Diệp Hải Dương vốn mạnh mẽ từ nhỏ nên sau khi tốt nghiệp đại học, cô từ chối mọi sự mai mối của bố mẹ, quyết định không kết hôn và chuyển đến lập nghiệp ở Quảng Châu. Bằng sự nỗ lực, cô có thương hiệu mỹ phẩm của riêng mình, kinh tế dư dả.
Sự nghiệp tiến dài so với bạn bè cùng trang lứa nhưng Diệp không có chút tiến triển nào trong chuyện tình cảm dù là người hiền lành và thích không khí gia đình. Mỗi khi đi làm về, nhìn căn phòng rộng lớn, trong lòng Diệp thấy vô cùng trống trải.
"Con không muốn tiếp tục sống một mình", cô nói với mẹ. Cuối cùng Diệp quyết định tự mình sinh con mà không lấy chồng, sau khi suy tính rất lâu về phương án này. Về tài chính, cô tích lũy đủ tài sản để đảm bảo các con lớn lên trong sự sung túc. Về tinh thần, cô cũng chuẩn bị tâm thế đối mặt khó khăn khi những đứa trẻ xuất hiện trong đời.
Diệp Hải Dương đến Mỹ và lựa chọn tinh trùng của một người đàn ông tốt nghiệp khối trường đại học Ivy League (nhóm 8 trường đại học hàng đầu nước Mỹ). Với chi phí lên tới 500.000 tệ, sau khi thụ tinh ống nghiệm, cô đã mang thái một bé gái.
Mặc dù chuẩn bị sẵn tâm lý, không bị ốm nghén, nhưng mỗi lần đi khám thai, thấy người khác đi cùng chồng, cô lại thấy tủi thân. Thêm vào đó, cân nặng khi mang thai vượt hơn 90 kg khiến Diệp, người vốn sống lạc quan, đã bị trầm cảm. Thời điểm này, cô thường khóc vô cớ, tự ti mỗi khi ra ngoài, chỉ mong ngóng càng sinh sớm càng tốt.
Nhưng ngày con gái được sinh ra, trái tim người mẹ đã tan chảy ngay từ cái nhìn đầu tiên. "Bao nhiêu khó khăn lúc đó tan biến. Không gì quan trọng hơn là con cái khỏe mạnh". Diệp đặt tên con gái đầu là Doris, có nghĩa là món quà từ biển cả.
Nuôi dạy con một mình, Diệp phải đóng vai làm mẹ, làm cha, chịu nhiều vất vả khổ sở. Ban ngày cô bận rộn điều hành công ty, tối về cho con ăn, ngủ, chơi với con... Sau khi Doris lớn lên, ngoài việc chăm lo cuộc sống và học hành, người mẹ cũng rất chú ý đến tâm lý của con.
Để bảo vệ tâm hồn non nớt của Doris, người mẹ mua một quả dưa hấu lớn, khoét hết phần thịt rồi cho con gái ngồi vào bên trong, chụp một bộ ảnh kỷ niệm. "Trong trường hợp Doris hỏi tôi con từ đâu đến, tôi sẽ chỉ vào quả dưa hấu và nói: Mẹ đã tìm thấy con ở đây", Diệp chia sẻ.
Dù tìm thấy hạnh phúc cho mình, nhưng câu chuyện của Diệp Hải Dương vẫn bị nhiều người lên án bởi "không chồng mà có con".
Nhiều người nói rằng đơn thân nuôi con, chắc chắn cuộc sống sẽ nhiều áp lực hay "phụ nữ không thể sống thiếu đàn ông". Trong khi người khác bình luận: "Gia đình đơn thân con cái lớn lên không được nuôi dạy tốt, chắc chắn ảnh hưởng tương lai đứa trẻ. Việc làm này quá ích kỷ". Nhận những phản ứng này, Diệp trả lời: "Tôi tự mình sinh con, không làm phiền ai. Là người mẹ, tôi sẽ cố gắng hết sức để đem đến hạnh phúc cho con mình. Giờ tôi chỉ biết làm việc chăm chỉ và sống hết mình".
Diệp Hải Dương cũng chứng minh bằng hành động khi Doris lớn lên khỏe mạnh, vui vẻ. "Có con gái, bạn phải học nhiều thứ hơn. Bạn phải lựa chọn việc dạy con hoặc để xã hội dạy con", cô nói.
Hiện tại, con gái thứ hai Hatti của Diệp vừa đầy tháng. Cô sử dụng chính phôi đã được lưu trữ từ trước để mang thai vì muốn các con có cùng bố. Trước nhiều ý kiến, một mình nuôi con vất vả, tại sao sinh thêm con thứ hai, Diệp cho biết cô muốn các con có chị, có em, về sau cuộc sống không cô đơn.
Trên thực tế, Diệp Hải Dương không phải là người đầu tiên mua tinh trùng sinh con, cũng chưa phải là người cuối cùng tại Trung Quốc. Cách đây không lâu, báo chí Trung Quốc rộ thông tin về "bà mẹ không chồng" Lý Tuyết Khả.
Lý năm nay 32 tuổi, vừa làm người mẫu, vừa kinh doanh. Cô gái này không muốn kết hôn nhưng vẫn muốn có con trước 30 tuổi. Năm 2018, Lý cũng ra nước ngoài mua tinh trùng và thụ tinh trong ống nghiệm.
Sau hai lần chuyển phôi, với hơn 140 mũi kim tiêm bảo vệ thai nhi cô đã sinh ba, hai trai một gái. Những vất vả của việc nuôi dạy con mà không có chồng là điều hiển nhiên, chưa nói đến một lúc phải chăm sóc ba đứa con. Tuy nhiên, mỗi khi ai đó hỏi Lý về cuộc sống hiện tại, cô khẳng định: "Tôi rất hạnh phúc và không hối tiếc. Tôi chỉ chọn cách sống mà tôi thích".
Cà Diệp và Lý đều cho rằng không phải gia đình nào đủ bố mẹ, con cái cũng hạnh phúc, bởi có những ông chồng hầu như không bao giờ xuất hiện trong sự trưởng thành của con. Dù vậy cả hai người mẹ này không khuyến khích phụ nữ sinh con không chồng.
"Khi đã chọn cách sống như mong muốn, chúng ta phải chịu trách nhiệm về mọi việc". Diệp Hải Dương chia sẻ.
Theo vnexpress