Nguyễn Phương Thảo (21 tuổi, sinh viên năm 3) du học trao đổi từ Randolph College (Mỹ) sang Đại học Reading (Vương quốc Anh) đã có nhiều trải nghiệm với chiếc vali thiếu đồ phù hợp với thời tiết của xứ sở sương mù. Thảo kể, khi sang Anh học trao đổi đã không để ý là từ cuối tháng 8 trời trở lạnh. Mùa đông nước Anh mưa nhiều, sương mù dày đặc, trời hay trở gió to đến mức cảm giác như có thể cuốn trôi người. Mang theo vali 20 kg đầy quần áo mùa hè, vừa "cập bến" xứ sở sương mù, Thảo đã biết mình mất công mang vác.
"Em không sử dụng được bộ đồ nào trong túi đồ mang đi. Quần áo, giầy dép ở Anh, size bé nhất cũng là quá to cho người mặc cỡ XS như em. Phải mất một thời gian dài với không ít sự bất tiện, em mới khắc phục được vụ thiếu thốn trang phục", Phương Thảo chia sẻ.
Nguyễn Phương Thảo (21 tuổi), du học sinh trường University of Reading (Vương quốc Anh). Ảnh: NVCC
Theo nữ sinh, các đồ chống thấm nước như: áo khoác, bốt, ủng, áo gió, thậm chí cả ô là không thể thiếu trong vali đồ khi sang du học ở Anh bởi sẽ có rất nhiều ngày bạn phải đi bộ tới lớp dưới trời mưa. Thảo do không chuẩn bị giầy chống nước nên lần đi xem nhạc kịch ở ngoài trời mưa tầm tã, em bị lạnh cóng vì phải đứng suốt 5 tiếng.
Áo len, áo khoác ấm, quần nỉ, áo nỉ, tất cao cổ, khăn, găng tay là rất cần thiết vào những ngày đông giá lạnh nơi đây, đặc biệt cho những ai muốn tới vùng phía Bắc, Scotland hoặc các nước châu Âu. "Những đồ vật này hoàn toàn có thể mua tại Anh nhưng giá sẽ đắt hơn hàng ở Việt Nam, đặc biệt người nào nhỏ sẽ khó chọn được đồ vừa cỡ", nữ sinh chia sẻ.
Do thời tiết nước Anh hay thay đổi thất thường, Thảo khuyên du học sinh nên mặc nhiều lớp áo để sẵn sàng thích ứng với mọi điều kiện. Ngoài quần áo mùa đông, những chiếc cardigan, trang phục hè cũng có thể sử dụng cho ngày trời mát. Một vài chiếc váy điệu, trang phục truyền thống, vest, đầm, váy đứng đắn… cũng nên có trong vali mang theo khi sang Anh để mặc khi đi chơi, tham gia các hoạt động văn hóa hoặc khi có bài thuyết trình, buổi phỏng vấn.
"Khi ở Việt Nam, em chưa bao giờ mua một bộ trang trọng. Do đó lần tham gia thuyết trình trước quản lý của công ty mình thực tập, em đã rất hối hận, cảm thấy không tự tin khi mặc bộ đồ kém nghiêm túc là áo sơ mi với quần bò. Sau lần đó, em đã phải đầu tư ngay trang phục tử tế", Phương Thảo kể và cho biết sắp tới trường tổ chức buổi biểu diễn văn hoá để sinh viên các nước thể hiện nét đẹp truyền thống dân tộc. Thảo may mắn đã mang theo bộ áo dài trắng từ cấp 3 để mặc biểu diễn bài múa nón, hát Boujour Vietnam cùng các bạn.
Từng thèm món ăn Việt Nam và cảm thấy xót xa khi phải bỏ ra 7 bảng (hơn 200.000 đồng) để mua một túi hành khô không to lắm, một pound (hơn 30.000 đồng) cho gói mì tôm, du học sinh trường University of Reading rút ra kinh nghiệm, cần mang cả gia vị, đồ ăn khô như: bún, miến, mì, mộc nhĩ, nấm hương… trong vali đến các "vùng đất mới". Phần lớn du học sinh Việt ở Anh tự túc nấu ăn và đồ ăn Tây không phải món nào cũng dễ nuốt.
Thuốc men, theo Phương Thảo cũng là vật thiết yếu nên mang theo bởi tại Anh giá một số thuốc có thể cao hơn nhưng quan trọng là đôi khi bạn không tìm được loại quen uống khi ở nhà và nhiều loại phải được bác sĩ khám bệnh kê đơn cho mới có thể mua được. Bản thân Thảo khi mới sang Anh, do không quen thời tiết và trang phục cầm đi không phù hợp nên bị cảm cúm suốt. Em phải mượn thuốc của bạn, uống vitamin C và chờ mẹ chuyển Decolgen sang vì xứ sở sương mù không bán loại này. "Những bạn bị cận nên đem chiếc kính dự phòng để tránh trường hợp kính đang dùng bị vỡ. Kính mắt ở Anh giá khá đắt", nữ sinh cho biết.
Một vài vật dụng khác như đồ dùng học tập, bút bi, máy tính, balo, túi xách… Thảo khuyên nên mua ở Việt Nam để tiết kiệm và đúng loại mình quen dùng. Lúc mới sang Anh, có thể mất vài ngày bạn chưa mua được dầu gội đầu, xà phòng tắm, bàn chải đánh răng, thuốc đánh răng… nên những vật dụng cá nhân hàng ngày cũng nên có trong vali. Vài món lưu niệm đặc trưng của đất nước như: khăn lụa, ô mai, nón lá… có thể đem theo để làm quà tặng thầy cô, bạn bè và là cách giới thiệu văn hoá Việt Nam tới cộng đồng quốc tế.
"Nếu bố mẹ không quen ai để gửi tiền, các bạn nên đem tiền mặt với số lượng vừa đủ cho thời gian du học rồi tới Anh mở một tài khoản và bỏ vào. Có nhiều bạn mình biết, lúc mới sang chỉ cầm ít tiền mặt rồi sau đó phải đi nhờ bạn bè, chờ người nhà chuyển qua. Song đâu phải lúc nào cũng có người về Việt Nam và đủ thân để nhờ cầm tiền. Việc chuyển khoản cũng có những bất tiện", nữ sinh với 3 năm kinh nghiệm du học chia sẻ.
Theo VnExpress