Soi hành vi bắt cảm xúc là một cuốn sách thú vị của chuyên gia phân tích hành vi và ngôn ngữ cơ thể Scott Rouse. Theo tác giả, ngôn ngữ cơ thể không phải là những cử chỉ vô thức trong quá trình giao tiếp. Khi hai người đang trò chuyện, mọi biểu cảm của gương mặt và động tác của cơ thể đều có ý nghĩa nhất định, nhằm biểu đạt cảm xúc.
Khi đọc vị được ngôn ngữ cơ thể của người đối diện, đồng nghĩa với việc bạn hiểu được cảm xúc thật sự của người đó. Theo chuyên gia Scott Rouse, lời nói là hành vi có chủ đích, được điều khiển bằng hàng loạt phân tích của bộ não. Bởi vậy, nhiều người thường chọn cách nói dối để che giấu cảm xúc thật của mình.
Ngôn ngữ hình thể là một hệ thống tín hiệu thứ hai của con người, được điều khiển và biểu đạt bằng một hệ thống tín hiệu khác với lời nói. Biểu cảm gương mặt, cũng như các động tác của tay chân tuy mang ý nghĩa nhất định, nhưng nó lại được thực hiện phần lớn trong vô thức. Khi một người đang nói dối, hoặc chán nản, họ sẽ khó kiểm soát các động tác của cơ thể.
Nói cách khác, ngôn ngữ cơ thể không thể che đậy được sự dối trá. Khi nói đến ngôn ngữ cơ thể, người ta thường chú ý đến biểu cảm gương mặt. Mỗi người có hơn 10.000 biểu cảm gương mặt để thể hiện các trạng thái cảm xúc. Trong khi đó, chúng ta chỉ cần khoảng hơn 3.000 từ để giao tiếp hàng ngày, những con số này chứng tỏ biểu cảm gương mặt phong phú nhường nào.
|
Cuốn sách "Soi hành vi bắt cảm xúc" của tác giả Scott Rouse. Ảnh: Wings Books. |
Mỗi dân tộc có một ngôn ngữ riêng để giao tiếp, do đó tạo nên những rào cản nhất định. Nhưng ngôn ngữ cơ thể là hệ thống tín hiệu chung của con người, nó không phân biệt sắc tộc hay tuổi tác.
Khi nói về ngôn ngữ cơ thể, ngoài biểu cảm gương mặt, chúng ta cần chú ý đến động tác của chân, tay cũng như cử động của phần vai và thân mình. Trong đám đông, người đang lo lắng thường có động tác thu tay về phía trước thân mình, mắt đảo liên tục, nhìn về các hướng khác nhau.
Trong cuốn sách này, tác giả đưa ra nhiều tình huống giao tiếp cụ thể để người đọc hiểu được ý nghĩa biểu đạt của ngôn ngữ hình thể trong đời sống, ở mỗi tình huống đều kèm các hình minh họa cụ thể. Từ đó dễ dàng vận dụng các kiến thức về lĩnh vực này trong các hoàn cảnh cụ thể. Một trong các tình huống nổi bật mà Scott Rouse đề cập tới trong cuốn sách của mình, đó là “đọc vị ngôn ngữ hình thể của đối phương trong các buổi hẹn hò”.
Người ta thường nói: “Ánh mắt là cửa sổ của tâm hồn”, dù là nam giới hay phụ nữ, nếu đối phương thích bạn, họ sẽ tích cực giao tiếp bằng mắt với bạn. Người ấy sẽ chăm chú nhìn bạn khi cả hai đang trò chuyện, chứ không lỡ đãng nhìn ra cửa sổ hay hướng mắt về vị khách ở bàn bên cạnh.
Ngoài ánh mắt, cử động của vai và phần thân của đối phương cũng sẽ cho bạn biết nhiều điều về cảm xúc của họ. Trong bất kỳ tình huống giao tiếp nào, dù là một buổi hẹn hò, hay một cuộc gặp gỡ liên quan tới công việc, nếu thấy hứng thú, đối phương sẽ có xu hướng ngả người về phía bạn khi cả hai đang trò chuyện.
Nếu cả hai ngồi đối diện nhau, họ sẽ ngồi hơi đổ người về phía trước, để rút ngắn khoảng cách của cả hai. Điều đó cho thấy đối phương đang thoải mái và cảm thấy hào hứng với cuộc trò chuyện của hai người. Không chỉ vậy, vai của người đó cũng thường xuyên rướn lên, nhô cao khi cả hai trò chuyện, đặc biệt trong lúc họ tỏ thái độ đồng tình với quan điểm mà bạn đưa ra.
Trong một buổi hẹn hò, nếu thấy đối phương thường xuyên nhìn sang hướng khác, ngáp trong khi trò chuyện, hoặc thường xuyên đưa tay sờ lên mặt và cằm, chứng tỏ người đó không hào hứng với cuộc trò chuyện, bạn nên tìm chủ đề khác, hoặc đề nghị thay đổi điểm hẹn, để cả hai cùng tới một không gian thú vị hơn.
Khi tham gia các buổi phỏng vấn tuyển dụng, gặp gỡ nhà đầu tư cũng là lúc bạn phải phát huy tối đa khả năng đọc vị ngôn ngữ cơ thể để nắm bắt được cảm xúc và tâm tư của đối phương.
Ngoài biểu cảm gương mặt, hãy để ý tới động tác tay, sự phối hợp giữa tay và chân cũng như phần thân trên của họ trong lúc cả hai đang nói chuyện. Nếu nhà tuyển dụng để lộ một tư thể thoải mái với phần vai xuôi vừa phải, khóe miệng nhếch lên tự nhiên, thỉnh thoảng lông mày nhướn lên, thể hiện sự đồng tình, đồng nghĩa với việc họ hài lòng về ứng viên.
Soi hành vi bắt cảm xúc là một cuốn sách nhập môn thú vị để bạn đọc bước vào thế giới phong phú và đa dạng của ngôn ngữ cơ thể. Tác giả Scott Rouse đã có nhiều năm huấn luyện cho các nhân viên điều tra của các cơ quan an ninh hàng đầu Mỹ. Những điều ông đem tới trong cuốn sách này được đúc rút từ quá trình quan sát ngôn ngữ cơ thể của hàng chục ngàn người khác nhau.
Hiểu một cách tường tận, tỉ mỉ và khoa học về ngôn ngữ hình thể là một cách khéo léo giúp chúng ta đọc được một phần suy nghĩ của người khác và dần dần bước vào cánh cửa tâm hồn họ.
Theo phụ nữ TPHCM