năm 2022 có tới 3.378 người chết trong cô độc. Không những thế, số người có nguy cơ chết trong cô độc ở nước này ước tính lên đến khoảng 1,5 triệu người. Chính vì thế, chính phủ nước này đang hỗ trợ cho nhóm dễ bị tổn thương, tìm cách ngăn chặn sự gia tăng “những cái chết cô độc” đáng buồn.

leftcenterrightdel
 Kinh tế khó khăn, mất kết nối xã hội… khiến ngày càng nhiều người già ở các nước châu Á qua đời trong cô độc (Ảnh minh họa: AFP)

“Tỉ lệ hộ gia đình độc thân (hộ gia đình chỉ có 1 người) đã tăng từ 28,6% năm 2017 lên 33,4% năm 2021. Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng mất kết nối xã hội, dẫn đến số người chết trong cô độc gia tăng” - Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết. Song In-joo - nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm phúc lợi Seoul - cho rằng: xã hội già hóa, tỉ lệ sinh con giảm với nhiều gia đình không có con, mất việc và không có chỗ ở khi về già… là nguyên nhân chính khiến không ít người già qua đời trong cô độc. “Phần lớn những người này thường khó khăn về kinh tế, mất kết nối với cộng đồng, sống trong những không gian chật chội, tồi tàn… nên họ thường gặp các vấn đề về sức khỏe, cũng như những khó khăn trong việc quản lý cuộc sống hằng ngày” - ông Song viết.

Tại Nhật Bản, ước tính mỗi năm có khoảng 30.000 trường hợp chết một mình. Theo các nhà nghiên cứu tại Trường Y khoa Duke - NUS (Singapore) và Đại học Nihon (Nhật Bản), những người ở độ tuổi 60 cảm thấy mình cô đơn thường có tuổi thọ ít hơn từ 3-5 năm so với nhóm cùng tuổi nhưng được quan tâm, chăm sóc. Vì thế hiện nay, những người ngoài 50-60 tuổi sống một mình đã bắt đầu lo về việc dành tiền để tự trang trải cuộc sống hoặc dự trù cho tang lễ của mình sau này vì không muốn hoặc không thể cậy nhờ con cái. “Với sự phát triển của công nghệ, các mối quan hệ giữa cá nhân với nhau không còn quá thắt chặt như trước nên phần lớn người già đều chọn cách sống một mình. Nhưng chính cách sống này khiến họ dễ bị bệnh tật và cái chết đến nhanh hơn” - các nhà nghiên cứu cho biết.

Dù chính phủ nhiều nước đã có những chính sách nhằm hạn chế nhưng tình trạng chết cô độc vẫn gia tăng. Mới đây, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để giám sát các nhóm có nguy cơ cao bằng cách thu thập dữ liệu từ việc sử dụng điện và nước hằng ngày để tìm các dấu hiệu bất thường. Đồng thời kêu gọi xã hội quan tâm đến những người dễ bị tổn thương, tập trung nhiều nhất vào những người ngoài 50 tuổi. 1 ngày trong năm sẽ được chọn làm “ngày phòng chống cái chết cô độc” nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này.

Theo ông R. Jai Prakash - cố vấn của công ty tư vấn thay đổi xã hội Soci.Train (Singapore) - trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi là việc của cả gia đình và xã hội. “Nếu gia đình có người già sống một mình thì nên tìm cách tạo mối quan hệ tốt với láng giềng cho họ. Các gia đình cũng cần lưu tâm đến tần suất liên lạc. Ví dụ nhắn tin cho người lớn tuổi vài lần trong ngày. Nếu họ không trả lời, đó sẽ là dấu hiệu đáng lo ngại. Ngoài ra, mọi người cũng nên đồng cảm, quan tâm đến những người lớn tuổi quanh mình. Nếu phát hiện một người già yếu, gặp khó khi di chuyển hoặc không còn thấy ra vào, cửa mở thì nên báo chính quyền. Hành động kịp thời của bạn có thể giúp cứu sống ai đó” - ông nói. 

Theo phụ nữ TPHCM