30 năm trước, Shodai Horiren có hình xăm đầu tiên trên chuyến du lịch Australia. Giờ đây, người phụ nữ 52 tuổi này là một trong những nghệ nhân xăm hình nổi tiếng nhất Nhật Bản.

Sau 3 thập kỷ theo đuổi đam mê, từ đầu tới chân Horiren đều được phủ kín bởi những hình xăm mang phong cách truyền thống. Với bà, môn nghệ thuật này đã trở thành một phần quan trọng của cuộc sống.

"Hình xăm sẽ mãi mãi in dấu trên cơ thể, cho tới khi ta nhắm mắt xuôi tay", nghệ nhân Shodai Horiren nói. Ảnh: Reuters.

"Nhà cửa có thể xuống cấp, người yêu có thể rời xa, con trẻ sẽ trưởng thành. Nhưng hình xăm sẽ mãi mãi in dấu trên cơ thể, cho tới khi ta nhắm mắt xuôi tay", nữ nghệ nhân chia sẻ.

Những năm gần đây, cộng đồng xăm hình Nhật Bản ngày một lớn mạnh, không ngừng nỗ lực để xóa bỏ định kiến và phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Theo Japan Times, chủ đề được yêu thích nhất là nhân vật nổi tiếng trong truyền thuyết. Dưới bàn tay người nghệ nhân, các nét mực trở thành một phần trên cơ thể, biểu hiện tính cách, phong cách cá nhân của mỗi người.

Định kiến xã hội với xăm hình


Mặc dù được đông đảo giới trẻ đón nhận, nghệ thuật xăm mình vẫn vấp phải sự phản đối gay gắt từ dư luận Nhật Bản.

Tại xứ hoa anh đào, hình xăm gắn liền với tội ác và được sử dụng như một hình phạt vào thời Kofun (300-538). Đến năm 1948, loại hình nghệ thuật này mới được hợp pháp hóa.

Ngày nay, một số phòng tắm công cộng, bể bơi, phòng tập và bãi biển tại Nhật Bản vẫn cấm khách hàng có hình xăm. Trước kia, thợ xăm không có giấy phép y tế cũng được coi là bất hợp pháp, có thể bị phạt hơn 9.500 USD và 3 năm tù nếu vi phạm đạo luật hành nghề y.

Tháng 9 qua, Tòa án Tối cao Nhật Bản đã bác bỏ quy định này. Theo đó, xăm hình là một hình thức nghệ thuật, không liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nên không cần giấy phép y tế để hành nghề.

Tuy nhiên, phần lớn người dân vẫn bài trừ hình xăm vì nó thường liên quan đến các băng nhóm tội phạm, điển hình là yakuza.

Tại Nhật Bản, hình xăm bị kỳ thị vì thường gắn với hình ảnh của các tổ chức tội phạm. Ảnh: Reuters.

Chia sẻ với Japan Times, bà Horiren bày tỏ sự phấn khích khi xem Giải Vô địch bóng bầu dục thế giới vì các tuyển thủ đều phô bày hình xăm lúc thi đấu.

"Đa số vận động viên quốc tế luôn tự hào về dấu mực trên cơ thể, nhưng các tuyển thủ Nhật Bản lại phải che đậy chúng bằng băng tay, áo dài tay và kem nền", bà Horiren nói.

Trước đó, vận động viên lướt sóng kiêm nhà sản xuất truyền hình Takashi Mikajiri đã bị cấm vào bãi biển nếu không che hết hình xăm của mình. "Ở Mỹ, chẳng ai quan tâm đến việc bạn có hình xăm hay không. Xăm hình nên được bình thường hóa trong xã hội".

Những thay đổi tích cực


Nhờ sự du nhập của văn hóa phương Tây, đặc biệt là âm nhạc và điện ảnh, người dân xứ hoa anh đào đang dần thay đổi thái độ với việc xăm mình. Ngày càng nhiều người theo đuổi loại hình nghệ thuật "vẽ mực trên thân", hoặc có cái nhìn tích cực với cộng đồng xăm hình Nhật Bản.

"Có người mong muốn khắc ghi lên cơ thể những hình vẽ mang ý nghĩa cá nhân, song tôi xăm hình chỉ vì nó đẹp. Điều đó giống như mặc một bộ đồ sành điệu vậy", Mari Okasaka (48 tuổi), một nhân viên bán thời gian, nói. Cô có hình xăm đầu tiên năm 28 tuổi và tiếp tục theo đuổi đam mê của mình tới hiện tại.

Các tín đồ xăm hình Nhật Bản khác nhau về xuất thân, nghề nghiệp, song có chung tình yêu với nét mực. Ảnh: Getty.

Tình yêu với nghệ thuật xăm hình của cô đã truyền cảm hứng cho con trai Tenji (24 tuổi). Anh có mong muốn phủ kín cơ thể với những nét xăm mang hơi hướm truyền thống, hiện đại đan xen.

Khác với tưởng tượng của công chúng, các tín đồ xăm hình là những người cởi mở và thân thiện. Họ khác nhau về xuất thân, nghề nghiệp, song có chung tình yêu với nét mực và thường gặp gỡ để chuyện trò, chia sẻ về hình xăm của mình.

"Chúng tôi là những người vui vẻ và tươi sáng, không dữ tợn như mọi người vẫn tưởng đâu!", chàng công nhân thu gom phế liệu Hiroyuki Nemoto (48 tuổi), người tổ chức các buổi họp mặt trên, nói.

Theo Zing