leftcenterrightdel
Người dân ở trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Theo kết quả cuộc khảo sát do Staff Service có trụ sở tại Tokyo thực hiện vào tháng Bảy, khoảng 19% nhân viên thế hệ gen Z, từ 18 đến 27 tuổi, dùng hết số ngày nghỉ phép có lương hằng năm. Con số này giảm xuống còn 18% đối với những người từ 28 đến 42.

Tỷ lệ nghỉ phép ở mức thấp - 16% - ở người lao động trong độ tuổi từ 43 đến 52, nhóm tham gia thị trường lao động vào thời điểm được gọi là “kỷ băng hà việc làm” ngay sau khi bong bóng kinh tế Nhật Bản nổ tung vào năm 1990.

Ngay cả đối với những người lao động có nhiều khả năng sử dụng hết tất cả các ngày nghỉ phép được hưởng lương của mình - ở độ tuổi từ 53 đến 62 - con số này chỉ là 22,6%.

Thông thường, nhân viên toàn thời gian của các công ty Nhật Bản bắt đầu với 10 ngày nghỉ phép có lương mỗi năm và con số này sẽ tăng thêm một ngày cho mỗi năm làm việc. Họ có tối đa 20 ngày nghỉ phép có lương mỗi năm.

Cuộc khảo sát cho thấy 43,7% thừa nhận cảm thấy “không thoải mái” khi họ gửi yêu cầu nghỉ phép.

Ken Kato, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Tokyo, cho biết nhiều phong tục làm việc của người Nhật Bản có thể khác thường đối với người nước ngoài nhưng chúng đều bắt nguồn từ truyền thống.

Ông nói: “Cách đây chưa đầy hai thế kỷ, hầu như mọi người ở Nhật Bản đều là nông dân kiếm sống bằng nghề trồng trọt trên đất. Lúc đó, mọi người đều giúp đỡ hàng xóm trong làng khi trồng lúa trên ruộng và thu hoạch khi đã sẵn sàng."

“Mọi người phải làm việc cùng nhau và nếu ai đó trong cộng đồng không như vậy thì họ sẽ khiến mọi người thất vọng và bị coi là lười biếng và ích kỷ,” ông nói với SCMP.

Ông Ken Kato nói tư tưởng đó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay ở hầu hết các công ty và các tổ chức. Nhiều người không muốn nghỉ hết ngày nghỉ phép có lương vì họ cảm thấy đồng nghiệp của họ sẽ phải làm nhiều việc hơn để trang trải cho họ trong khi họ đang tận hưởng kỳ nghỉ.

Trong khi đó, việc không nghỉ lễ được coi là thể hiện cam kết vì lợi ích lớn hơn cho tập thể, Kato nói.

Ở tuổi 73, Makoto Hosomura đã hoãn việc nghỉ hưu vì ông thích công việc bán rượu vang nhập khẩu cao cấp và hiếm khi cảm thấy cần phải nghỉ ngơi.

“Tôi luôn có rất nhiều việc phải làm nên nếu tôi nghỉ phép vài ngày, việc bắt kịp lại sẽ là một nhiệm vụ rất lớn,” ông nói. “Nếu tôi nghỉ phép, tôi cũng không thể yêu cầu đồng nghiệp làm việc của mình."

“Ngoài ra, tôi phải làm cho khách hàng của mình hài lòng. Tôi đã mất nhiều năm để xây dựng mối quan hệ tốt với những khách hàng này và điều đó có thể bị tổn hại nếu tôi đi nghỉ,” ông nói thêm.

Makoto Hosomura chia sẻ: “Ngay cả khi tôi được nghỉ, tôi cũng không thể thư giãn vì tôi sẽ nghĩ về công việc. Nó sẽ căng thẳng hơn là thực sự làm việc.”

leftcenterrightdel
 Các điều dưỡng viên làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Saitama. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Năm 2018, Chính phủ Nhật Bản đã thừa nhận rằng có những vấn đề trong thái độ làm việc lỗi thời của đất nước, bao gồm việc người lao động không nghỉ phép.

Hậu quả của vấn đề này đã thể hiện rõ nét ở hiện tượng tử vong do làm việc quá sức mà người Nhật Bản gọi là karoshi.

Năm 2018, chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch áp đặt giới hạn làm thêm giờ ở mức 45 giờ mỗi tháng và giới hạn 100 giờ một tháng trong “thời gian bận rộn.”

Chính phủ buộc phải hành động sau khi năm 2017 có 2.159 vụ tự tử liên quan tới vấn đề làm việc quá sức.

Karoshi được chú ý trở lại sau khi Chính phủ Nhật Bản công nhận vụ tự sát vào tháng 5/2022 của một bác sỹ ở Kobe là có liên quan đến công việc.

NHK đưa tin bác sỹ 26 tuổi Shingo Takashima đã làm thêm 207 giờ trong một tháng trước khi qua đời và không nghỉ một ngày nào trong suốt 3 tháng.

leftcenterrightdel
Nhiều người trẻ ở Nhật Bản mong muốn có được sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống. (Ảnh: Kyodo/TTXVN) 

Có một tia hy vọng rằng thái độ làm việc của người Nhật Bản có thể thay đổi ở thế hệ trẻ, những người mong muốn có được sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống.

Khảo sát trên cho thấy nhân viên gen Z đang nghỉ phép nhiều hơn hầu hết các nhóm tuổi khác và ít ngần ngại việc xin nghỉ phép hơn.

Emi Izawa, 21 tuổi, đang làm việc bán thời gian tại một quán càphê ở Yokohama. Cô cho biết trong chuyến đi châu Âu hồi đầu năm nay, cô đã quan sát và cảm thấy ghen tị với những người lao động ở đó. Cô cảm giác họ có một cuộc sống xã hội trọn vẹn.

Cô nói: “Tôi muốn đi du lịch, tiếp tục tham gia câu lạc bộ khiêu vũ của mình, có thể gặp gỡ bạn bè, vì vậy tôi không muốn một công việc mà tôi phải cống hiến hàng giờ đồng hồ."

“Điều đó có thể khó khăn ở Nhật Bản bây giờ, nhưng đó là điều tôi muốn và tôi hy vọng mọi thứ sẽ thay đổi,” Emi Izawa nói./.

Theo vietnamplus