leftcenterrightdel
 Số lượng quản lý cửa hàng trẻ tuổi tăng nhanh ở xứ củ sâm.

Kang (28 tuổi), người bán Yakult tại các văn phòng và khu chung cư ở Hàn Quốc, là một trường hợp hiếm hoi trong lĩnh vực kinh doanh phần lớn do "ajumma" (phụ nữ trung niên) chi phối.

Những người bán thức uống chứa men vi sinh tại xứ kim chi từ lâu đã được gọi là “Yakult ajumma”. Họ thường xuất hiện với hình ảnh thân thiện, mặc đồng phục màu be, đẩy những chiếc xe có động cơ làm lạnh chứa đầy sản phẩm đi khắp các con phố để chào mời khách hàng.

“Khi nhìn thấy gương mặt của tôi, mọi người ngạc nhiên vì tôi khá trẻ so với đồng nghiệp”, Kang nói.

Thoát khỏi văn phòng

Theo Korea Joongang Daily, “Yakult ajumma” ngày nay không còn chỉ phụ nữ trung niên ở độ tuổi 40 và 50 mà được gọi là “eonni” - từ tiếng Hàn được sử dụng một cách trìu mến để chỉ những phụ nữ lớn hơn mình vài tuổi.

Năm 2019, Korea Yakult thông báo chính thức đổi chức danh nhân viên bán hàng nữ từ "Yakult ajumma" thành "Fresh Managers". 6 năm trước, chỉ có 22 người từ 20 tuổi đến 30 tuổi tham gia nhóm này. Tuy nhiên, dữ liệu tính đến tháng 12/2022 cho thấy con số đó đã lên khoảng 800 thành viên, tương đương 8% tổng số "Fresh Managers".

Tình trạng ngày càng nhiều người trẻ tìm kiếm những việc làm lâu nay được coi là gắn liền với thế hệ đi trước đã phản ánh phần nào suy nghĩ của Millennials và Gen Z. Đây là nhóm thích làm việc theo ý mình hơn là bị bó buộc trong môi trường công sở.

“Những nhân viên trẻ ở độ tuổi 20 và 30 thường rất ngại bị cuốn vào guồng quay công việc. Tuy nhiên, các quản lý bán hàng được phép linh hoạt giờ hoạt động cũng như tạo thu nhập. Điều đó khiến vị trí này trở nên hấp dẫn hơn đối với thế hệ MZ”, người phát ngôn của công ty cho biết.

leftcenterrightdel
Công việc “Yakult ajumma” từ lâu đã gắn liền với hình ảnh của những phụ nữ trung niên. Ảnh:Korea Joongang Daily.  

Ước mơ của Kang là trở thành ca sĩ. Ngày làm việc của cô bắt đầu từ 6h và kết thúc trong buổi sáng. Sau khi giao hàng xong ở quận Gangnam (phía nam Seoul), Kang sẽ đến lớp tập hát.

“Tôi thích việc có thể sắp xếp thời gian biểu theo ý muốn”, Kang nói.

Hong Seo-young (35 tuổi), đã trở thành "Fresh Manager” từ năm 2020 sau khi đóng của nhà hàng của mình, cũng đồng tình với quan điểm trên.

“Thật tốt khi tôi có một công việc bán thời gian và được tận hưởng giờ rảnh sau khi hoàn thành nhiệm vụ”, Hong chia sẻ.

Độ tuổi lên chức quản lý ở xứ củ sâm cũng đang dần trẻ hóa tại tất cả lĩnh vực, không chỉ giới hạn trong mảng bán hàng tận nơi.

Theo một phân tích của hãng cửa hàng tiện lợi CU, 16,2% người quản lý cho các chi nhánh mới của họ ở tuổi 20 vào năm 2022, tăng từ 3,7% vào năm 2018, 7,4% (2020) và 10,3% (2021). Nhóm từ 30 tuổi trở lên chiếm 16,6% vào năm 2022.

GS25, một thương hiệu cửa hàng tiện lợi khác, cũng chứng kiến ngày càng nhiều quản lý cửa hàng trẻ. Đặc biệt, nhóm 20 tuổi thăng chức lên vị trí này tăng từ 11,6% năm 2019 đến 14,2% vào năm 2022.

Nghỉ việc để được tự do

Song Yoo-seok (27 tuổi), điều hành một tiệm CU ở quận Jungnang (phía đông Seoul), từng làm nhân viên văn phòng trong 6 tháng nhưng sau đó đã nghỉ việc.

“Tôi quyết định giám sát một cửa hàng trong khi tìm kiếm một nghề có thể làm ngay cả khi về già”, Song nói.

Song làm việc 15 tiếng một ngày, từ 8h đến 23h. Lịch trình dày đặc nhưng anh vẫn thấy công việc này thú vị vì thu nhập ổn định.

Ngày nay, người trẻ cũng được nhìn thấy thường xuyên hơn trên đường phố với các quầy bán đồ ăn vặt như bungeoppang (bánh ngọt hình con cá thường được nhồi với đậu đỏ hoặc kem choux), bánh mì trứng và hotteok (bánh rán).

leftcenterrightdel
 Tỷ lệ người trẻ mở cửa hàng đồ ăn vỉa hè, trên đường phố gia tăng ở Hàn Quốc. Ảnh:Korea Times. 

Dữ liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho thấy số người ở độ tuổi 30 làm việc tại các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động hoặc người bán hàng rong đạt 133.000 người trong nửa đầu năm ngoái, mức cao kỷ lục kể từ năm 2013.

Các công ty nhìn chung có quan điểm tích cực về sự gia tăng của lực lượng lao động trẻ.

“Thế hệ MZ rất quan tâm đến các xu hướng mới và chủ động trong hoạt động tiếp thị trực tuyến thông qua tài khoản mạng xã hội của họ”, một quan chức nhận xét.

Một số nhà quan sát cho rằng tình trạng này là do điều kiện thị trường việc làm ngày càng xấu đi do đại dịch Covid-19.

Sau bộ phim Squid Game, thuật ngữ châm biếm bắt nguồn từ giới trẻ "Hell Joseon" phổ biến trở lại. Cụm từ nhằm ám chỉ cuộc sống tồi tệ của người Hàn, với tình trạng tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, điều kiện lao động đi xuống, văn hóa công sở nảy sinh tình trạng bắt nạt chèn ép... ở Hàn Quốc.

Tỷ lệ việc làm của xứ củ sâm trong năm 2022 là 28,08 triệu, tăng 816.000 so với một năm trước đó. Nhưng những người ở độ tuổi 60 chiếm 55% số công việc kiếm được trong năm, ở mức 452.000.

“Dường như thế hệ trẻ đang tìm cách bứt phá, chẳng hạn bắt đầu kinh doanh với chi phí thấp, khi nền kinh tế trở nên khó khăn và các tập đoàn lớn đang cắt giảm tuyển dụng. Họ đang tiếp cận một cách tinh vi và chiến lược hơn so với bậc tiền bối”, Hwang Yong-sik, giáo sư quản trị kinh doanh Đại học Sejong, nhận định.

Theo zingnews