Ahmed Khaled al-Kaabi đính hôn với Ruqaya Rahim từ năm ngoái. Hai người dự định tổ chức đám cưới thật lớn cùng gia đình và bạn bè ở thành phố Najaf, phía nam Iraq. Tuy nhiên, kế hoạch của họ gặp khó sau khi chính quyền áp đặt lệnh giới nghiêm, cấm các cuộc tụ họp đông người và đóng cửa các địa điểm tổ chức lễ cưới nhằm ngăn Covid-19 lây lan.

Al-Kaabi đã nghĩ ra một phương án khác để không phải hủy đám cưới, đó là nhờ lực lượng an ninh địa phương hỗ trợ. Cảnh sát đã cho al-Kaabi mượn xe để đi đón dâu, chơi nhạc khi đến nhà gái và đưa Rahim về nhà chồng để tiến hành lễ thành hôn nhỏ với chỉ 6 người tham dự.

                          Ahmed Khaled al-Kaabi và Ruqaya Rahim trong đám cưới hôm 9/4. Ảnh: AP

"Tôi không ngờ đám cưới của mình lại diễn ra theo cách này. Tôi đã mong chờ một bữa tiệc rồi đến gặp một giáo sĩ làm chủ hôn. Tuy nhiên, chúng tôi bị cấm làm điều đó", cô dâu nói.

Chính quyền áp lệnh giới nghiêm ở Najaf từ tháng trước. Thành phố này là nơi thu hút rất đông người hành hương với những đền thờ Hồi giáo dòng Shia linh thiêng. Tờ National đưa tin khoảng 2.000 người Iran đã bị mắc kẹt ở Najaf kể từ khi lệnh hạn chế đi lại được đưa ra.

                       Đoàn xe cảnh sát giúp Ahmed Khaled al-Kaabi rước dâu hôm 9/4. Ảnh: AP

Louay Al Yasiri, thống đốc tỉnh Najaf, cho biết thành phố đang đối mặt với tình trạng thiếu thốn trang thiết bị y tế nhưng dịch bệnh "vẫn đang trong tầm kiểm soát". Najaf hiện chiếm hơn 20% tổng số ca nhiễm nCoV ở Iraq, là một trong những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19 ở Trung Đông. 

Theo Bộ Y tế Iraq, tỉnh này ghi nhận 257 ca nhiễm, trong đó 5 ca tử vong. Toàn Iraq xác nhận gần 1.300 ca nhiễm, 70 ca tử vong. Bộ trưởng Y tế Jaafar Allawi cho hay chính phủ có thể dỡ lệnh phong toả vào cuối tháng 5 nếu người dân "tuân thủ việc cách ly".

Theo  vnexpress