Sau trận tập kích ngày 7/12/1941 của quân Nhật vào Trân Châu Cảng, Hội Chữ thập Đỏ Mỹ đã nhanh chóng huy động nguồn lực để tiếp tế cho các thương binh. Một trong những mục tiêu của công tác viện trợ là duy trì nhuệ khí cho binh sĩ, dẫn tới sự thành lập nhóm nữ tình nguyện viên Donut Dollies (Những búp bê phục vụ bánh rán).
Trên thực tế, các nữ tình nguyện viên thời chiến, những người "vừa làm bánh vừa chạy bom", xuất hiện từ năm 1917. Tuy nhiên, hoạt động của họ hồi Thế chiến I thiếu tổ chức và không diễn ra đều đặn. Do đó, Hội Chữ thập Đỏ Mỹ quyết định tuyển một nhóm phụ nữ đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ này.
Giới chuyên gia cho biết tiêu chuẩn của những nữ tình nguyện viên này thậm chí cao hơn quân đội. Họ phải từ 25 tuổi trở lên, đã tốt nghiệp đại học, có thư giới thiệu và vượt qua các bài kiểm tra sức khỏe. Thêm vào đó, họ cũng cần sở hữu "tính cách đặc biệt". Chỉ 1/6 người ứng tuyển được lựa chọn.
Sau khi gia nhập nhóm Donut Dollies, các nữ tình nguyện viên được tiêm chủng, cấp đồng phục Hội Chữ thập Đỏ, trải qua vài tuần đào tạo cơ bản về lịch sử, chính sách, các quy định của cả Hội Chữ thập Đỏ và quân đội Mỹ. Họ còn phải chấp hành những quy tắc đặc biệt về ngoại hình, như không đeo hoa tai, phụ kiện cho tóc, không sơn móng tay sặc sỡ hoặc lạm dụng mỹ phẩm.
Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, các thành viên Donut Dollies được đưa ra nước ngoài, nơi họ thường vận hành một "câu lạc bộ di động". Đây là những chiếc xe buýt màu xanh lá cây, có sẵn nguyên liệu và dụng cụ để các nữ tình nguyện viên làm bánh rán ngay tại chỗ cho những binh sĩ đói bụng, mang lại "hương vị quê nhà" nơi đất khách. Xe có thể di chuyển đến những căn cứ xa xôi hay doanh trại trên chiến trường.
Trong Thế chiến II, tập đoàn Doughnut của Mỹ đã cho Hội Chữ thập đỏ mượn 468 máy làm bánh rán. Mỗi máy có thể làm hơn 480 chiếc bánh trong một giờ. Tuy nhiên, những chiếc máy này dường như không đủ hiệu quả trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt, khi không kịp đáp ứng nhu cầu lớn của quân đội.
"Hôm kia, mọi người đã dành trọn một ngày để làm bánh", Clara Schannep Jensen, một tình nguyện viên của Donut Dollies, viết trong bức thư gửi về gia đình, thêm rằng cô được đối xử khá tốt.
Cuối cùng, Hội Chữ thập Đỏ buộc phải mở vài tiệm bánh để dự trữ bánh cho các "câu lạc bộ di động". Theo một báo cáo vào cuối năm 1944, tổng cộng 205 phụ nữ đã phục vụ hơn 4,6 triệu bánh rán cho binh sĩ Mỹ tại Anh.
"Con đang làm một công việc khá trách nhiệm và cảm thấy vui khi họ đánh giá con có thể đảm đương được nhiệm vụ đó", Jensen viết trong một bức thư khác cho gia đình.
Ngoài bánh rán, những chiếc xe buýt xanh còn có thuốc lá, kẹo cao su, tạp chí và báo, tạo thêm cảm giác thân thuộc cho những binh sĩ nhớ nhà. Lính Mỹ cũng không thể thường xuyên đến các câu lạc bộ giải trí trong thành phố, nên xe buýt còn trang bị loa để mở nhạc thật to.
Ngay cả khi cảm thấy mệt mỏi, các nữ tình nguyện viên vẫn sẵn sàng mang đến nụ cười cho binh sĩ. "Với tư cách thành viên của Donut Dollies, công việc của chúng tôi là nâng cao tinh thần cho các binh sĩ. Nói thì dễ hơn làm. Chúng tôi mang theo một chút hương vị quê nhà, lắng nghe họ, chơi game cùng và mở nhạc cho họ", Jeanne Christie, một tình nguyện viên, cho hay.
Tuy nhiên, Christie thừa nhận vẫn có những mặt trái. "Đây không phải công việc dễ dàng. Một số người nghĩ chúng tôi chỉ ra đó để đùa giỡn với đàn ông. Chúng tôi luôn là người sai và chịu tiếng xấu", nữ tình nguyện viên nói. Ngoài áp lực phải động viên tinh thần quân đội, nhóm Donut Dollies còn đối mặt nguy hiểm về tính mạng giữa bom đạn chiến tranh và những biến cố khó lường.
Nhiều ý kiến cho rằng các nữ tình nguyện viên của Donut Dollies xứng đáng được thừa nhận công lao tương tự quân đội. Trong khi quân y giúp điều trị vết thương trên cơ thể thương binh, Donut Dollies lại xoa dịu tổn thương tâm lý cho họ.
Rất lâu trước khi khái niệm rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) được chấp nhận rộng rãi, các nữ tình nguyện viên đã đồng hành, lắng nghe, cố gắng thấu hiểu và ủng hộ những người lính trên chiến trường.
Theo vnexpress