Trong lúc cố tìm kiếm quốc lộ Alaskan, chiếc máy bay cỡ nhỏ do Flores điều khiển đâm vào khu rừng ở khu vực lãnh thổ Yukon tại Canada. Flores và Helen Klaben, 20 tuổi, một phụ nữ người New York, hành khách duy nhất mà anh chở, mắc kẹt tại Yukon. Flores bị gãy xương hàm và nhiều xương sườn, còn Klaben gãy tay trái, chân bị thương.
Họ chống chọi suốt 49 ngày trong thời tiết âm hàng chục độ C, sống trong lều chế từ bạt, đệm, quần áo dự phòng. Cả hai đều không được huấn luyện kỹ năng sinh tồn trong tự nhiên. Flores cố sửa thiết bị liên lạc vô tuyến trên máy bay để gửi tín hiệu cầu cứu và đào bẫy thỏ nhưng thất bại.
Họ chỉ có đúng một con dao đi săn và một hộp diêm. Vài hộp cá mòi, cá ngừ, salad hoa quả và bánh quy mà họ mang theo hết sạch sau 10 ngày đầu.
29 ngày tiếp theo, họ cầm cự bằng cách đun tuyết lấy nước uống. Tuýp kem đánh răng mang theo cũng bị ăn sạch.
"Chúng tôi tưởng tượng tuyết đun chảy là món súp", Klaben kể lại khi được giải cứu. "Hôm thì tưởng tượng đó là cà chua, thịt bò, những món ngon lành khác".
Họ đọc sách để giết thời gian, thậm chí Flores còn cố thuyết phục Klaben chuyển đổi đức tin từ Do thái sang Mặc Môn. Đầu tháng 3, Flores rời Klaben trong 8 ngày, đi bộ xuống sườn núi hiểm trở bằng đôi giày bện từ cành cây và dây điện. Anh tìm được một khoảng trống trong khu rừng, nơi máy bay tìm kiếm có thể nhìn thấy tín hiệu cầu cứu từ trên cao. Flores quay lại đón Klaben. Họ lên đường tới chỗ trống vào ngày thứ 42, kéo theo đồ đạc.
Vài ngày sau, Flores một lần nữa để Klaben ở lại, đi tìm một cái ao đóng băng, khắc lên tín hiệu cầu cứu SOS khổng lồ với mũi tên chỉ vào nơi họ cắm trại, với hy vọng sẽ có người nhìn thấy nó từ trên cao.
Charles Hamilton, một phi công bay tiếp tế phát hiện tín hiệu SOS hôm 24/3 và nhìn thấy Klaben ở nơi cắm trại, còn Flores đang vẫy tay, dùng gương ra tín hiệu. Hai người được giải cứu sau 49 ngày gặp tai nạn.
James Scott, 22 tuổi, sinh viên y người Australia, đến Nepal để leo núi Himalaya vào 22/12/1991. Khi cố vượt qua ngọn đèo dài 4 km, anh gặp bão tuyết và lạc phương hướng. Quân đội Nepal, hướng dẫn viên và chó nghiệp vụ lập tức được triển khai. Đại sứ quán Australia còn treo thưởng 2.500 USD cho người tìm thấy Scott, bất kể sống hay chết, nhưng không ai tìm thấy anh suốt hơn một tháng.
Sau 43 ngày, một máy bay tuần tra phát hiện Scott khi anh vẫy chiếc túi ngủ màu xanh. Khi được giải cứu, kền kền đang bay lượn trên đầu chờ ăn thịt Scott. Anh sụt một phần ba trọng lượng cơ thể nhưng vẫn duy trì lạc quan bằng cách nhớ lại những lúc vui vẻ và kỹ thuật môn thể thao karate mà anh ưa thích.
Scott sống nhờ uống nước tuyết và một con sâu bướm cùng hai thanh sôcôla. Anh thiếu vitamin và dinh dưỡng, nhưng ngạc nhiên là không bị đông hỏng tứ chi.
"Cậu ấy không ăn gì suốt 40 ngày, sống nhờ tuyết và băng. Thật đáng kinh ngạc", bác sĩ Garlick, người điều trị cho Scott sau khi anh được giải cứu, nói.
Barry Horne, người Anh, là một nhà hoạt động vì quyền động vật trong các phong trào cuối những năm 1990 - 2000. Ông bị bắt năm 1996 vì phóng hỏa cửa hàng dược, đồ da và từ thiện của các quỹ nghiên cứu ung thư, những nơi mà Horne coi là tổ chức ngược đãi động vật.
Bị kết án 18 năm tù cuối năm 1996, Horne bắt đầu cuộc tuyệt thực đầu tiên năm 1997 dài 35 ngày, thu hút sự chú ý của giới truyền thông và kết quả là Công đảng phải cam kết cấm hoạt động giải phẫu động vật còn sống. Gây được tiếng vang, Horne tiến hành tuyệt thực lần hai vào tháng 8/1997 và lần ba vào cuối tháng 10/1998, trong nỗ lực thuyết phục chính phủ mở điều tra công khai về thử nghiệm trên động vật khi vẫn đang thụ án.
Đến ngày thứ 66, Horne bị ảo giác, điếc một tai và mù một bên mắt, không nhớ rõ lý do mình tuyệt thực. Sau 68 ngày, ông đồng ý chấm dứt thử thách để được đưa vào bệnh viện.
Horne không bao giờ bình phục hoàn toàn sau cuộc tuyệt thực lần này. Ông tiếp tục thực hiện vô số cuộc tuyệt thực nữa trong tù mà không có bất kỳ chiến lược truyền thông cũng như hỗ trợ nào. Năm 2001, sau hàng loạt cuộc tuyệt thực thất thường và suy giảm sức khỏe, Horne chết vì suy gan sau khi từ chối điều trị y tế.
Horne được những người bảo vệ quyền động vật coi là một liệt sĩ dũng cảm với tinh thần bất khuất, nhưng với truyền thông và chính trị gia, Horne lại bị coi là một kẻ khủng bố cực đoan trong phong trào bảo vệ quyền động vật.
Trường hợp được cho là nhịn ăn uống kỳ lạ và gây tranh cãi nhất mà vẫn sống sót sau hàng chục năm là tu sĩ Ấn Độ Prahlad Jani. Ông sinh năm 1929, tuyên bố hoàn toàn không ăn uống từ năm 7 tuổi sau khi vào rừng tu ẩn. Jani tin mình được nữ thần ban thuốc "trường sinh bất lão" nên không cần ăn uống.
Các nhà khoa học Ấn Độ đã tiến hành hai thử nghiệm năm 2003 và 2020 với Jani. Ông bị giám sát 24/24h, không được tiếp xúc với nước, ga giường và quần áo được kiểm tra kỹ để phát hiện dấu vết phân, nước tiểu. Kết quả khiến giới khoa học kinh ngạc, vì sức khỏe Jani vẫn bình thường, không có dấu hiệu suy kiệt. Ông qua đời hôm 26/5 tại nhà riêng, thọ 90 tuổi.
Theo vnexpress