Với sự phổ biến ngày càng tăng của các nền tảng như ChatGPT và Google Bard, có thể nói người lao động trên toàn thế giới đều đang rất lo ngại về công việc và sự nghiệp trong tương lai. Xét cho cùng, những công cụ này đã được chứng minh là giúp cải thiện đáng kể năng suất khi thực hiện nhiều tác vụ khác nhau tại nơi làm việc.
Nhưng liệu AI có thực sự đủ khả năng thay thế việc làm trong bối cảnh kinh doanh ngày nay? Dựa trên kết quả nghiên cứu từ Tech.co, chúng ta sẽ khám phá vai trò nào có nguy cơ gặp rủi ro cao, mức độ phổ biến của tình trạng thay thế công việc bằng AI và một số thách thức cản trở tiến bộ công nghệ.
TRÍ TUỆ NHÂN TẠO ĐANG THAY THẾ NHỮNG CÔNG VIỆC NÀO?
Nghiên cứu về tác động công nghệ tại nơi làm việc đã thu thập được rất nhiều thông tin, được quan tâm nhất chính là các loại công việc và nhiệm vụ dự kiến bị thay thế bởi AI.
Với tính chất tổng quát của hầu hết nền tảng AI trên thị trường hiện nay, một số công việc dường như dễ bị thay thế hơn những công việc khác. Tuy nhiên, nghiên cứu lại cho thấy điều ngược lại, công việc viết (63%), thiết kế (51%) và dịch ngôn ngữ (50%) đại diện cho các nhiệm vụ mà AI không ảnh hưởng đến quyết định loại bỏ vai trò.
Tuy nhiên, những vai trò khác lại không may mắn như vậy. Ví dụ, các vị trí liên quan tới tối ưu hóa chuỗi cung ứng có nhiều khả năng bị thay thế bởi AI nhất, với 72% doanh nghiệp thừa nhận đã loại bỏ ít nhất một số công việc để thực hiện nhiệm vụ bằng AI. Các vị trí theo sau bao gồm nghiên cứu pháp lý, phân tích tài chính và bảo trì tài sản.
Báo cáo đưa ra nhận định sâu sắc xung quanh lý do khiến vai trò công việc dễ bị thay thế bởi AI: “Đây là quyết định dễ hiểu, với những vai trò xử lý dữ liệu phức tạp, tốn thời gian và tiền bạc để tuyển dụng chuyên gia được đào tạo bài bản. Việc có thể thay thế những người này bằng một hệ thống tự động sẽ giúp công ty tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực, đó là lý do tại sao công ty sẵn sàng mạo hiểm loại bỏ vị trí nhân viên toàn thời gian”, bà Jennifer McIlveen, biên tập viên tại Tech.co, cho biết.
Như thường lệ, các quyết định công việc liên quan tới AI phần lớn được thúc đẩy bởi yếu tố tài chính.
THỰC TRẠNG THAY THẾ CÔNG VIỆC BẰNG AI PHỔ BIẾN NHƯ THẾ NÀO?
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang cung cấp cho doanh nghiệp những công cụ hữu ích để giải quyết nhiều vấn đề nan giải. Trong một vài trường hợp, các dịch vụ này tinh giản hóa và thậm chí tự động hóa vai trò tác vụ, đồng nghĩa với việc một số vị trí trong công ty sẽ bị thay thế.
|
|
Hầu hết doanh nghiệp nhận định AI không có tác động gì đến quyết định loại bỏ công việc. |
Nhưng thực trạng AI thay thế công việc đang phổ biến đến mức nào? Nghiên cứu của Tech.co cho thấy AI không thay thế công việc nhiều như chúng ta dự đoán, chỉ có 4% doanh nghiệp nói rằng AI có tác động sâu rộng đến quyết định thay thế vai trò công việc. Thậm chí, có tới 53% doanh nghiệp được khảo sát nhấn mạnh AI không có tác động gì đến việc loại bỏ vị trí trong tổ chức.
“Vấn đề vẫn chưa nghiêm trọng. Rõ ràng, công nghệ và AI đã bắt đầu có ảnh hưởng đến vai trò công việc, nhưng đối với phần lớn chuyên gia, còn rất nhiều thời gian trước khi phải đưa ra bất kỳ cảnh báo nào”, biên tập viên Jennifer nhận định.
LÝ DO KHIẾN TỶ LỆ THAY THẾ CÔNG VIỆC BẰNG AI Ở MỨC THẤP
Xem xét bối cảnh nền tảng AI đã trở nên quá phổ biến và có thể mang lại năng suất cao trong thời gian ngắn, thật khó hiểu lý do tại sao tỷ lệ thay thế công việc bằng AI lại ở mức thấp như vậy.
Theo nghiên cứu của Tech.co, hiện tại, doanh nghiệp không đặt hoàn toàn niềm tin vào AI, đặc biệt trong vấn đề cung cấp thông tin sai lệch. Trên thực tế, 49% doanh nghiệp được khảo sát lo ngại về nguy cơ các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) tạo ra thông tin sai lệch, điều hướng hay định kiến.
Tất nhiên, hầu hết doanh nghiệp không cảm thấy tự tin khi chuyển toàn bộ hoạt động sang một hệ thống AI mắc lỗi, điều đó có nghĩa là vẫn còn rất nhiều công việc và kỹ năng sẽ không thể thay thế trong tương lai gần.
|
|
Nhiều doanh nghiệp lo ngại về vấn đề AI đưa thông tin sai lệch. |
KỸ NĂNG LÀM VIỆC NÀO VẪN ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ CAO?
Mặc dù AI loại bỏ một số vai trò và nhiệm vụ, nhưng vẫn có nhiều kỹ năng vô cùng giá trị mà các nhà tuyển dụng, chủ doanh nghiệp và người quản lý đang tìm kiếm ở nhân viên mới.
“Những người vẫn lo lắng về việc AI sẽ lấy mất công việc của họ, hoặc tệ hơn là ngăn cản họ tìm việc mới, có thể sẽ yên tâm trước phát hiện của Tech.co về kỹ năng mà các nhà quản lý tuyển dụng coi là có giá trị nhất”, bà Jennifer khẳng định.
Theo đó, giao tiếp, giải quyết vấn đề và quản lý thời gian đứng đầu danh sách, với 98% số người được hỏi cho rằng những kỹ năng này ít nhất là quan trọng ở mức độ vừa phải trong quá trình xem xét tuyển dụng. Quản lý con người (91%) và networking (90%) cũng là những kỹ năng đáng chú ý.
Đặc biệt, bộ kỹ năng liên quan tới AI tại nơi làm việc vẫn chưa được đánh giá cao. Trên thực tế, chỉ có 43% số người tham gia khảo sát nói rằng kiến thức chuyên môn về AI là yếu tố quan trọng khi quyết định tuyển dụng, đạt điểm thấp nhất trong nghiên cứu của Tech.co.
Theo vneconomy