|
|
Khi tỷ lệ sinh và tỷ lệ kết hôn của Nhật Bản tiếp tục giảm, các sự kiện mai mối như ở vườn Hamarikyu (Tokyo) đang trở nên phổ biến hơn. Ảnh:Louise Claire Wagner. |
Một chiều chủ nhật cuối tháng 4, 12 người đàn ông và phụ nữ tập trung tại vườn Hamarikyu ở trung tâm Tokyo (Nhật Bản) để tham gia sự kiện mai mối.
“Hãy bắt đầu bằng cách giới thiệu ngắn gọn về mình”, Koki Goto nói từ cuối căn phòng trải chiếu tatami trong quán trà truyền thống nằm ở góc vườn.
Goto đứng đầu tổ chức tên là J-konkatu chuyên giới thiệu các cặp đôi tiềm năng với hy vọng họ có thể tiến tới hôn nhân. Nhóm tổ chức nhiều sự kiện tương tự vào các thời điểm khác nhau trong suốt cả năm, theo Japan Times.
“Tôi thích lái xe và thưởng thức những món ăn ngon”, một người đàn ông 37 tuổi tự làm chủ kinh doanh cho biết.
“Gần đây, tôi bắt đầu hứng thú với các trận đấu vật chuyên nghiệp”, một phụ nữ 32 tuổi làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận vui vẻ nói.
“Điều quan trọng hơn là giao tiếp với người khác giới”, Goto nói khi tất cả chia thành các cặp nam nữ, mỗi người thay phiên nhau trò chuyện qua các bàn trong 4 phút.
“Nói chung, người Nhật không giỏi trong việc phát triển các mối quan hệ lãng mạn. Vì vậy, tôi không thực sự mong đợi sự kiện sẽ hình thành các cặp vợ chồng. Thay vào đó, tôi muốn họ tự tin hơn khi nói chuyện với người khác”, anh nói.
Chìa khóa
Hoạt động mai mối ngày càng có tầm quan trọng tại quốc gia có dân số đang già hóa và thu hẹp như Nhật Bản. Trong đó, số lượng các cuộc hôn nhân giảm dần trong nhiều thập kỷ.
Ở quận Yamanashi lân cận của Tokyo, cư dân có thể tìm kiếm bạn tâm giao thông qua hình đại diện trực tuyến trong siêu dữ liệu.
Tại tỉnh Aichi, các nhà tổ chức đang chuẩn bị cho một trong những sự kiện mai mối lớn nhất từng diễn ra trên toàn quốc, với 400 đàn ông và phụ nữ tham gia buổi xem mắt lớn vào tháng 10.
Trong khi đó, thị trường mai mối tràn ngập ứng dụng phục vụ cho số lượng người độc thân ngày càng tăng.
Đầu năm 2023, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp “chưa từng có” nhằm giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh giảm của Nhật Bản. Ông cũng nhấn mạnh “bây giờ hoặc không bao giờ” để đảo ngược cuộc khủng hoảng nhân khẩu học vốn đang đè nặng lên chi phí an sinh xã hội của quốc gia.
Ở đất nước nơi trẻ em ngoài giá thú chỉ chiếm 2% tổng số ca sinh, số cặp vợ chồng kết hôn có mối tương quan chặt chẽ với số trẻ sơ sinh.
Do đó, tìm được bạn đời, dù là thông qua ứng dụng, dịch vụ mai mối hay hôn nhân sắp đặt truyền thống, có thể nắm giữ chìa khóa cho tương lai của nền kinh tế Nhật Bản.
|
|
Hoạt động mai mối ngày càng có tầm quan trọng tại quốc gia có dân số già hóa và thu hẹp. Trong đó, số lượng các cuộc hôn nhân giảm dần trong nhiều thập kỷ. Ảnh:Louise Claire Wagner. |
Theo Bộ Y tế, Nhật Bản có 504.878 cuộc hôn nhân vào năm 2022. Con số này so với 706.000 (năm 2010) và 798.000 (năm 2000) cho thấy mức giảm 37% trong hơn 2 thập kỷ. Trong khi đó, số trẻ sơ sinh giảm xuống còn 770.747 vào năm 2022, mức thấp nhất kể từ khi chính phủ bắt đầu lưu giữ hồ sơ vào năm 1899.
Các cuộc khảo sát khác nhau được thực hiện để thăm dò thái độ của người Nhật đối với các mối quan hệ tình cảm và hôn nhân.
Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, 65,8% nam giới và 51,8% phụ nữ ở độ tuổi 20-29 cho biết họ “không có vợ hoặc chồng” trong cuộc khảo sát được thực hiện năm 2021. Trong số những người ở độ tuổi 30-39, 35,5% nam giới và 27% nữ giới cho biết họ còn độc thân.
Trong khi đó, cuộc khảo sát toàn quốc do Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia Nhật Bản thực hiện năm 2021 cho thấy con số kỷ lục 17,3% nam giới và 14,6% nữ giới trong độ tuổi 18-34 không có ý định kết hôn trong đời.
Điều đó đóng vai trò trong thống kê đáng lo ngại: Tổng tỷ suất sinh của Nhật Bản vào năm 2022 là 1,26 - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ thay thế là 2,1 (số con trung bình mà một phụ nữ cần để ngăn chặn sự suy giảm dân số).
Ở Nhật Bản, nền kinh tế trì trệ và chênh lệch thu nhập ngày càng tăng, cũng như các chuẩn mực giới tính truyền thống coi nam giới là trụ cột chính trong gia đình, được coi là những rào cản lớn cản trở triển vọng kết hôn.
Masahiro Yamada, nhà xã hội học và giáo sư tại Đại học Chuo, cho biết: “Mọi người không kiếm đủ tiền để nuôi sống gia đình”.
Số lượng ngày càng tăng của những người được gọi là lao động không thường xuyên cũng không giúp được gì vì họ hiện chiếm khoảng 40% tổng số lao động.
Giá cả tăng đang làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Tiền lương danh nghĩa tăng 1,9% trong năm tài chính vừa qua, kết thúc vào tháng 3, mức tăng nhanh nhất trong 31 năm theo dữ liệu của chính phủ. Tuy nhiên, lạm phát ở mức 3,8% vượt xa mức tăng lương đó, dẫn đến tiền lương thực tế giảm 1,8% trong năm tài chính 2022, mức giảm lớn nhất trong 8 năm.
|
|
Dịch vụ của J-konkatu khuyến khích mọi người trò chuyện với nhau. Những người tham gia được chia thành các cặp nam nữ, mỗi người thay phiên nhau trò chuyện trong 4 phút giữa các bàn. Ảnh:Louise Claire Wagner. |
Giáo sư Yamada cho biết thu nhập thấp là rào cản lớn trong hôn nhân không chỉ đối với đàn ông Nhật Bản mà cả những người ở Đông Á, nơi họ thường được cho là phải chu cấp cho gia đình.
“Điều đó có nghĩa là thay vì chuyển đến ngôi nhà mới với bạn đời, những người có thu nhập thấp thường sống với cha mẹ để thấy thoải mái hơn”, ông nói.
Giáo sư Yamada gọi nhóm này là “người độc thân ký sinh”, chỉ những người sống với cha mẹ dù đã ngoài 30 tuổi.
“Tôi không thấy xu hướng giảm tỷ lệ sinh sẽ dừng lại sớm”, ông nói.
Con dao hai lưỡi
Trở lại vườn Hamarikyu, 12 người tham gia chia thành 2 nhóm để đi dạo. Trong số đó, Yuzo Oshima (40 tuổi), Phó giám đốc công ty sản xuất ở Tokyo, lần thứ 3 tham dự sự kiện mai mối của Goto.
Sau khi buổi gặp mặt kéo dài 3 giờ kết thúc, Oshima trao đổi liên lạc với người phụ nữ 32 tuổi thích xem đấu vật trên ứng dụng nhắn tin.
Oshima không gặp khó khăn trong việc bắt đầu các mối quan hệ. Thực tế, anh từng hẹn hò vài người và có lần cầu hôn bạn gái 2 năm, nhưng bị từ chối.
“Tôi thử nhiều ứng dụng hẹn hò và chúng có ưu, nhược điểm riêng. Sự kiện mà Goto tổ chức có thể bỏ qua phần trao đổi qua mạng ban đầu và đến gặp trực tiếp mọi người”, anh nói.
Một trong số dịch vụ Oshima trải nghiệm là tư vấn hôn nhân - kết hợp giữa mai mối trực tuyến và gặp trực tiếp người cố vấn để được đưa ra lời khuyên trong chuyện hẹn hò.
Thế giới của các ứng dụng hẹn hò thường phụ thuộc rất nhiều vào việc tự quảng cáo bản thân. Đây có thể là con dao hai lưỡi.
|
|
Metaverse (vũ trụ ảo) ngày càng trở thành một phần trong nỗ lực thúc đẩy hôn nhân ở Nhật Bản, với các sự kiện mai mối cho phép mọi người gặp nhau thông qua các nhân vật đại diện trên Internet. Ảnh:Metaverse Matchmaking Association. |
Năm 2013, Misanori Takahashi, Phó giáo sư tại Đại học Tokyo Metropolitan, cài đặt ứng dụng hẹn hò đầu tiên trên điện thoại. Khi đó, người đàn ông 38 tuổi nhận ra rằng mình cần tìm kiếm bạn đời hơn là đi câu cá một mình và ăn mì ramen.
Tuy nhiên, là nhà kinh tế học, Takahashi sớm phát hiện những ứng dụng như vậy hoạt động dựa trên “động lực so sánh”.
Khi tạo hồ sơ, người dùng được yêu cầu tải lên hình ảnh của chính họ và nhập mức lương, trình độ học vấn, sở thích, các thông tin khác giúp họ trở nên nổi bật. Họ cũng có thể thu hẹp phạm vi tìm kiếm tùy thuộc vào những gì mình đang tìm kiếm.
“Ví dụ, tôi kiếm được khoảng 10 triệu yen/năm và nghĩ đó là mức thu nhập khá tốt. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để thu hút sự chú ý, bởi vì khi tôi được xếp vào danh sách những người kiếm được 10 triệu yen trở lên, có rất nhiều người khác kiếm được nhiều tiền hơn tôi. Họ trẻ, đẹp hơn và sở hữu chung cư cao cấp”, anh nói.
Takahashi nhận định các ứng dụng hẹn hò cũng có thể phi nhân cách hóa. Vì không có kết nối cá nhân giữa những người dùng “quẹt phải” nhau, mọi người ít do dự hơn khi hành động thô lỗ như đột ngột cắt đứt liên lạc hoặc không muốn gặp ngoài đời.
“Tôi từng gặp người đồng ý đi với mình chỉ vì muốn ăn miễn phí. Không chỉ ứng dụng hẹn hò, một lần khi tham dự buổi gặp mặt ở Ginza, tôi gần như bị một người thuyết phục mua túi Hermes 200.000 yen cho cô ấy”.
Hiện gần 50 tuổi, Takahashi nói rằng anh từ bỏ việc tìm kiếm bạn đời.
“Tôi nghĩ tốt hơn hết là mình nên dành thời gian cho những sở thích và điều mà tôi cho là quan trọng”.
|
|
J-konkatu, tổ chức mai mối do Koki Goto đứng đầu, tổ chức các sự kiện quanh năm. Ảnh:Louise Claire Wagner. |
Một số nhà tổ chức nhận ra những hạn chế và thực hiện cách tiếp cận khác để mai mối.
“Hầu hết người tham gia các sự kiện trực tuyến đều ưu tiên ngoại hình và tuổi tác. Những người không tự tin vào bản thân có thể bỏ qua”, Yurie Sasa, quan chức tại thành phố Hokuto, tỉnh Yamanashi, được giao nhiệm vụ tư vấn hôn nhân, cho biết.
Như nhiều đô thị khu vực ở Nhật Bản, Hokuto trải qua tình trạng giảm dân số và tổ chức các sự kiện mai mối như một phần trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng cạn kiệt nhân khẩu học.
“Chúng tôi quyết định tổ chức sự kiện mai mối trực tuyến và để mọi người tham gia thông qua hình đại diện”, bà Sasa nói.
Bà nói rằng việc ẩn danh giúp những người từ các khu vực nông thôn tham gia mà không sợ hàng xóm soi xét.
“Mọi người sẽ gặp mặt trực tiếp vào buổi hẹn hò thứ 3. Đến lúc đó, họ dường như hiểu rõ về nhau. Cho đến nay, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ lời phàn nàn nào”.
Việc sử dụng các sáng kiến địa phương như vậy nhằm khuyến khích các mối quan hệ, dù là trực tuyến hay ngoại tuyến, dự kiến tăng tốc trong những năm tới.
Vào tháng 4, chính phủ Nhật Bản thành lập Cơ quan Trẻ em và Gia đình để giám sát các chính sách liên quan đến trẻ em như một phần trong nỗ lực của Thủ tướng Kishida nhằm đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm của đất nước.
Theo một chương trình mới, “nhân viên hướng dẫn hỗ trợ hôn nhân” sẽ được triển khai tới tất cả 47 tỉnh, thành và trợ cấp nhà ở cho các cặp vợ chồng mới cưới sẽ được mở rộng.
Trong khi đó, chiến dịch mai mối của Oshima vẫn tiếp tục. Một sau sự kiện ở vườn Hamarikyu, người đàn ông độc thân 40 tuổi nói rằng anh trò chuyện vui vẻ với cô gái 32 tuổi thích xem đấu vật, nhưng cô không phải hồi khi anh hẹn đi chơi lần 2.
Tuy nhiên, Oshima vẫn chưa tuyên bố từ bỏ tình yêu. Anh đăng ký dịch vụ mai mối trực tiếp với J-konkatu của Goto dành cho những người nghiêm túc muốn kết hôn càng sớm càng tốt.
“Tôi có thể thu được nhiều kinh nghiệm”, anh nói.
Theo lifestyle.zingnews