Zhou biết về khái niệm di chúc, nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ viết nó cho đến tháng 1/2020, khi ngôi sao bóng rổ yêu thích Kobe Bryant của cô qua đời. "Sau sự cố này, nhiều người bạn nói, không bao giờ biết khi nào cái chết sẽ đến. Tôi bị kích động mạnh. Đó là khi tôi bắt đầu nghĩ đến việc để lại thứ gì đó", Zhou, chuẩn bị bước sang tuổi 28 nói.
Đầu tiên cô viết những ghi chú muốn nói với người thân yêu trong điện thoại. Đến tháng 12 vừa qua khi mua bảo hiểm, cô chính thức đăng ký làm di chúc. "Đối với tôi hiện tại, người thụ hưởng hợp pháp là cha mẹ. Nhưng tôi nghĩ bạn bè đã ủng hộ và giúp đỡ tôi rất nhiều, cả về tình cảm lẫn tinh thần. Vì vậy, tôi muốn để lại chút gì đó đó cho họ", cô nói và cho biết đây là quyết định dũng cảm nhất đời cô đến hiện tại.
Zhou đang để lại bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm niên kim và tiền tiết kiệm cho cha mẹ và ba người bạn. Cô thấy rằng ba mẹ thực sự không cần nhiều tiền từ mình. "Điều ba mẹ cần là đồng hành của tôi nhiều hơn khi còn sống", cô chia sẻ.
Nhờ viết di chúc, cô luôn có tâm thế đã chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất và có "sức mạnh bên trong để sống tốt hơn mỗi ngày".
Một phụ nữ 28 tuổi khác tên Xiaoli cũng viết di chúc tặng lại số tiền tiết kiệm cho chị họ. Về phần cha mẹ, cô đã biếu thường xuyên. "Đọc nhiều báo cáo về người nổi tiếng chết trẻ, tôi cảm thấy mình vẫn may mắn sống và có thể viết, phân bổ tài sản của mình. Không quan trọng là có bao nhiêu tiền, quan trọng hơn là tránh xảy ra tranh chấp sau này", cô nói.
Trung tâm Đăng ký di chúc Trung Quốc đã tiếp nhận gần 190.000 bản di chúc từ khi thành lập năm 2013 tới nay. Trong đó, có 590 bản do người sinh sau năm 1990 lập, đặc biệt có 168 bản di chúc của người sinh sau năm 2000 được ghi nhận trong năm 2020. Đây không phải con số cuối cùng bởi người dân còn đăng ký ở các văn phòng công chứng và pháp lý khác trên khắp cả nước.
Ông Chen Kai, người sáng lập trung tâm cho biết, viết di chúc không chỉ là một công cụ pháp lý mà còn là một phương thức biểu lộ tình cảm. "Thanh niên luôn tràn đầy ý tưởng và câu hỏi, sẵn sàng thử những điều mới", ông Chen nói. Trái lại với người trung niên và cao tuổi, họ viết di chúc vì đã tích lũy được nhiều tài sản và muốn phòng tranh chấp gia đình trong tương lai.
Chen cho biết Covid-19 là một trong những nguyên nhân dẫn đến xu hướng mọi người vội vàng lập di chúc. Tuy nhiên đây cũng không phải là lý do chính. "Nếu bạn đưa ra chủ đề mua bảo hiểm ở Trung Quốc cách đây 30 năm, mọi người sẽ nhìn bạn như thể đang cố đặt một lời nguyền chết chóc lên họ. Nhưng giờ đây, người ta sẽ cảm ơn và đánh giá cao hành động đó, vì họ đã nhìn thấy nó như một hành động của lòng tốt", Chen nói.
Về phần Zhou, cô cho biết lập di chúc thuộc vào quyết định của mỗi người. "Đó là suy nghĩ của bạn, tài sản của bạn, quyết định của bạn. Viết di chúc hay không là lựa chọn của bạn, nhưng tôi nghĩ điều đó thực sự quan trọng đối với thế hệ trẻ ít nhất là họ bắt đầu nghĩ về nó", cô gái nói.
Theo vnexpress