leftcenterrightdel
Nghiên cứu cho thấy nhiều lao động trẻ đang ngày càng ít tương tác với doanh nghiệp, sẵn sàng nhảy việc khi có thể. Ảnh minh họa:Phương Lâm.  

Theo các nghiên cứu mới, những nhân viên trẻ tuổi nhất trong lực lượng lao động hiện không còn nhiệt tình và hăng hái như trước đây.

Sự gắn kết của nhân viên thuộc Gen Z (sinh năm 1997-2012) và thế hệ Millennials (chỉ tính những người sinh sau năm 1989) với doanh nghiệp giảm mạnh nhất so với tất cả nhóm tuổi khác kể từ khi đại dịch bắt đầu, theo WorkLife.

Thế hệ vỡ mộng

Theo cuộc khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Gallup về sự gắn kết của nhân viên với doanh nghiệp, kể từ năm 2020, tỷ lệ gắn kết nói chung đã giảm từ 40% xuống 35% đối với thế hệ Z và Millennials trẻ.

Cuộc khảo sát cũng thể hiện trong những năm qua, nhiều nhân viên trẻ cảm thấy ngày càng ít có cơ hội học hỏi, phát triển và thăng tiến sự nghiệp. Điều này là yếu tố hàng đầu dẫn đến sự suy giảm động lực làm việc của họ.

Bên cạnh đó, thế hệ người lao động trẻ nhất cảm thấy không nhận được sự quan tâm từ cấp trên, đồng nghiệp ở công ty. Họ cũng không kết nối với sứ mệnh chung của doanh nghiệp, hay cảm thấy ý kiến của mình không được coi trọng. 

Tỷ lệ gắn kết của nhân viên Gen X (sinh năm 1965-1980) cũng giảm nhưng không đáng kể. Trong khi đó, thế hệ Baby Boomers (sinh năm 1946-1964) lại gắn kết hơn với công việc trong vài năm qua.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết những người thuộc thế hệ Baby Boomers sẽ sớm nhanh chóng rời khỏi lực lượng lao động vì gần đến độ tuổi nghỉ hưu.

Thay vào đó, Gen Z và Millennial sẽ ngày càng đông hơn. Thế hệ trẻ này có những kỳ vọng rất khác biệt về phía người sử dụng lao động và vai trò của họ trong công việc so với các thế hệ trước.

“Người trẻ có những giá trị khác với thế hệ cũ. Tôi nghĩ sự kết nối tại chốn công sở có ý nghĩa với họ. Vì vậy, họ cảm thấy bị cô lập nhiều hơn", Kelsey Bishop, người sáng lập và CEO Cando, một nền tảng xây dựng văn hóa nhóm, cho biết.

Tìm cách giữ chân nhân sự

Việc chuyển đổi sang mô hình làm việc từ xa (remote), và giờ đây là mô hình công việc kết hợp (hybrid) đã trở thành một thách thức đối với tất cả thế hệ, đặc biệt là những người trẻ tuổi vốn ít kinh nghiệm ở chốn công sở.

“Những lao động lớn tuổi phần lớn đã xây dựng sự nghiệp và các mối quan hệ trong công việc. Họ cũng có sức bền tốt hơn khi đối diện với những thay đổi tại nơi làm việc trong những năm gần đây”, Jim Harter, nhà nghiên cứu về quản lý nơi làm việc và phúc lợi tại Gallup, nhận xét.

Nhà tuyển dụng cần thực hiện một số hành động để thu hút nhân sự trẻ và giữ chân họ khi thế hệ này có xu hướng sẵn sàng nhảy việc nhiều hơn so với các đồng nghiệp "tiền bối".

Theo nghiên cứu của Gallup, các doanh nghiệp cần truyền đạt một tầm nhìn rõ ràng, hấp dẫn về mục đích, giá trị và mục tiêu của tổ chức.

Đồng thời công ty cần đảm bảo họ đang nuôi dưỡng một nền văn hóa thực sự hỗ trợ điều đó.

Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp cũng cần chú ý đến cấp quản lý, xem xét lại các trách nhiệm của họ để đảm bảo cấp dưới nhận được những phản hồi có ý nghĩa và có những cuộc trò chuyện thường xuyên về hiệu suất, sự phát triển.

"Nếu không có những buổi trò chuyện, trao đổi với quản lý, khoảng cách vật lý sẽ biến thành khoảng cách tâm lý với nhân viên", Harter nói.

leftcenterrightdel
Phía doanh nghiệp cần thay đổi, tìm nhiều cách để giữ chân nhân sự trẻ. Ảnh minh họa:Karolina Grabowska/Pexels. 
 

Các quản lý cũng nên khuyến khích sự hợp tác và đổi mới trong nhóm bằng cách yêu cầu và thực sự hành động theo ý tưởng, quan điểm của nhân viên trẻ.

Một nhiệm vụ quan trọng khác của cấp quản lý là củng cố các kế hoạch và kỳ vọng của nhân viên về các vấn đề như thời gian làm việc trực tiếp tại văn phòng, mô hình làm việc... để để giải quyết các nhu cầu của họ.

Đối với những lao động trẻ tuổi, sự phát triển và mục đích là chìa khóa để chuyển họ từ tư duy "người làm công ăn lương" sang tư duy gắn kết hơn với tổ chức. Báo cáo của Gallup cho thấy việc gặp mặt trực tiếp sẽ giúp xây dựng sự học hỏi và lòng trung thành mạnh mẽ nhất.

Nhà tuyển dụng và tổ chức cũng cần phải hiểu và điều chỉnh cách họ cung cấp cơ hội học hỏi và phát triển cho nhân sự, thường là thông qua các nền tảng trực tuyến và nội dung ngắn gọn, thị giác.

“Các nhà tuyển dụng sẽ cần tìm ra những cách mới để điều chỉnh chiến lược quản lý, phát triển và phân phối nội dung phù hợp với sở thích học tập của thế hệ trẻ nếu họ muốn đầu tư vào phát triển nghề nghiệp”, Chris Eigeland, đồng sáng lậpk iêm CEO của nền tảng nội dung học tập Go1, cho biết.

Theo lifestyle.zingnews