Cầm trên tay chiếc áo bông ướt sũng được Hội Chữ thập đỏ thành phố tặng hai ngày trước, Cao Cường ngồi bệt xuống, thở dài.

Những người sống trong hầm đi bộ cùng anh lục đục quay trở lại dọn dẹp đồ đạc. Họ là những người ngoại tỉnh mắc kẹt lại Vũ Hán từ khi dịch Covid-19 bùng phát. "Chúng tôi không còn tiền để thuê một nơi ở tươm tất", người đàn ông 37 tuổi đến từ tỉnh An Huy chia sẻ.

Cao Cường đến Vũ Hán làm công nhân xây dựng thời vụ được vài năm. Ngày 23/1 khi thành phố đóng cửa, anh không kịp trở về nhà. Những ngày đầu, người đàn ông này tá túc tại nhà trọ giá rẻ nhưng mọi thứ ngày càng trở nên đắt đỏ. "Thực phẩm tăng lên chóng mặt. Mỗi ngày tôi tiêu ít nhất 100 tệ", Cao nói và cho hay sau vài ngày anh cạn túi.

Không có tiền lại không được ra khỏi thành phố, Cao dồn hết tiền mua mì gói và quyết định ngủ trên đường. Sáng sáng anh lang bạt khắp nơi trong thành phố xin việc nhưng chẳng nơi nào nhận.  

Đường hầm dành cho người đi bộ ở quận Vũ Xương, Vũ Hán - nơi Cao Cường và 10 người khác đang tá túc qua ngày. Ảnh: qq.

Đường hầm dành cho người đi bộ ở quận Vũ Xương, Vũ Hán - nơi Cao Cường và 10 người khác đang tá túc qua ngày. Ảnh:qq.

Hai tuần trước, tình cờ anh lê bước vào hầm đường dành cho người đi bộ ở quận Vũ Xương. Do mệt mỏi, chân lại sưng nên anh ngồi xuống dựa lưng vào tường. Tiếng thở hắt của Cao Cường đánh động người đàn ông bên cạnh. Người này đã đưa sang một miếng bìa cứng, bảo anh nằm xuống nghỉ ngơi. Đó là Thịnh Khoan, 50 tuổi, làm nghề tự do ở Vũ Hán đã 15 năm.

Cao Cường và Thịnh Khoan chỉ là hai trong số hơn chục người đang sinh sống tại hầm đi bộ ở quận Vũ Xương, Vũ Hán. Không có nhà để về, tiền trong túi cũng hết, họ đành phải tá túc ở nơi công cộng chờ ngày thành phố mở cửa trở lại.

"Khẩu phần thức ăn của tôi là một gói mì tôm mỗi ngày. Chỉ ăn bữa tối", Cao nói và quay sang những người nằm la liệt bên cạnh mình thở dài: "Đã có người ở đây phải tìm thức ăn ở thùng rác. Nhưng giờ chỉ có thùng rác tại các bệnh viện mới có thức ăn cho họ".

"Tôi dù chết đói cũng không dám ăn đồ ăn thừa ở đó. Đó là một ổ virus", Cao nói.

Người đàn ông tìm kiếm thức ăn trong thùng rác mà Cao nhắc đến mới 27 tuổi, họ Lưu. Người này đến Vũ Hán từ tháng 9 năm 2019 và không tìm được việc sau khi thành phố đóng cửa.

Lưu rất cảnh giác với người lạ vì sợ bị chụp ảnh, anh nói: "Tôi là một người tay chân, đầu óc bình thường. Chỉ là tôi gặp khó khăn ở thời điểm dịch bệnh. Đừng chụp khi chúng tôi kiếm thức ăn từ thùng rác hay người khác đưa cho, điều đó thật xấu hổ".

Không có nơi để ở, Lưu rất lo lắng mỗi khi trời mưa bởi hầm đi bộ rất dễ bị ngập. Thế nhưng lý do để anh vẫn bám trụ ở đường hầm là bởi nơi này ít người qua lại, khả năng lây lan dịch bệnh vì thế cũng được hạn chế.

Cao Cường và Thiện Khoan chờ đến tối để xin nước nóng ở một bệnh viện gần đó để nấu mì tôm. Có ngày họ chỉ ăn 1 bữa. Ảnh: qq.

Cao Cường và Thiện Khoan chờ đến tối để xin nước nóng ở một bệnh viện gần đó để nấu mì tôm. Nhiềungày họ chỉ ăn 1 bữa. Ảnh:qq.

Gần đây, có nhiều tổ chức từ thiện đã đến hầm để trao cho những người như Lưu, Cao khẩu trang và mì ăn liền. Có ngày, họ nhận được 2 hộp cơm với thức ăn đủ chất dinh dưỡng. Những lúc như vậy, Cao chỉ dám ăn một hộp, hộp còn lại dành cho ngày tiếp theo. Hàng ngày, tầm 8-9h sáng, nhân viên y tế đến đường hầm để đo nhiệt độ và yêu cầu họ đeo khẩu trang.

Nhưng không phải ai cũng đối xử hòa nhã như vậy. Những công nhân rửa đường nhiều lần đuổi không được đã phun nước trực tiếp vào đồ đạc. "Chẳng ai dám phản kháng vì họ làm đúng quy định. Dù sao chúng tôi cũng chỉ là đối tượng thấp kém của xã hội", Lưu nói, "Tôi trông chờ đến ngày Vũ Hán mở cửa trở lại để có thể đi làm, không phải sống ở đường hầm nữa".

Nhưng hơn một tháng qua, những người như Lưu vẫn chỉ lầm lũi sống trong sự ngóng trông mòn mỏi.

Thông tin về những người ngoại tỉnh sống lang bạt ở đường hầm quận Vũ Xương đã nhận được phản hồi từ chính quyền thành phố Vũ Hán. Theo đó, họ sẽ nhận được sự giúp đỡ từ chính quyền thành phố để khắc phục khó khăn trong những ngày dịch bệnh.

"Ngay cả khi chính quyền sắp xếp nơi ở mới, tôi cũng không muốn đi", ông Thịnh Khoan khẳng định. Năm 2014, một lần ông nhận được giúp đỡ, nhưng ở được vài ngày bị bắt đóng 300 tệ.

Còn với những người khác, ngoài sợ bị thu phí, họ còn sợ bị nhiễm bệnh khi phải sống tập trung. "Chúng tôi sẵn sàng ở trong đường hầm này chứ nhất quyết không đến nơi quá đông người", Lưu nói.

Mấy hôm nay, Lưu tìm được một đường hầm mới, khá sáng sủa và chưa có người ở. Vừa vác đống đồ lỉnh kỉnh xuống đường hầm, anh bị một bảo vệ chặn lại. "Đây là nơi công cộng, không được ở", người này quát.

Lưu lại lững thững ra về, phía sau người bảo vệ với chiếc khẩu trang kín mặt lắc đầu tỏ thái độ ái ngại: "Dịch bệnh khiến nhiều người khổ quá".

Theo vnexpress