Đây không phải là thực tế hiếm gặp trong các bệnh viện ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Các nhà hoạt động nhân quyền ước tính, có hàng nghìn trẻ em ở UAE, trong đó có nhiều trẻ là con của người lao động nhập cư từ châu Phi và châu Á, không có giấy khai sinh vì bệnh viện giữ giấy tờ hoặc vì là con ngoài giá thú. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ đơn thân thường bị từ chối cấp giấy khai sinh vì quan hệ tình dục ngoài hôn nhân là bất hợp pháp ở nước này.

Từ những gia đình không đủ khả năng trả viện phí…

UAE là một trong những quốc gia giàu có trên thế giới với tiêu chuẩn giáo dục và chăm sóc y tế tư nhân tốt. Tuy nhiên, với những trẻ em không có giấy tờ tùy thân, các dịch vụ cơ bản này là ngoài tầm với.

Chinwe, người làm công việc trợ giảng với mức lương ít ỏi trong khi chồng thì thất nghiệp, cho biết, tình trạng của các con khiến gia đình cô sống trong sợ hãi. "Chúng tôi chưa bao giờ ngừng lo lắng. Chúng tôi hầu như không ra ngoài. Hầu hết thời gian chồng tôi đều ở nhà vì không muốn gặp rắc rối với cảnh sát", Chinwe cho biết.

Mặc dù việc giữ giấy tờ trong những trường hợp chưa thanh toán viện phí là bất hợp pháp nhưng nhiều cha mẹ đành làm ngơ vì sợ báo cảnh sát và phải chịu trách nhiệm pháp lý về khoản nợ.

Pearl, 32 tuổi, một phụ nữ Philippines làm nhân viên nhà hàng, sinh con gái vào tháng 3 năm ngoái tại một bệnh viện công ở Dubai. Em bé sinh non và chi phí cho hai tháng ở phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh lên tới 29.000 USD (tương đương hơn 662 triệu đồng), hơn 3 năm tiền lương của Pearl. Người phụ nữ không đủ khả năng chi trả. Vì vậy, bệnh viện không cung cấp các giấy tờ cần thiết để con cô đăng ký khai sinh.

Ekaterina Porras Sivolobova, Giám đốc của Do Bold, một tổ chức hỗ trợ lao động nhập cư, cho biết trong một số trường hợp, phụ nữ không có bảo hiểm hoặc khả năng chi trả sẽ bị từ chối chuyển đến phòng cấp cứu khi chuyển dạ. Sivolobova nói: "Những bà mẹ khác buộc phải nộp hộ chiếu trước khi xuất viện nếu chưa trả hết viện phí. Năm ngoái, một bệnh viện đã đe dọa sẽ tách con ra khỏi người mẹ vì chưa thanh toán đủ tiền".

…đến những người sinh con ngoài giá thú

Quan hệ tình dục ngoài hôn nhân là bất hợp pháp, theo luật Hồi giáo của UAE, nhưng quy định này đã được bãi bỏ vào tháng 11/2020. Tuy nhiên, một số bệnh viện vẫn báo cảnh sát khi phụ nữ độc thân sinh con. "Tháng 8 năm ngoái, sau khi sinh con, một phụ nữ chưa kết hôn đã bị còng tay và bị bắt", luật sư Ludmila Yamalova ở Dubai nói.

Tháng 1 năm nay, Luật Hồi giáo lại được thay đổi. Theo đó, sinh con ngoài giá thú sẽ bị phạt 2 năm tù. Song, luật mới cũng bao gồm một số giải pháp tránh bị truy tố, như cha mẹ của đứa trẻ kết hôn hoặc làm các thủ tục hành chính để đứa trẻ được thừa nhận. Tuy nhiên, đối với người lao động nhập cư, chi phí thực hiện điều này có thể rất cao. Mặt khác, người lao động nhập cư khó có thể trở về nước sinh con. Ngoài việc không có khả năng trả chi phí đi lại, nhiều lao động nhập cư ở UAE còn bị buộc phải giao hộ chiếu cho chủ sở hữu lao động trong khi việc lấy lại không dễ dàng.

Kate, một phụ nữ 32 tuổi đến từ Philippines làm việc ở Dubai, biết mình có thể bị bắt nếu đến bệnh viện sinh con mà chưa kết hôn. Thay vào đó, cô tìm một bà đỡ trên thị trường "chợ đen". "Điều đó là bất hợp pháp, bà đỡ cũng rất lo sợ. Tôi không thể hét lên và phải sinh con trong im lặng, như vậy rất khổ sở", Kate cho biết. Mặc dù đã tìm mọi cách, cô vẫn không thể xin được giấy khai sinh cho con. Đứa trẻ vẫn chưa được tiêm chủng khiến người mẹ này rất lo lắng.

Đại dịch Covid-19 đã làm cho vấn đề trở nên cấp bách hơn. Mất việc làm khiến người di cư gặp khó khăn để đáp ứng các nhu cầu cơ bản trong khi họ không thể trở về quê vì con cái không có giấy tờ. Froilan Malit Jr., một chuyên gia về di cư tại Đại học Cambridge, nói: "Đó là nhóm đối tượng vô hình, những người đang đối mặt với nhiều khó khăn. Áp lực đối với các bà mẹ ngày càng gia tăng".

Ngọc Kim