Những tín hiệu khả quan

Dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19, một loạt cửa hàng thời trang xa xỉ tại Trung Quốc buộc đóng cửa. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được khống chế thành công, chính phủ nước này bắt đầu dở bỏ lệnh phong tỏa, hoạt động kinh doanh dần được nối lại.

Các cửa hàng thời trang cao cấp Trung Quốc những ngày đầu tái hoạt động.

 

Đây được xem là một trong những tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp thời trang Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung bởi theo nghiên cứu của Bain&Company, hãng tư vấn nổi tiếng của Mỹ, Trung Quốc chiếm 35% doanh số tiêu dùng của hàng thời trang cao cấp toàn cầu (bao gồm quần áo, giày dép, đồng hồ và trang sức). Việc thị trường Trung Quốc phục hồi sẽ giúp các thương hiệu tạo ra nguồn thu, bù đắp phần nào những thiệt hại khi ngành thời trang châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục bị đóng băng.

 

Theo số liệu mới nhất của Women Wear Daily, một trong những cửa hàng lớn nhất của Hermès tại Taikoo Hui, Quảng Châu mở cửa trở lại vào ngày 11/4 đã đạt mức doanh số 2,7 triệu USD. Trên các phương tiện truyền thông, nhiều khách hàng còn chia sẻ hình ảnh mua sắm sôi động, thậm chí có người mua cùng lúc 20 bộ quần áo hay loạt túi xách.

Theo Sina, việc Hermès đóng cửa nhiều chuỗi cửa hàng đã dấy lên lo ngại về tình hình tài chính của hãng nhưng đại diện Hermès chia sẻ, ngay cả trong thời điểm dịch bệnh, các khách hàng quan trọng vẫn đóng góp khá lớn vào doanh thu của hãng nhờ đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến.

Không riêng Hermès, dấu hiệu tích cực cho sự hồi sinh của ngành thời trang cao cấp tại Quảng Châu bắt đầu từ 21/3, khi một loạt trung tâm mua sắm sang trọng tại đây tái hoạt động với tổng doanh thu 11 triệu NDT (hơn 36 tỷ đồng) chỉ sau 5 giờ đồng hồ mở bán.

Người tiêu dùng khoe ảnh mua sắm tại các cửa hàng Hermès ở Quảng Châu.

 

Trong khi đó, ở Vũ Hán, tâm điểm dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng của người dân đang dần phục hồi. Ngày 30/3, nhiều trung tâm thương mại chính thức mở cửa trở lại để chào đón khách, điển hình như chuỗi của hàng của Prada và Burberry. Đến ngày 10/4, thương hiệu xa xỉ Pháp Louis Vuitton thông báo nối lại toàn bộ hoạt động kinh doanh. Dù doanh số tăng trưởng chưa cao nhưng hầu hết các hãng mốt đều tỏ ra lạc quan khi thu được lợi nhuận.

Tuy nhiên sự hồi phục tích cực vẫn chỉ là bề nổi trong tảng băng chìm. Nhìn nhận tổng thể ngành công nghiệp thời trang Trung Quốc, lượng khách hàng chi tiêu trở lại không đồng nghĩa với việc các cơ sở đẩy mạnh sản xuất. Nhiều chuỗi cung ứng vẫn tiếp tục bị các thương hiệu thời trang lớn hủy bỏ đơn hàng, phải hoạt động cầm chừng. Đơn cử khu vực Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung tâm dệt may lớn nhất xứ Trung cho biết khoảng 78,4% các nhà máy bị cắt giảm đơn hàng, trong đó 64,8% báo cáo bị hủy bỏ đột ngột.

Phần lớn các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc cung cấp cho thị trường châu Âu là chính chứ không phải cung ứng nội đia, do đó việc tái hoạt động cũng trở nên vô nghĩa nếu ngành công nghiệp thời trang thế giới đóng băng.

Từng bước phục hồi

Theo SCMP, căn cứ vào số liệu gần đây từ các cơ quan chức năng Trung Quốc trong và sau đại dịch COVID-19, thương mại điện tử là vũ khí quan trọng giúp các thương hiệu đứng vững. Các thương hiệu như Allbirds, Bailey... nhờ có lượng khách hàng mua sắm trực tuyến ổn định, hãng đã giải quyết lượng hàng tồn từ hàng trăm cửa hàng đóng cửa do dịch.

Các thương hiệu thời trang lên kế hoạch ra mắt dòng sản phẩm mới.

 

Mặc khác, ở Trung Quốc, đối tượng tiêu dùng hàng xa xỉ trẻ hơn nhiều so với các nước châu Âu và châu Mỹ, nơi tập trung những người trên 55 tuổi. Điều này phần nào giúp đất nước tỉ dân thuận lợi phục hồi doanh số bán hàng vì nhóm người trẻ tuổi ít chịu tổn thương hơn trong dịch COVID-19.

Đi kèm với những dấu hiệu tích cực từ người tiêu dùng, các hãng mốt cũng rục rịch xem xét lượng hàng tồn kho, lên kế hoạch ra mắt bộ sưu tập mùa thu-đông, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Minh chứng rõ nét nhất là thương hiệu tầm trung Zara. Hãng sẵn sàng gửi những thiết kế mới nhất của họ đến tận nhà các người mẫu ở Tây Ban Nha để không bị gián đoạn việc ra mắt sản phẩm mới. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân tại các quốc gia châu Âu vẫn phải tuân thủ các biện pháp xa cách xã hội

Được biết, Zara đang đẩy mạnh dịch vụ bán hàng trực tuyến toàn cầu, bao gồm Trung Quốc, do đó việc tung nhiều bộ sưu tập mới là chiến lược quan trọng nhằm thu hút khách hàng thời điểm cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Song song với các biện pháp trên, ông Mario Ortelli, cố vấn thời trang cao cấp còn cho biết các thương hiệu đang đẩy mạnh chiến dịch quảng bá hình ảnh, tiếp thị bằng cách đầu tư vào quảng cáo kỹ thuật số và các dự án từ thiện. Tại Trung Quốc, rất dễ xảy ra làn sóng tẩy chay nếu các hãng mốt xa xỉ không có sự đóng góp cho xã hội mà chỉ chăm chăm vào mục đích thu lợi, ngược lại các thương hiệu sẽ nhận được sự ưu ái nhất định từ người dân bản xứ nếu có các hoạt động từ thiện sâu rộng.

Nắm bắt được tâm lý này, mới đây, minh tinh Jane Fonda dùng tiền bán bộ sưu tập mới do bà và một công ty thời trang thực hiện để ủng hộ quỹ cứu trợ người lao động trong mùa dịch COVID-19 lẫn công tác bảo vệ môi trường. Trước đó, các thương hiệu xa xỉ chuyển đổi hàng loạt cơ sở sản xuất nước hoa, quần áo như Chanel, Dior, Gucci… sang may khẩu trang, quần áo bảo hộ và gel khử trùng, cung cấp miễn phí cho bệnh viện và chính phủ nước sở tại ứng phó với tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng. 

Nhiều phương pháp khắc phục thiệt hại, đẩy mạnh doanh số sau dịch được các hãng mốt đưa ra nhưng căn cứ vào tình hình thực tại phải mất một khoảng thời gian dài ngành thời trang xa xỉ mới có thể khôi phục. Theo báo cáo được phát hành bởi Bain Consulting, doanh số thời trang cao cấp toàn cầu trong quý đầu tiên sẽ giảm từ 25-30% trong năm 2020. Tác động của dịch COVID-19 dự kiến sẽ lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.

Riêng Trung Quốc, các trung tâm kinh tế sôi động như Thượng Hải, Bắc Kinh sẽ nhanh chóng bắt nhịp trở lại nhưng với nhiều thành phố quy mô nhỏ khác sẽ phải tồn nhiều thời gian hơn.

Theo phunuonline