Với vài chục cho đến vài nghìn nhân dân tệ, nhiều người trẻ Trung Quốc đang cố gắng mua các bức ảnh dùng đồ hiệu, đi xe sang để chia sẻ lên mạng xã hội.
Hiện tượng Buying WeChat Moments (Tạm dịch: mua khoảnh khắc WeChat) phổ biến với giới trẻ, đặc biệt là nam giới, trong thời gian gần đây. Nó được cho bắt nguồn từ các khóa đào tạo PUA (viết tắt của Pickup Artists, dạy đàn ông cách quyến rũ phụ nữ).
Trong nhiều nhóm chat, các thành viên sẵn sàng chi tiền để mua hình "sống ảo", từ du lịch sang chảnh cho đến dùng đồ hiệu, đi xe sang.
Mục đích cuối cùng của họ là nâng cấp trang cá nhân, biến mình trở thành những "quý ông, quý bà hoàn hảo" trên mạng xã hội.
Giới trẻ Trung Quốc mua hình dùng đồ hiệu, đi xe sang để sống ảo.
Bán ảnh ăn cắp từ ứng dụng hẹn hò
Mỗi nhóm mua bán ảnh có khoảng 100 thành viên. Tất cả phải đóng một khoản phí mới được phê duyệt tham gia. Tùy vào nhu cầu "sống ảo" của từng người, họ có thể yêu cầu những bức ảnh với nội dung khác nhau.
"Bạn muốn hình ảnh của mình trở nên sang chảnh, vui vẻ, gần gũi hay thú vị trong mắt người khác?" là câu hỏi bên bán ảnh dùng để xác định nhu cầu của khách hàng.
Sau đó, phía cung cấp sẽ gửi ảnh đến từng khách hàng vào lúc 17h mỗi ngày. Ngoài các thành viên bình thường muốn mình trở nên quyến rũ hơn trên mạng, không ít người là những influencer mua ảnh để tiếp thị bản thân.
Loạt ảnh hàng ngày được các thành viên chia sẻ cho thấy cuộc sống khiến bất cứ ai cũng phải ghen tỵ. Họ đánh lừa người dùng Internet bằng những chú thích ảnh như mình vừa tham dự một tiệc rượu đắt đỏ, mới mua một chiếc túi Chanel hay đang tắm nắng trên du thuyền sang trọng.
Các bức ảnh sang chảnh trên mạng của giới trẻ khiến nhiều người ghen tỵ.
Những bức ảnh đều đã được chủ nhóm WeChat chọn lọc kỹ càng để không bao giờ lộ mặt. Từ khoảnh khắc ai đó nằm bên hồ bơi đến khung hình một bàn tay đang nâng ly rượu, tất cả chỉ chung chung như vậy để mọi người đều sử dụng được và khiến bạn bè của họ tin rằng đây là những trải nghiệm chân thực.
Chủ sở hữu nhóm WeChat thường không đề cập hoặc chỉ cung cấp mập mờ nguồn gốc số ảnh họ bán cho khách hàng. Vì phần lớn các bức ảnh này là sản phẩm ăn cắp từ các trang web, phổ biến nhất là ứng dụng hẹn hò dành cho người đồng tính.
Ứng dụng cho phép người dùng tìm kiếm các từ khóa, chẳng hạn như “khách sạn sang trọng” hoặc “quầy rượu”. Kèm theo đó là hàng trăm bức ảnh được người dùng chia sẻ mỗi ngày.
Vì đa số hình ảnh được chia sẻ công khai và không bị gắn logo nên chúng rất dễ bị đánh cắp và sử dụng cho các mục đích khác.
Một blogger người Trung Quốc tên Jiajiada đã chỉ ra nhiều bức ảnh từng xuất hiện trên các app hẹn hò được rao bán tại những nhóm chat này. "Nhiều người chỉ ăn cắp nội dung từ ứng dụng hẹn hò để trông đẹp hơn trên mạng".
Những "quý ông", "quý bà" rởm
Việc mua hay sao chép ảnh được coi là cách dễ và rẻ nhất để trở nên phong phú và thú vị hơn trên mạng xã hội.
Thực tế, có nhiều cách mua hình tinh vi hơn trên các trang web thương mại điện tử của Trung Quốc. Ví dụ, có những đại lý chuyên cung cấp các gói bao gồm: chụp ảnh, chỉnh sửa theo yêu cầu của từng khách.
Những bức ảnh hoàn hảo trên mạng xã hội - từ tạo dáng trong xe đua, đến giả vờ dẫn dắt một cuộc họp hoặc đọc báo sau bữa sáng trong phòng khách sạn đắt tiền - hoàn toàn có thể dàn dựng.
Nhóm "quý cô Thượng Hải" bị tố đi thuê và dùng chung đồ hiệu, xe sang.
Mua ảnh rồi khoe lên trang cá nhân cũng chỉ là một trong vô vàn cách "sống ảo" của giới trẻ Trung Quốc. Một nhóm với tên gọi “Shanghai Ladies” (Những quý cô Thượng Hải) mới đây bị vạch trần chuyên đi thuê và dùng chung đồ hiệu, xe sang.
Dù tự nhận là những "quý cô" trẻ trung, thời trang và nhiều tiền, 6 thành viên của Shanghai Ladies từng chia tiền một bữa trà chiều chỉ dành cho 2 người tại khách sạn Ritz-Carlton. Thay vì phải trả 255 nhân dân tệ (38 USD) theo quy định, mỗi người chỉ tốn 85 nhân dân tệ (12,7 USD).
Lối sống giả tạo
Sự phát triển của các nhóm này phần nào phản ánh quan niệm, lối sống lệch lạc của một bộ phận giới trẻ. “Đa số coi việc gia nhập những hội nhóm này là tấm vé thông hành giúp họ bước chân vào giới thượng lưu”, một blogger nhận xét.
Kể từ khi các bài báo về hội mua ảnh và quý cô Thượng Hải xuất hiện, chủ đề này đã tạo ra rất nhiều cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc.
Giới trẻ khoe đồ hiệu đắt tiền lên mạng.
Hầu hết đều chỉ trích các chàng trai, cô gái tham gia vào những hội nhóm này là mù quáng chạy theo hư danh và chỉ biết sống ảo trên mạng xã hội.
“Họ đang tạo ra vẻ ngoài giả mạo rồi dần dần giả mạo cả thân phận”, một người bình luận. Người khác viết: “Tất cả chỉ biết chạy theo đồng tiền để nâng cao địa vị xã hội. Mục đích cuối cùng cũng chỉ là ‘câu’ được một người giàu”.
Số còn lại không ngạc nhiên khi những loại nhóm này phổ biến. “Bạn có nghĩ rằng điều này là hiếm? Có rất nhiều nhóm như vậy”, “Cuộc sống xã hội giả tạo không chỉ có Thượng Hải đâu”…
Vài năm trước, trang Bored Panda đưa tin nhiều influencer ở Nga đã thuê máy bay phản lực trên mặt đất để check-in. Gần đây, một số người có ảnh hưởng ở Mỹ đã bị phanh phui vì dùng một studio có thiết kế giống chuyên cơ riêng cũng nhằm mục đích chụp ảnh và khoe khoang lên mạng.
Theo Zing