Hình thành từ thời kỳ Phục hưng ở Pháp, đến thế kỷ XIX, nghệ thuật ballet lan rộng ra châu Âu và sang châu Mỹ. Loại hình nghệ thuật này yêu cầu tính thẩm mỹ phức tạp và hình thức biểu diễn ban đầu dành độc quyền cho giới quý tộc. Bởi quan niệm ballet phản ánh ý tưởng, suy nghĩ của người châu Âu nên cả cộng đồng lẫn những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật này cho rằng người da màu không thể biểu diễn ballet.

Không để định kiến hạ gục, Arthur Mitchell, người từng làm nên lịch sử vào năm 1955 với tư cách vũ công chính người da đen đầu tiên tại đoàn ballet của thành phố New York (NYCB) đã cùng thầy giáo cũ - Karel Shook - mở trường dạy ballet cho trẻ em da màu, tiến tới thành lập dance theatre of Harlem vào năm 1969. Vượt trên mong đợi, dance theatre of Harlem đã trở thành một trong những trung tâm đào tạo ballet nổi tiếng nhất của Mỹ suốt 5 thập niên qua.  

Người bước qua định kiến

Arthur Mitchell (1934-2018) là người Mỹ gốc Phi sinh ra và lớn lên ở Harlem, New York. 12 tuổi, ông trở thành trụ cột gia đình sau một biến cố lớn xảy ra với cha ông. Mitchell đã làm nhiều việc từ đánh giày, lau nhà, giao báo… đến làm việc trong một cửa hàng bán thịt. Phát hiện khả năng nhảy múa ở cậu bé, một chuyên viên tư vấn ở trường trung học đã khuyến khích Mitchell xin vào học ở trường Trung học Nghệ thuật biểu diễn.

Mitchell đã tìm thấy đam mê của mình từ rất sớm và quyết tâm theo đuổi nghệ thuật múa ballet. Ông nhận được một suất học bổng của School of American Ballet (Trường Ballet Mỹ). Mitchell theo học dưới sự chỉ dạy của George Balanchine - người luôn tìm kiếm những tài năng trẻ, đặc biệt là những người đến từ các nền văn hóa da màu tại Mỹ. Mitchell không chỉ là một vũ công xuất sắc mà còn là niềm hy vọng cho Balanchine hiện thực hóa ý tưởng ông ấp ủ bấy lâu. 

Năm 1955, George Balanchine, biên đạo múa và giám đốc NYCB, dàn dựng cho Mitchell múa chính cùng nữ diễn viên ballet da trắng Diana Adams. Ban đầu, khán giả phản ứng về việc ghép đôi này nhưng Balanchine quyết tâm không thay đổi. Balanchine bắt đầu cho ra đời những vở diễn tuyệt vời nhất ở NYCB với sự góp mặt của Mitchell. Mitchell đã thành công trong việc truyền tải cảm xúc sâu sắc của mình vào vai diễn - điều Balanchine cho rằng còn quan trọng hơn cả kỹ thuật biểu diễn.

Nơi chắp cánh ước mơ

Năm 1966, Mitchell rời NYCB để tham gia một số chương trình của Broadway, đồng thời thành lập các công ty về nhảy múa, trong đó có một công ty ở Brazil là National Ballet Company of Brazil (Công ty Ba lê Quốc gia Brazil).

Một tiết mục của nhà hát khiêu vũ Harlem
Một tiết mục của nhà hát khiêu vũ Harlem

 

Năm 1968, Mitchell trở lại Harlem với quyết tâm tạo cơ hội khiêu vũ cho trẻ em trong cộng đồng. Mitchell đã hợp tác với Karel Shook - bậc thầy trong lĩnh vực đào tạo ballet - để cùng điều hành ngôi trường đào tạo các vũ công ballet, nơi cuối cùng trở thành dance theatre of Harlem - ngọn hải đăng cho các vũ công da màu trên toàn thế giới.

Mitchell bắt đầu trường học với 25.000 USD tiền để dành. Khoảng 1 năm sau, ông nhận được 315.000 USD từ Quỹ Ford. Dance theatre Harlem ra đời năm 1969 với 30 học viên nhỏ tuổi đầu tiên. 2 tháng sau, nhà hát thu hút được 400 thanh niên tham gia. 

Trong những ngày đầu hoạt động, lớp học ballet của Mitchell được tổ chức tại một nhà xe. Phòng tập luôn mở cửa để người qua đường cũng có thể chiêm ngưỡng nét đẹp của môn nghệ thuật này. Mitchell cũng nới lỏng một số quy định về giới tính hay trang phục nhằm khuyến khích nam thanh niên cũng có thể tham gia nhảy múa với quần jeans và áo thun.

Virginia Johnson - thành viên sáng lập, sau này là giám đốc nghệ thuật của dance theatre of Harlem từ 2011-2023 - nói: “Một trong những điều tuyệt vời Mitchell đã làm là tạo cơ hội cho tất cả những người đam mê nghệ thuật ballet được phát triển bản thân thành những nghệ sĩ đẳng cấp thế giới”.

Nghệ sĩ Da’von Doane và Ashley Murphy biểu diễn trong chương trình kỷ niệm 50 năm dance theatre of Harlem, năm 2019
Nghệ sĩ Da’von Doane và Ashley Murphy biểu diễn trong chương trình kỷ niệm 50 năm dance theatre of Harlem, năm 2019

 

Có thể coi Mitchell là một trong những người tiên phong ở lĩnh vực nhảy múa, khi tích hợp các nghệ thuật trên sân khấu trình diễn và phương pháp truyền bá thông qua các hoạt động dễ tiếp cận đến nhiều cộng đồng lớn trong và ngoài nước. 

“Từ những ngày đầu tiên, nhóm điều hành của chúng tôi đã bao gồm những thành viên đa sắc tộc. Đến thập niên 1970, vũ công da trắng đầu tiên mới xuất hiện ở học viện Harlem. Chúng tôi không cố chứng minh đây là “đoàn ballet da đen” mà chỉ muốn khẳng định loại hình nghệ thuật tuyệt đẹp này thực sự không thuộc về bất kỳ ai và người nào cũng có thể biểu diễn nó” - Virginia Johnson khẳng định. 

Arthur Mitchell đã tạo ra một địa chỉ cho rất nhiều người từng được bảo rằng: “Bạn không thể làm được điều này”. Học viện của Arthur Mitchell đã cho họ cơ hội chứng tỏ bản thân và biến ước mơ thành hiện thực.

Phát triển và khẳng định vị thế của mình vào giữa giai đoạn Black Power (tạm dịch “Quyền da màu”) nhưng dance theatre of Harlem không hướng đến việc tạo ra phong trào đấu tranh đề cao vị thế của người da đen trong loại hình nghệ thuật này. Vượt lên trên suy nghĩ giải phóng người da màu, “Mitchell dạy các vũ công nhận thức và tự xác định nhân tính của mình, rằng họ không cần phải lệ thuộc vào những định kiến của người khác về họ” - Johnson chia sẻ thêm.

Arthur Mitchell ở đỉnh cao của sự nghiệp, năm 1963
Arthur Mitchell ở đỉnh cao của sự nghiệp, năm 1963

 

Dance theatre of Harlem đã tạo ra sự bùng nổ cơ hội nghề nghiệp trong khiêu vũ, âm nhạc và các hoạt động sân khấu liên quan khác. Nhiều cựu học sinh đã thành công trong sự nghiệp với các vị trí: vũ công, nhạc sĩ, kỹ thuật viên sản xuất, dàn dựng và trang phục, cũng như quản lý nghệ thuật. Với thành công đó, nhà hát đã thách thức thế giới khiêu vũ cổ điển xem xét lại những khuôn mẫu và sửa đổi ranh giới của nó.

Khi dance theatre of Harlem được thành lập, Balanchine, người đảm nhiệm vị trí Giám đốc của NYCB bấy giờ, đã cấp quyền sử dụng một số vở diễn ballet cho Mitchell. Điều này đã mang lại một danh mục vô giá các tác phẩm kinh điển cho chương trình biễu diễn của một công ty non trẻ. Đến năm 1979, nhà hát có chuyến lưu diễn quốc tế với một chương trình gồm 46 vở ballet. Vào thập niên 1980, nhà hát dẫn đầu trong lĩnh vực ballet ở Mỹ bằng cách tạo ra nét đặc sắc và truyền sức sống mới vào các tác phẩm: Firebird, Giselle, Scheherazade, Bugaku và vở Agon nổi tiếng.

Trong suốt những năm 1990, nhà hát tiếp tục phá vỡ ranh giới chủng tộc, được hoan nghênh trên toàn thế giới. Đây là công ty ballet đầu tiên của Mỹ biểu diễn ở Nga. Năm 1992, nhà hát lưu diễn tới Nam Phi. Tại đó, nhà hát đã biểu diễn trước đông đảo khán giả nhiều sắc tộc, tạo ra một chương trình nhảy múa vẫn phát triển mạnh cho đến ngày nay với tên gọi Dancing Through Barriers (tạm dịch: Khiêu vũ vượt rào cản). Đây là tác động tuyệt vời mang tầm quốc tế của một tập thể người da màu. Họ đã gỡ bỏ những định kiến phân biệt chủng tộc cổ hủ thông qua những hành động cộng đồng và chia sẻ nét đẹp trong lĩnh vực nghệ thuật. 

Dance theatre of Harlem đã được đưa vào bảo tàng The National Museum of Dance vì những đóng góp cho xã hội và nghệ thuật nhảy múa. Năm 2006, Tổng thống George W. Bush vinh danh dance theatre of Harlem tại Nhà Trắng, đồng thời một số nghệ sĩ cũ của nhà hát cũng được biểu diễn tại đây nhân dịp này. 

Hoạt động của nhà hát bị gián đoạn do khó khăn tài chính từ năm 2004, đến năm 2012 mới hoạt động trở lại. Trước đó, năm 2011, Virginia Johnson được bổ nhiệm làm giám đốc nghệ thuật và Arthur Mitchell được bổ nhiệm làm giám đốc nghệ thuật danh dự. Ngày nay, dance theatre of Harlem còn lại 17 thành viên đa sắc tộc, chủ yếu là người da màu. Các chuyến lưu diễn trong nước cũng như quốc tế của nhà hát bao gồm các tác phẩm tân cổ điển của George Balanchine và biên đạo múa gốc phi Robert Garland. 

Arthur Mitchell là nghệ sĩ ballet da đen đầu tiên được trao danh hiệu ngôi sao quốc tế. Ông mất năm 2018 tại Manhattan. 

Dance theatre of Harlem School tiếp tục đào tạo 1.000 vũ công trẻ hằng năm thông qua chương trình cộng đồng. 

“Trong lịch sử hơn 50 năm, dance theatre of Harlem đã nhận được sự hoan nghênh của quốc tế, biểu diễn ở 44 tiểu bang, 250 thành phố ở Bắc Mỹ và 40 quốc gia. Những nỗ lực tiên phong của nhà hát khiêu vũ Harlem trong việc tích hợp các sân khấu và truyền bá nghệ thuật ballet thông qua các chương trình tiếp cận cộng đồng trong và ngoài nước đã khiến nó trở thành ngọn hải đăng cho các vũ công da đen toàn thế giới”.

Dance Magazine


Theo phụ nữ TPHCM