Sofia Abdullah (không phải tên thật của nạn nhân) bị ông nội xâm hại từ khi còn nhỏ. Ở tuổi 40, cô đã viết cuốn sách có tựa đề "The Years of Forgetting", kể về câu chuyện bị lạm dụng tình dục của chính mình, chia sẻ ảnh hưởng lâu dài của nó đối với cơ thể và cả những mối quan hệ của cô.

Ông nội cô đã mất từ lâu, nhưng bóng ma tâm lý vẫn đè nặng cô cho đến tận bây giờ.

Đã có giai đoạn, Sofia mắc chứng biếng ăn, bởi cô tin rằng việc có thể kiểm soát lượng thức ăn theo một cách ám ảnh là cách bù đắp cho sự mất kiểm soát khi cô còn nhỏ.

"Khi mới vào đại học, tôi có một người bạn trai. Lần đầu anh ấy hôn và chạm vào tôi, tôi run rẩy như chiếc lá trước gió. Tôi bối rối bởi đó là bạn trai, người mà tôi thực sự có tình cảm. Đáng ra tôi không nên như vậy", cô chia sẻ với CNA trong cuộc phỏng vấn qua Zoom.

                                              Những đứa trẻ bị lạm dụng có thể mang nỗi đau tâm lý đến khi trưởng thành.


"Có sự khác biệt giữa những gì đáng ra tôi nên cảm thấy và thực tế cách cơ thể tôi phản ứng với anh ấy. Đó cũng là biểu hiện đầu tiên cho thấy tôi cần sự giúp đỡ", cô nói.

Thế nhưng, trong suốt những năm tháng trưởng thành, Sofia không biết rằng mình cần được giúp. Cô không tâm sự với ai về việc bị lạm dụng ngoài mẹ, và đến hiện tại là các anh trai.

Sofia trải qua rối loạn phân ly sau khi bị ông nội lạm dụng tình dục thời thơ ấu. Cô đã thử nhiều cách để vượt qua nỗi đau, bao gồm trị liệu tâm lý. Mọi cách không hiệu quả, cho đến khi cô bắt đầu leo núi.

"Chính việc leo núi buộc tôi phải hợp nhất tâm trí và cơ thể. Nếu không quyết tâm thực hiện một động tác, cơ thể sẽ căng thẳng và ngã xuống. Nó buộc tôi phải chú tâm trong bất cứ việc gì đang làm. Mỗi bước tiến, tôi đã tìm đường để trở lại với chính mình".

Khi kẻ lạm dụng là người thân quen


Theo CNA, cần có một lộ trình rõ ràng và trải qua nhiều giai đoạn để giúp nạn nhân bị lạm dụng tình dục thời thơ ấu như Sofia có thể hồi phục, ngay từ khi vụ việc được phát hiện. Đầu tiên là các tổ chức xã hội cần giúp đỡ gia đình, trang bị cho con kỹ năng giữ an toàn.

Người phát ngôn của AWARE cho biết ngay cả khi một đứa trẻ hiểu rằng chúng đã bị lạm dụng, nhiều trẻ vẫn lo sợ rằng mình sẽ không được tin tưởng.

"Khi nạn nhân còn nhỏ và hung thủ là người quen của gia đình, người ta thường phản ứng bằng cách đổ lỗi cho đứa trẻ, bác bỏ cảm giác của chúng. Ngay cả những bậc cha mẹ yêu thương cũng có thể rất khó chấp nhận rằng vợ, chồng hoặc người thân của họ là kẻ bạo hành, lạm dụng".

                                             Nhiều đứa trẻ bị lạm dụng bởi chính người thân trong gia đình.


Harsharan Kaur, quản lý của nhóm can thiệp tại CPS (Dịch vụ Bảo vệ Trẻ em của Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình Singapore), chia sẻ rằng họ làm việc với các gia đình để khắc phục những gì đã xảy ra. Trong đó bao gồm chuẩn bị tinh thần cho trẻ trước những gì sắp xảy ra và cuối cùng giúp đứa trẻ trở về với gia đình.

"Nhiều khi gia đình phản ứng rất dữ dội. Một số người trong số họ bị sốc, đó là điều đương nhiên. Gia đình phải mất một thời gian để chấp nhận sự thật", bà nói.

Sau khi tiết lộ về việc trẻ lạm dụng, CPS cũng làm việc với các gia đình để đảm bảo họ nhận được sự hỗ trợ thiết thực. Kẻ bạo hành bị cáo buộc, người có thể phải rời khỏi nhà, có thể chính là trụ cột duy nhất của gia đình.

"Chúng tôi giúp gia đình hiểu được những gì đứa trẻ đang phải trải qua. Nếu đứa trẻ trở về với gia đình sau mọi chuyện, chúng tôi không muốn trẻ bị đổ lỗi", bà Kaur nói thêm.

Hầu hết trường hợp mà CPS xử lý liên quan đến lạm dụng trong gia đình có thể là "trải nghiệm rất mâu thuẫn" đối với đứa trẻ.

“Kẻ lạm dụng có thể là cha mẹ, người chăm sóc chính hoặc anh chị em của trẻ. Dù thế nào, chúng không thể chối bỏ mối quan hệ. Dù muốn dù không, những đứa trẻ vẫn có thể phải tiếp xúc với kẻ bạo hành mình".

Nỗi đau dai dẳng
Trong trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục, các cuộc phỏng vấn và khám nghiệm pháp y sẽ thực hiện tại bệnh viện, đồng thời bởi bác sĩ và các sĩ quan được đào tạo đặc biệt để giúp đỡ nạn nhân của tội phạm tình dục.

Điều này làm giảm những tổn thương mà các nạn nhân trẻ em phải đối mặt, tránh phải đi đến các địa điểm khác nhau và kể lại các vụ lạm dụng với từng chuyên gia khác nhau qua các cuộc phỏng vấn lặp đi lặp lại.

Lực lượng Cảnh sát Singapore (SSPF) lưu ý vì các nạn nhân là trẻ em “thường bị tổn thương và đôi khi xấu hổ vì câu chuyện của họ”, cảnh sát cũng làm việc với các nhân viên Victim Care Officers, những người cung cấp cho các nạn nhân sự hỗ trợ về mặt tinh thần. Những sĩ quan này có bằng cấp liên quan trong các lĩnh vực như tâm lý học, công tác xã hội và tư vấn, được đào tạo về chăm sóc nạn nhân.

Các nhân viên điều tra cần phải kiên nhẫn với các nạn nhân là trẻ em vì chúng nhiều khi không thể “kể chi tiết các tình tiết hoặc tường trình rõ ràng về vụ việc” do cảm thấy sợ hãi, tức giận, lo lắng, khó chịu hoặc thậm chí tội lỗi về những gì đã xảy ra.

                                             Những đứa trẻ cần được giúp đỡ để vượt qua ám ảnh tâm lý.


Theo các chuyên gia, tác động của lạm dụng tình dục trẻ em đối với mỗi người là khác nhau, một số chịu “rất ít ảnh hưởng”, trong khi những người khác phải chịu “khó khăn liên quan đến lạm dụng”.

Một trong những tác động lâu dài là phải đấu tranh với các mối quan hệ giữa các cá nhân.

Trong các mối quan hệ mà sự tin tưởng bị đặt không đúng chỗ, khi những người lớn tuổi (hoặc thậm chí là thanh thiếu niên) lạm dụng trẻ nhỏ như đối tượng để thỏa mãn ham muốn thể xác sẽ tạo nên suy nghĩ sai lệch về ý nghĩa của việc được yêu thương.

Nạn nhân có thể coi các mối quan hệ là xấu và gặp khó khăn trong việc hình thành các mối quan hệ trong tương lai, cũng có thể bị ức chế tình dục hoặc trở nên ham muốn tình dục quá mức.

Một nạn nhân bị lạm dụng tình dục trong thời thơ ấu không vượt qua được ám ảnh tâm lý có thể có hành vi lạm dụng những đứa trẻ khác khi chúng lớn lên, như một cách để đối phó với nỗi đau.

PGS cho biết các vấn đề khác mà một số nạn nhân có thể gặp phải trong cuộc sống sau này bao gồm triệu chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành khi nạn nhân “tái trải qua hành vi lạm dụng”.

Một số người có thể bị “tê liệt tâm lý”, mất trí nhớ về các sự kiện đau buồn. Họ có thể trải qua cảm giác “rã rời” hoặc tái trải nghiệm chấn thương tâm lý.

Theo Zing