1. Thiên đường của tín đồ 'nếu yêu trà sữa là sai thì không ai cần đúng'

Trà sữa ở Trung Quốc bao rẻ bao ngon, đảm bảo ngon hơn vị người yêu cũ của bạn ^^. Nếu đã sang Trung Quốc và được nếm thử vị trà sữa bên này thì khi về Việt Nam, hầu như các bạn du học sinh đều không còn thiết tha gì vị trà sữa ở nhà nữa. Bên Trung có ti tỉ hãng trà sữa nổi tiếng cho bạn thử, thử nữa, thử mãi: Yi He Tang, Yi Dian Dian, Gu Ming... Một ly trà sữa size L full topping, trân châu nhai "ngập mồm" mà có giá chưa tới 35k nếu quy ra tiền Việt.

2. Tiền mặt ít có đất 'dụng võ'

Điều này nghe có vẻ khá là kỳ cục, lại có một đất nước không thích tiền mặt. Lần đầu tiên sang Trung Quốc, hầu như tất cả du học sinh đều được trải qua cảm giác cầm xấp tiền mặt trong tay mà chả mua được gì. Những ngày mới sang, các bạn du học sinh chưa thể làm thẻ ngân hàng nên không dùng được Weixin/Zhifubao (2 ứng dụng thanh toán trực tuyến của Trung Quốc). Thành thử đi mua đồ gì cũng khó khăn. Nói đâu xa, ngay căng tin trong trường đại học, người ta không cho trả bằng tiền mặt. Những bạn mới qua sẽ phải nhờ mấy anh chị Việt Nam qua trước trả giùm. Sang bên này, cảm giác đưa tiền mặt mà người ta... tránh như tránh tà. Từ mấy cửa hàng bự bự cho đến người bán hàng rong, chỗ nào cũng chỉ thích quẹt mã QR để trả tiền qua điện thoại.

Những hàng quán nhỏ hay gánh hàng rong ở Trung Quốc cũng luôn chuẩn bị sẵn một mã QR cho khách hàng thanh toán.

3. Có 1001 điều bất ngờ nho nhỏ cho sinh nhật

Chuyện bắt đầu từ 12h đêm, khi có người nhắn tin chúc mừng sinh nhật vào group Wechat có mấy trăm du học sinh. Từ đó là liên hoàn lời chúc mừng sinh nhật bằng đủ thứ tiếng. Rồi thì sáng hôm sau đi học, cứ hễ gặp ai quen là người ta lại hô to câu "Chúc bạn sinh nhật vui vẻ" bằng tiếng Trung rồi dúi vào tay bạn một thỏi socola, một chiếc bánh hay thậm chí là một viên kẹo. Tóm lại, hãy sẵn sàng tinh thần để chờ đón những điều dễ thương nho nhỏ đến từ thầy cô và bạn bè quốc tế đi nhé.

4. Noel ngập... TÁO

Mấy ngày gần Noel, ký túc xá của du học sinh sẽ có truyền thống tặng quà cho nhau. Không cần phải bất ngờ nếu một sáng sớm thức dậy bạn nhìn thấy một đống táo, quà cùng những tấm thiệp chúc mừng Giáng sinh treo đầy trước cửa phòng. Việc tặng táo là do người Trung Quốc cho rằng khi được nhận một quả táo đỏ vào đêm Giáng sinh, đồng nghĩa với việc bạn nhận được một lời chúc may mắn, bình an từ đối phương. Ngoài ra còn có một quan niệm khác rằng nếu dùng 24 đồng xu mua một quả táo đem tặng cho người mình thích, thì bạn sẽ nhận được tình yêu đích thực.

5. Đồ ăn tính tiền theo cân

Lúc sang Trung Quốc, kiểu bán này chắc chắn sẽ lạ lẫm với nhiều bạn du học sinh. Mọi thể loại đồ ăn từ đồ mặn, ngọt, chè, bánh kẹo, trái cây người ta sẽ "đổ đống" đấy cho bạn chọn lựa vào bát/hộp đến khi nào xong thì đưa cho họ cân tính tiền. Bạn có thể kết hợp nhiều vị với nhau, đặc biệt là đối với những bạn mới qua chưa từng ăn món nào. Mỗi lần mua cứ chọn mỗi thứ một ít ăn thử, rồi cái nào ngon thì hôm sau sẽ mua nhiều hơn.

Tất cả bánh trái sẽ được tính tiền theo cân nặng. Bạn chỉ việc chọn những loại mình thích ăn rồi bỏ vào túi sau đó cân và trả tiền.

Tương tự với những món mặn, bạn có thể tùy thích gắp những loại thức ăn mà bạn muốn rồi cho vào bát. Sau đó cân và tính tiền, trả tiền xong thì phục vụ sẽ đem những thứ bạn chọn đi nấu rồi mang ra cho bạn thưởng thức. Điều này cũng tương tự với các món chè và món ngọt khác.

6. Xe máy điện - 'đặc sản' không thể thiếu của dân Trung Quốc

Nếu người nước ngoài choáng với xe máy khi đến Việt Nam thì đến Trung Quốc, bạn sẽ choáng ngợp với số lượng xe máy điện ở đây. Riêng số xe máy điện trong trường đại học thôi cũng đã nhiều vô kể. Mỗi lần tan học là y như rằng cả một con đường rộng 3m trong trường cũng kẹt cứng vì lượng xe máy điện. Người Trung Quốc cũng đi xe theo phong cách "điền vào chỗ trống", nhảy lên vỉa hè khiến du học sinh Việt có cảm giác thân quen không khác gì ở nhà.

Ngoài ra, xe đạp điện công cộng cũng rất phổ biến ở Trung Quốc. Mỗi lần muốn đi đâu mà không có xe, chỉ cần quét mã QR lên những chiếc xe đạp điện này để trả tiền là có thể sử dụng. Khi không cần sử dụng nữa thì bấm vào nút khoá xe rồi dựng lại trên vỉa hè là được.

7. Đồ ăn Trung - dầu, dầu nữa, dầu mãi

Khi ở Việt Nam, nhìn trên phim ảnh, hẳn mọi người đều nghĩ chắc đồ ăn Trung Hoa ngon lắm. Nhưng mà đời không như phim, ăn thử mới biết vị của nó rất "khó nuốt", nhất là đối với những bạn không thích ăn đồ nhiều dầu mỡ. Đồ chiên, xào, rán nhiều dầu, mỡ thì không nói, nhưng đến cả mấy món luộc, món nước mà mỡ cũng nổi lênh láng. Gọi một đĩa rau luộc chắc vắt ra được cả một bát dầu. Chưa kể mấy món ăn vặt, món nào vị cũng na ná nhau, đã thế còn xộc cái mùi thịt hổ y như trong mấy cái bịch xiên 1-2k bán trước cổng trường ngày xưa.

Đồ ăn Trung có vùng còn vừa mặn vừa cay, quả thực khó ăn đối với những du học sinh mới qua.

Đồ ăn vặt xứ Trung đều có vị cay, mặn na ná nhau.

8. Trường đại học bên Trung rộng cỡ nào?

Chắc rộng bằng cỡ một "thành phố nhỏ". Bên trong mỗi trường đại học bên Trung đều vô cùng rộng và có đầy đủ mọi thứ từ siêu thị, cửa hàng quần áo, tiệm cắt tóc, nhà hàng, tiệm trà sữa... Đến độ có cả núi, sông, hồ, đi học mà có cảm giác như đang đi du ngoạn ngắm cảnh hòa mình vào thiên nhiên vậy. Thú thật, chuyện du học sinh bị lạc ở trong trường những ngày đầu mới qua là chuyện như cơm bữa.

9. Trai xinh gái đẹp nhan nhản

Xem phim Trung Quốc với mấy clip trai xinh gái đẹp đường phố, hầu như mọi người sẽ nghĩ chắc là có sự dàn dựng. Nhưng qua đây rồi mới thấy trai gái bên đó đẹp thật sự. Không hiểu họ ăn cái gì mà người vừa cao vừa gầy, đã thế mặt mũi còn sáng sủa. Tụ điểm có thể tia thấy nhiều trai xinh gái đẹp nhất chính là: căng tin trường. Thành ra, mỗi lần đi ăn trong căng tin là đám du học sinh cứ ngồi ăn 2-3 tiếng mới chịu về, mỹ thực đầy đủ, vừa no bụng, vừa no mắt.

10. Taobao - 'thiên đường' mua sắm của người Trung Quốc

Ví Taobao như cái túi bảo bối của Doraemon cũng được, mỗi tội cái túi này phải trả tiền mới có được thứ mình muốn. Trên Taobao quả thực cái gì cũng có: quần áo, giày dép, đồ điện tử, nồi niêu xoong chảo... Kể cả mấy mặt hàng Việt như nước mắm, hạt tiêu, tương ớt, xì dầu cũng có tất. Thế nên bạn nào có sang Trung thì đừng vác nhiều làm gì cho mệt, cứ có tiền rồi lên Taobao đặt là đủ dùng rồi.

11. Qua Trung là sẽ có nhiều bạn Trung?

Cái này không hề đúng xíu nào luôn. Trước, nhiều người nhận định rằng cứ qua Trung Quốc là sẽ kiếm được nhiều bạn bè bản địa cho mình luyện tiếng. Nhưng không hề, từ lúc qua Trung, số lần mình nói chuyện với người bản địa chắc đếm trên đầu ngón tay. Do một số bạn du học sinh học ngành ngôn ngữ nên khi đi học sẽ toàn học với mấy bạn nước khác, về ký túc xá thì cũng ở chung tòa với các du học sinh khác. Nếu không mạnh dạn ra ngoài kết bạn thì chắc có học xong 4 năm cũng không quen người Trung Quốc nào. Vậy nên cứ phải mặt dày lăn xả ra bên ngoài tự tìm và kết bạn thôi.

Theo ione