leftcenterrightdel
 Người Ấn nói “Namaste” khi chào với lòng bàn tay ép vào nhau trước ngực, các ngón tay quay lên trên. (Nguồn: Indianembassy)

Khi chào hỏi, làm quen

Bắt tay là hành động nên thực hiện khi chào hỏi ai đó. Ở Ấn Độ cũng không ngoại lệ, tuy nhiên bạn cần lưu ý không nên bắt tay quá chặt vì sẽ bị xem là thiếu lịch sự.

Người Ấn nói “Namaste” khi chào với lòng bàn tay ép vào nhau trước ngực, các ngón tay quay lên trên. Tuy nhiên, không nên chắp tay chào bừa bãi vì hành động này được xem như khấn vái.

Khi giao tiếp làm quen, bạn đừng bất ngờ khi gặp những câu không đầu không đuôi vì đây là cách để họ đánh giá bạn có tin cậy không.

Người Ấn rất coi trọng gia đình, mở đầu câu chuyện họ sẽ thường nói về gia đình, môn cricket (môn thể thao được ưa chuộng ở Ấn Độ), phong tục truyền thống...

Khi dùng bữa

Người Ấn được biết đến là ăn bằng tay, tuy nhiên đây là quy tắc ăn trong gia đình. Nếu dùng bữa với đối tác, đặc biệt là với người nước ngoài thì họ cũng thường dùng dao, thìa, dĩa như các nước khác.

Tuy nhiên, do đa dạng tôn giáo nên cách chế biến món ăn ở đây cũng rất khác, bạn cần lưu ý khi gọi món.

Cần lưu ý, bữa ăn thường bắt đầu rất muộn sau các thủ tục đón tiếp cầu kỳ, vì thế bạn nên lót dạ trước khi đến dự tiệc.

Không phải cứ “vâng” là đồng ý

Tại Ấn Độ, khi nói “vâng” không phải chỉ có nghĩa là đồng ý mà nó còn có thể là “không biết”. Nếu bạn nói “vâng” với thái độ ngại ngần, không thích thì “vâng” còn có thể hiểu là “không”.

Để tránh gây hiểu lầm cho đôi bên, bạn nên hạn chế đặt câu hỏi có không và nên nói rõ ý khi trả lời với đối phương.

Trong văn hóa giao tiếp người Ấn Độ, bạn không nên phê phán trực diện, từ chối hay bác bỏ ý kiến thẳng thừng. Điều này thể hiện sự thiếu tôn trọng, bất lịch sự và sẽ khiến đối phương không hài lòng và sẽ gây ra những xích mích không đáng có.

Theo baoquocte