Ngược lại, những quốc gia được chọn cũng rất cố gắng tránh bị loại khỏi danh sách này. Điển hình là Australia, quốc gia gần đây đã có những nỗ lực lớn để Rạn san hô Great Barrier không bị loại khỏi danh sách vì những thiếu sót của chính phủ trong việc bảo vệ khu vực tự nhiên khỏi tác động của biến đổi khí hậu và du lịch.
Tính đến hiện nay, UNESCO đã công nhận 1.157 Di sản thế giới trên gần 167 quốc gia. Trong đó có 900 Di sản văn hóa, 218 Di sản tự nhiên và 39 Di sản hỗn hợp. Sự công nhận này nhằm tôn vinh và đồng thời gìn giữ những thành tựu và kỳ quan của nhân loại.
Trong năm nay, có 6 địa điểm có thể bị tuyên bố là “có nguy cơ” tại cuộc họp ở Riyadh (Ả Rập Xê Út), cùng với 55 địa điểm đã có trong danh sách đang được theo dõi. Ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc di sản thế giới của UNESCO, cho biết Venice đang gặp nguy hiểm bởi mực nước dâng cao do biến đổi khí hậu và lượng khách du lịch quá đông.
Những nước nộp đơn xin đưa vào danh sách năm nay có 53 địa danh, trong đó có những hồ sơ tồn đọng từ năm 2022 chẳng hạn như Koh Ker, một khu vực hẻo lánh ở rừng rậm phía bắc Campuchia với một số địa điểm khảo cổ có niên đại từ đế chế Khmer.
Thổ Nhĩ Kỳ đang hy vọng được công nhận các nhà thờ Hồi giáo thời Trung cổ có cấu trúc bằng gỗ, trong khi Pháp có Maison Carree (Ngôi nhà hình vuông) ở thành phố Nimes phía tây nam, một ngôi đền La Mã cổ đại được bảo tồn tốt.
Trong khi đó, Tunisia hy vọng đảo Djerba sẽ được đưa vào danh sách, không phải vì du lịch đại chúng mà nó nổi tiếng vì “cảnh quan văn hóa”.
Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đã nộp đơn đăng ký chung cho Hành lang Zarafshan-Karakum, trải dài 900 km dọc theo Con đường Tơ lụa cổ đại.
Ông Eloundou Assomo cho biết, việc đưa vào danh sách di sản là một “sự công nhận” các quốc gia liên quan đều có những địa điểm “quan trọng và đóng góp cho sự phát triển của nhân loại”.
Điểm nổi bật trong các đơn đăng ký năm nay là phản ánh xu hướng hướng tới nhiều địa điểm tưởng niệm hơn. Chẳng hạn như đơn đăng ký của Rwanda cho bốn địa điểm tưởng niệm nạn diệt chủng đối với người dân Tutsi. Argentina đề xuất một địa điểm tưởng niệm các nạn nhân của chế độ độc tài quân sự trong những năm 1970 và 80, còn Pháp và Bỉ đang đề xuất các địa điểm tưởng niệm Thế chiến thứ nhất.
Cuộc họp của Ủy ban Di sản Thế giới kết thúc vào ngày 25/9.
Theo phụ nữ TPHCM