Emma, 17 tuổi, là con gái xinh xắn, nhỏ nhắn của một cảnh sát thành phố New York. Không ai biết chính xác cô đến Boston khi nào nhưng vào mùa thu năm 1852, cư dân thành phố này bắt đầu thấy Emma mặc quần dài và mặc áo khoác đuôi tôm ra phố, thay vì váy dài kín mắt cá chân như phụ nữ cùng thời.

Cách ăn mặc táo bạo của cô đã làm điên đảo các hãng truyền thông. Cứ hai ngày, tin tức hình ảnh về "người phụ nữ trẻ mặc quần dài" lại xuất hiện trên báo chí một lần. Emma bị bắt gặp đi thăm các địa điểm vui chơi xung quanh Boston, lượn lờ trong các quán rượu, nói chuyện đua ngựa và làm những "hành động, cử chỉ mang tính đàn ông" khác.

Emma Snodgrass nhiều lần bị bắt vì không mặc váy như phụ nữ cùng thời. Ảnh: History of yesterday

Cuối cùng, ngày 30/11/1852, cảnh sát bắt Emma trong tình trạng "áo sơ mi quần tây", đang làm công việc thư ký cho một tiệm may âu phục. Cô được gửi trả về cho gia đình cùng lời cảnh báo cần hành xử đúng đắn, tôn trọng thanh danh của cha mình - "một quan chức cảnh sát đáng kính của New York".

Emma làm bộ nhanh chóng trở lại mặc váy vóc nhưng mỗi khi có cơ hội, cô lại nguỵ trang áo dạ, quần tây, mũ vải để bước ra phố. Một người phục vụ quán ăn đã nhận ra cô và báo cảnh sát. Lần này, Emma bị tạm giam. Tình trạng này lặp lại liên tục trong vòng một tháng sau đó, Emma được thả, rồi lại bị bắt thêm hai lần nữa, cùng với một người bạn gái ăn mặc tương tự.

Trong các phiên toà xét xử Emma, hình phạt luôn chỉ dừng lại ở việc "trao trả lại gia đình giáo dục", dưới sự giám sát của một sĩ quan cảnh sát địa phương. Vị thế chính trị của bố đã giúp cô trong việc hầu toà.

Song bạn của cô, Harriet French, không may mắn như vậy. Harriet đã phải cải tạo 2 tháng tại Đảo Blackwell sau khi bị bắt với Emma. Truyền thông cho rằng, sự đối xử khác biệt này liên quan tới đẳng cấp và đó là "sự khác biệt giữa quần chẽn nhà giàu và quần chẽn nhà nghèo".

Năm 1856, Harriet chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng lý do việc mặc quần và đóng giả nam giới của hai cô không đơn giản chỉ để kiếm được nhiều tiền hơn (do cùng một công việc song nam giới bao giờ cũng được lương cao hơn) mà còn là một tuyên bố phản đối một xã hội gia trưởng, trọng nam khinh nữ.

Gần một thế kỷ sau, những rắc rối xung quanh việc mặc váy hay mặc quần, dường như vẫn chưa buông tha những cô gái Mỹ.

Helen Hulick Beebe sinh năm 1908 ở Easton, Pennsylvania và chuyển đến California để dạy học sinh khiếm thính năm 30 tuổi và sau này, trở thành một nhân vật nổi tiếng, nhà tiên phong trong liệu pháp thính giác - lời nói. Tuy nhiên, Helen đã "làm nên lịch sử" từ nhiều năm trước đó.

Đó là năm ăm 1938 khi Helen ra toà tới tư cách bị hại trong vụ án trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, cô đã bị thẩm phán Arthur S. Guerin đã khiển trách vì mặc quần. Ông cho rằng quần của Helen là trang phục không phổ biến và phù hợp với phụ nữ vào thời điểm đó. Việc mặc quần đã chà đạp lên "quá nhiều vấn đề pháp lý đương thời".

Cô được yêu cầu trở lại toà với trang phục "dễ chấp nhận hơn". Tuy nhiên, cũng trước sự ngạc nhiên của thẩm phán, Helen đã công khai tố cáo quyết định này của toà với báo giới, ngay hôm sau.

"Tôi sẽ bảo vệ quyền lợi của mình," cô nói với phóng viên The Los Angeles Times. "Nếu ông ấy yêu cầu tôi phải mặc một chiếc váy, tôi sẽ không là. Tôi thích mặc quần, đơn giản vì nó khiến tôi thoải mái".

Việc cô trở lại tòa án 5 ngày sau đó càng gây xôn xao dư luận. Thấy Helen trong một chiếc áo sơ mi màu cam và quần màu xanh lá cây đậm, thẩm phán Guerin một lần nữa tạm dừng phiên toà ngay khi Helen chuẩn bị tuyên thệ.

Ông nói: "Lần trước, có mặt tại tòa án này với trang phục như hiện tại và ngả cổ trên lưng ghế, cô đã thu hút sự chú ý của công chúng, của tù nhân và công chức tòa án hơn cả sự viêc của vụ án. Và tôi đã yêu cầu cô chỉ trở lại trong trang phục có thể chấp nhận được đối với thủ tục phòng xử án".

Thẩm phán giải thích về hành vi "cố ý gây mất trật tự xã hội" của Helen, và ra lệnh cho cô rời khỏi phiên toà. Một lần nữa, phiên điều trần đã được lên lịch lại, và lần này nó đi kèm với một lời cảnh báo: Mặc quần đến toà một lần nữa đi, và cô sẽ phải đi tù.

Helen mặc áo thun và quần trong phiên toà đầu tiên (trái) và trong "trang phục trang trọng" tới phiên toà thứ tư, đầu năm 1939. Ảnh: Allthatinteresting

Các phóng viên vội vàng chạy dài theo sau phỏng vấn Helen ngay khi cô rời tòa án. "Nghe này, tôi đã mặc quần từ năm 15 tuổi," cô nói. "Tôi không có váy, ngoại trừ một chiếc mặc dịp trang trọng. Nếu ông ấy muốn tôi xuất hiện trong một bộ lễ phục trang trọng, cũng không sao. Nhưng tôi vẫn sẽ mặc quần đến phiên toà tiếp theo và nếu ông thẩm phán tống tôi vào tù, tôi hy vọng điều đó sẽ giúp giải phóng phụ nữ mãi mãi khỏi cái chủ nghĩa "cấm phụ nữ mặc quần" này ".

Helen đã trở lại tòa án vào ngày hôm sau vẫn với chiếc quần dài và thẩm phán Guerin cũng giữ nguyên tuyên bố trước đó. Cô giáo trẻ bị kết án 5 ngày tù vào ngày 15/11/1938 và buộc phải mặc một chiếc váy chất liệu denim cứng.

Helen được trả tự do sớm và sự việc của cô được gửi lên Tòa phúc thẩm. Nó đã lật ngược phán quyết ban đầu của thẩm phán Guerin bốn ngày sau đó, để cô tự do mặc bất cứ thứ gì thích trong phiên điều trần tiếp theo. Ngày 17/1/1939, cô đến tòa án trong một bộ váy dạ hội trang trọng, chụp ảnh với bộ mặt đầy châm biếm.

Cuối cùng, việc Helen từ chối mặc váy trước tòa đã nhạt đi so với sự nghiệp nhà giáo dục của cô. Cô đã đi tiên phong trong một hình thức trị liệu mới cho những người khiếm thính và thành lập tổ chức phi lợi nhuận của riêng mình. Thẩm phán Guerin qua đời năm 1962, và được hậu thế nhớ đến như một rào cản với bình đẳng giới.

Theo vnexpress