"Em không biết mọi người đang nói về điều gì", Will thốt lên. Giáo viên và các bạn cùng lớp nhắc lại cho cậu bé về việc em đã trả lời các câu hỏi về chủ đề này thành thạo như thế nào ở buổi học trước. "Em chưa bao giờ nhìn thấy chúng", Will khẳng định. Em trở nên tuyệt vọng đến mức giáo viên phải đưa Will tới phòng y tế trường.
Tình trạng này, xảy ra hồi đầu năm nay, là một trong nhiều xáo trộn xảy ra với Will Grogan, 15 tuổi, sau khi em nhiễm nCoV hồi tháng 10 năm ngoái, bên cạnh các vấn đề khác như thường xuyên mệt mỏi và đau chân.
Will Grogan bên góc học tập tại nhà của em ở Dallas. Ảnh: NYTimes.
Trong khi thanh thiếu niên trên khắp nước Mỹ đang chuẩn bị trở lại trường học, rất nhiều học sinh lại phải vật lộn với những di chứng kéo dài về thần kinh, thể chất và tinh thần vì Covid-19 với mức độ và thời gian khác nhau.
Các nghiên cứu ước tính di chứng Covid-19 có thể ảnh hưởng tới 10-30% số bệnh nhân trưởng thành từng nhiễm virus.
Tại một phiên điều trần của quốc hội Mỹ hồi tháng 4, bác sĩ Francis Collins, giám đốc Viện Y tế Quốc gia, đã dẫn một nghiên cứu cho thấy 11-15% thanh thiếu niên mắc Covid-19 có thể phải chịu các hậu quả lâu dài gây ảnh hưởng lớn đến mọi mặt cuộc sống, trong đó có cả học tập.
Các bác sĩ cho biết ngay cả những trẻ em nhiễm nCoV có triệu chứng nhẹ hoặc không biểu hiện triệu chứng cũng đối diện nguy cơ gặp phải những di chứng lâu dài.
"Tác động tiềm ẩn là rất lớn", tiến sĩ Avindra Nath, trưởng khoa nhiễm trùng thần kinh tại Viện Quốc gia về Thần kinh và Đột quỵ, cho biết. "Các em đang trong giai đoạn phát triển, nếu cảm thấy bị tụt hậu so với bạn bè cùng trang lứa, bọn trẻ sẽ cảm thấy mất tự tin và điều này thực sự khó khăn với chúng".
Will là một tay vợt tennis tài năng, một học sinh năng động, thông minh, yêu thích học ngoại ngữ đến mức em chọn học cùng lúc cả tiếng Pháp lẫn tiếng Arab.
Cậu bé từng nói "ngủ trưa là việc gây lãng phí ánh nắng". Nhưng Covid-19 đã khiến Will mệt mỏi đến mức không thể rời khỏi giường trong 35 ngày. Em thường xuyên chóng mặt đến mức phải ngồi tắm để không bị ngã dưới vòi hoa sen.
Khi trở lại trường học ở Dallas, chứng "sương mù não", một dạng rối loạn chức năng nhận thức, khiến Will nhìn thấy "những con số trôi ra khỏi trang sách toán", quên nộp bài luận lịch sử về Samurai Nhật Bản mà em mới viết ngày hôm trước và thậm chí chèn những đoạn tiếng Pháp vào một bài tập tiếng Anh.
"Điều này thực sự đáng sợ", Will chia sẻ.
Theo Học viện Nhi khoa Mỹ, gần 4,2 triệu thanh thiếu niên nước này đã mắc Covid-19. Tại Bệnh viện Nhi Boston, nơi đang tiến hành một chương trình nghiên cứu về những di chứng lâu dài của Covid-19, các bác sĩ nhận thấy rất nhiều vấn đề mà các em gặp phải, từ mệt mỏi, đau đầu, sương mù não, khó khăn về ghi nhớ, tập trung cho đến rối loạn giấc ngủ, thay đổi liên tục cảm nhận về mùi vị.
Theo tiến sĩ Molly Wilson-Murphy, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thần kinh tại Bệnh viện Nhi Boston, hầu hết bệnh nhân là "trẻ em mắc Covid-19 nhưng không nhập viện, tự hồi phục ở nhà sau đó gặp phải các triệu chứng không thể mất đi". Một số em khỏe mạnh hoàn toàn nhưng sau vài tuần hoặc lâu hơn, những triệu chứng bất thường bắt đầu xuất hiện.
Tiến sĩ Amanda Morrow, đồng giám đốc phòng khám nhi khoa hậu Covid-19 tại Viện Kennedy Krieger ở Baltimore, cho biết điều trị sớm có thể giúp các em hồi phục tốt, song cần sự can thiệp của nhiều chuyên gia và phương pháp khác nhau, bao gồm tập thể dục, liệu pháp hành vi nhận thức, điều chỉnh giấc ngủ và thuốc cho các vấn đề về hô hấp hay tiêu hóa.
"Chúng tôi chưa có bất kỳ dự đoán chính xác nào về việc ai sẽ dễ bị di chứng, mức độ ảnh hưởng đến đâu và tiến trình hồi phục diễn ra như thế nào", tiến sĩ Wilson-Murphy nói. "Chúng tôi không có phương pháp điều trị màu nhiệm nào cả".
Hầu hết thông tin về các di chứng lâu dài của Covid-19 đến nay vẫn mơ hồ. Một số triệu chứng giống với hậu quả của chấn động và chấn thương não. Số khác, như tình trạng khó chịu sau gắng sức lại là biểu hiện của hội chứng mệt mỏi mạn tính.
Một số bệnh nhân lại xuất hiện hội chứng nhịp tim nhanh ở tư thế đứng (POTS) khiến họ choáng váng và nhịp tim tăng lên mỗi khi chuyển từ ngồi hay nằm sang đứng.
Nhiều bác sĩ đã gặp các thanh thiếu niên mắc di chứng Covid-19 từng gặp các vấn đề như đau nửa đầu hoặc lo lắng, nhưng không rõ liệu giữa chúng có mối quan hệ nào hay không.
Trước dịch, Sierra Trudeau bị chẩn đoán mắc chứng lo âu sau khi cha mẹ em ly hôn. Hồi tháng 5, nửa năm sau khi mắc Covid-19, các di chứng của Sierra khiến mẹ em, Heather Trudeau, lo ngại đến mức bà quyết định lái xe vượt 80 km đưa cô bé đến Bệnh viện Nhi Boston khám.
Sierra Trudeau trong một lần đi khám bác sĩ về các di chứng hậu Covid-19. Ảnh: NYTimes.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi mùa xuân, Sierra, 12 tuổi, và mẹ em cho biết cô bé thường xuyên mệt mỏi, đau đầu, hay quên cùng vài triệu chứng khác.
"Con có thấy lo lắng và sức khỏe tinh thần của con, chẳng hạn như cảm xúc, có tồi tệ hơn không?", Heather hỏi.
"Có ạ", cô bé trả lời.
"Bất cứ thứ gì cũng đều có thể khiến con bé khóc và đây không phải con tôi thường ngày", Heather nói. "Mọi chuyện thật sự khó khăn với hai mẹ con tôi".
Một dấu hiệu lạc quan với Sierra là khứu giác và vị giác của em đã trở lại hồi mùa xuân.
Cuối tháng trước, mẹ Sierra cho hay các triệu chứng em gặp phải đã cải thiện, một phần do loại thuốc chống trầm cảm và chống lo âu mới. Dù vậy, "năng lượng của con bé vẫn thay đổi theo từng ngày".
"Chúa ơi, tại sao mình luôn ốm yếu vậy", Messiah Rodriguez, 17 tuổi, tự hỏi. Trước khi mắc Covid-19 vào dịp Lễ Tạ ơn, cậu chưa bao giờ gặp bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe.
Là thành viên tích cực của đội bóng rổ trường học nhưng Messiah đã phải nghỉ chơi sau khi phải chạy khỏi sân và nôn vào ba lô của mình trong hai trận đấu.
"Tôi chưa bao giờ gặp phải chuyện gì như thế. Tôi vẫn chơi thể thao từ bé đến lớn", Messiah nói. Cậu mới đây thử chơi lại bóng rổ nhưng bị đau lưng và bác sĩ khuyên Messiah nên tiếp tục nghỉ ngơi.
"Messiah là một trong những em bị ảnh hưởng nhiều nhất mà tôi gặp", bác sĩ Alexandra Yonts từ Bệnh viện Nhi Quốc gia ở Washington cho hay.
Messiah Rodriguez, 17 tuổi, bị di chứng Covid-19 cả về thể chất lẫn tinh thần. Ảnh: NYTimes.
Messiah cũng xuất hiện các vấn đề về sức khỏe tâm thần hậu Covid-19. Cậu đang dùng thuốc chống trầm cảm, lo âu và gặp bác sĩ trị liệu tâm lý hàng tuần.
"Nó giống như hội chứng lo âu xã hội", Messiah nói. Cậu từng rất thoải mái trò chuyện và giao lưu với mọi người xung quanh, nhưng sau khi mắc Covid-19, Messiah "luôn tránh né mọi người để không phải giao tiếp".
Messiah bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn điều chỉnh hành vi, một tình trạng mà theo như bác sĩ Yonts mô tả, nó khiến cậu bị trầm cảm, lo âu hay gặp các vấn đề tâm thần khác khi đối diện với những sự kiện lớn trong đời. Trong trường hợp của Messiah, tác nhân kích hoạt "có thể là Covid-19 và phản ứng miễn dịch đã xảy ra trong cơ thể".
8 tháng sau khi điều trị, một số triệu chứng của Messiah đã thuyên giảm. Những triệu chứng khác, như thở dốc khi leo cầu thang, vẫn còn.
Trong các lớp học ở trường, Messiah, một học sinh xuất sắc, mô tả cậu có cảm giác như tâm trí mình "luôn đến một nơi khác".
Trong một cuộc hẹn hồi tháng 6 tại Bệnh viện Nhi Quốc gia, bác sĩ chuyên khoa thấp khớp Abigail Bosk cho biết tình trạng của Messiah giống với suy nhược hơn là mệt mỏi thông thường. Khả năng thể thao của Messiah có thể hồi phục nhưng cậu "không nên quá thúc ép", bác sĩ lưu ý.
Messiah hiện tại duy trì ít nhất hai sở thích là đánh đàn piano và làm thơ.
Với Will Grogan, thiếu niên tới từ Dallas, em và gia đình đến giờ vẫn cảm thấy bối rối.
"Mọi chuyện thật khó hiểu, đó là cảm giác bất lực của người làm cha mẹ", Whiney Grogan, mẹ của Will, chia sẻ.
Với một số bài tập và bài kiểm tra được giảm độ khó, Will vẫn có thể duy trì điểm số cao. Khoảng 6 tháng sau khi mắc Covid-19, em tham gia đội tennis của trường nhưng khả năng phối hợp giữa tay và mắt tuyệt vời thường thấy đã không còn.
"Em thường bỏ lỡ bóng", Will nói. "Lúc đó, em thường tự hỏi 'thôi nào Will, chuyện gì đang xảy ra với mày vậy?'".
Ngực và chân trái của Will bị đau khiến em phải tìm tới bác sĩ Kathleen Bell, trưởng khoa y học vật lý và hồi phục chức năng tại Trung tâm Y tế Tây Nam Đại học Texas. Bác sĩ khuyên Will không nên quá gắng sức.
Cuối cùng, Will cũng có thể thi đấu. Các triệu chứng của em đã được cải thiện đáng kể nhưng chưa hồi phục 100%.
"Em không phải là một cậu bé ủy mị nhưng mọi chuyện xảy ra đã biến em thành một người hay lo lắng", Will cho hay. "Trước đây, suy nghĩ của em về Covid-19 là nếu mình bị nhiễm, mình sẽ vượt qua nó và có kháng thể, đây cũng là điều tốt. Nhưng Chúa ơi, em không bao giờ muốn trải qua nó một lần nữa. Không bao giờ".
Theo vnexpress