leftcenterrightdel
 Hiện tượng 80-50 là tình trạng cha mẹ tuổi 80 phải chăm sóc những đứa con 50 tuổi mắc chứng "hikikomori"

Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA), số người bị bắt giữ hoặc bị điều tra vì nghi ngờ bỏ rơi cha mẹ hoặc không chôn cất sau khi họ qua đời đang gia tăng ở những nhóm người độ tuổi 40 trở lên.

Năm 2023, số người bị cảnh sát bắt giữ hoặc điều tra vì nghi ngờ bỏ rơi thi thể cha mẹ gồm 19 người ở độ tuổi 40, 52 người độ tuổi 50, 31 người độ tuổi 60 và 24 người từ 70 tuổi trở lên.

Hầu hết những người này đang bị thất nghiệp (57,9% người ở độ tuổi 40, 75,0% ở độ tuổi 50 và 77,4% độ tuổi 60).

Reiko Katsube, tổng thư ký Hội đồng Phúc lợi Xã hội Toyonaka tại thành phố Toyonaka thuộc tỉnh Osaka và là một nhân viên xã hội cộng đồng đã đặt ra thuật ngữ "vấn đề 80-50". Thuật ngữ này mô tả những người cha mẹ ở độ tuổi 80 chăm sóc vẫn phải chăm sóc những đứa con 50 tuổi mắc chứng "hikikomori", sống ẩn dật. Theo các nhà xã hội học Nhật Bản, khi tuổi thọ Nhật Bản ngày càng tăng thì thuật ngữ này có thể là "90-60".

Theo NPA, năm 2023 tại Nhật Bản, tình trạng con cái ở độ tuổi 40 bỏ mặc cha mẹ ngày càng tăng. Cơ sở dữ liệu cho thấy, năm 2023, ít nhất 20 người trên toàn quốc đã bị bắt với cáo buộc bỏ mặc cha mẹ. Hầu hết những người bị bắt đều thất nghiệp.

Tháng 6/2023, một người đàn ông 63 tuổi thất nghiệp ở tỉnh Kanagawa đã bị bắt vì nghi ngờ bỏ mặc thi thể người cha 95 tuổi trong 6 tháng. Ông đã thừa nhận các cáo buộc, và nói rằng không đủ khả năng chi trả cho việc tổ chức tang lễ.

Các cáo buộc sau đó đã được hủy bỏ.

Năm nay, một người đàn ông 60 tuổi thất nghiệp sống ở vùng Kanto, miền đông Nhật Bản đã bị bắt vì bị cáo buộc bỏ mặc người cha ngoài 90 tuổi. Người này sau đó bị nghi ngờ gian lận trong việc nhận tiền trợ cấp của người cha quá cố. Sau khi được tuyên án treo, ông nói: "Tôi không thể gọi cho bất kỳ ai. Và tôi không phải sống như thế nào sắp tới".

Theo khảo sát về điều kiện sống do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố năm 2019, Nhật Bản ước tính có khoảng 613.000 người từ 40 - 64 tuổi sống ẩn dật và con số này đã tăng lên hơn 840.000 vào năm 2023.

Phó giáo sư xã hội học Minoru Kawakita (Đại học Sư phạm Aichi), người am hiểu về thuật ngữ 80-50, chỉ ra rằng, ngày càng có nhiều trường hợp con cái bỏ mặc khi cha mẹ khi họ đau ốm, nhập viện.

Theo phụ nữ TPHCM