Một phụ nữ gặp vấn đề về viêm nhiễm phụ khoa nhưng không thể đi khám vì ở trong khu vực phong tỏa. Chị gọi điện tới phòng khám và được hỗ trợ, tư vấn các biện pháp giúp giảm sự khó chịu, đồng thời yên tâm chờ tới khi tình hình dịch bệnh ổn hơn sẽ tới khám trực tiếp, tránh sử dụng thuốc tràn lan, không đúng bệnh.

Dù đã tới hạn thay que cấy tránh thai, một phụ nữ khác không thể tới phòng khám nên liên hệ nhờ bác sĩ hỗ trợ. Bên cạnh được giải thích rằng việc tháo que cấy muộn không gây hại đến sức khỏe, chị được tư vấn sử dụng biện pháp tránh thai ngắn hạn thay thế.

Đó là 2 trong số rất nhiều trường hợp được các bác sĩ của hệ thống phòng khám Dr.Marie, chuyên chăm sóc sức khỏe tình dục (SKTD) và sức khỏe sinh sản (SKSS) cho phụ nữ, hỗ trợ trong dịch.

Theo đó, do tình hình giãn cách xã hội ở các tỉnh, thành, nhiều chị em không thể tiếp cận phòng khám để sử dụng các biện pháp tránh thai dài hạn, có hiệu quả cao.

                                                 Phụ nữ gặp trở ngại trong việc tiếp cận biện pháp chăm sóc SKTD và SKSS vì dịch. Ảnh: Bustle.


Theo đánh giá của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong lĩnh vực SKSS và SKTD.

Một mặt, những người có khả năng tiếp cận các dịch vụ này trì hoãn việc sinh con trong thời điểm bất ổn về tài chính và khủng hoảng. Mặt khác, gián đoạn trong việc cung cấp các phương tiện tránh thai cộng với lệnh phong tỏa, cách ly dự kiến làm gia tăng mạnh số ca mang thai ngoài ý muốn ở nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất là phụ nữ nghèo.

Biện pháp tránh thai ngắn hạn


Trao đổi với Zing, bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Trưởng đại diện tổ chức MSI Reproductive Choices tại Việt Nam - tổ chức phi chính phủ quốc tế cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS cho phụ nữ tại 37 quốc gia trên thế giới, cho biết trong thời Covid-19, SKTD là vấn đề quan trọng, giúp giải quyết vấn đề tâm lý cho con người.

Theo bà, phụ nữ đã có gia đình hoặc bạn tình khi không tiếp cận được biện pháp tránh thai dài hạn có thể cân nhắc sử dụng các biện pháp tránh thai ngắn hạn như tính vòng kinh, dùng bao cao su, thuốc tránh thai hàng ngày. Các sản phẩm có thể mua dễ dàng tại các hiệu thuốc nhưng cần đảm bảo sử dụng đúng để đạt hiệu quả tối đa.

                  Sử dụng bao cao su đúng cách là phương pháp tránh thai ngắn hạn được chuyên gia khuyến cáo trong dịch. Ảnh: Medical News Today.


Ngoài ra, khi vợ hay bạn tình khó tiếp cận phương pháp kế hoạch hóa ở phòng khám, nam giới có thể chủ động sử dụng bao cao su, xuất tinh ngoài âm đạo.

Với cả nữ và nam giới không có bạn tình nhưng vẫn có nhu cầu về tình dục, thủ dâm là biện pháp có thể áp dụng được.

Bà Hằng cho hay việc chăm sóc SKTD, SKSS ở phụ nữ còn bao gồm vệ sinh kinh nguyệt, ăn uống, tập luyện, sử dụng dung dịch vệ sinh hay chăm sóc thai cho bà bầu.

Chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai


Theo các bác sĩ tại Dr.Marie, trong dịch Covid-19, phụ nữ mang thai nên có chế độ dinh dưỡng đúng và đủ để tăng cường sức đề kháng, giúp bào thai phát triển tối ưu.

Cụ thể, trong bữa ăn hàng ngày, mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng như tinh bột, chất đạm, rau, trái cây tươi, bổ sung đủ nước và tránh các loại thực phẩm chế biến công nghiệp. Các bữa có thể được thay đổi đa dạng, đặc biệt là trong giai đoạn thai nghén.

Nếu dịch vụ khám thai không bị gián đoạn do dịch bệnh, chị em cần khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế để thai phát triển tốt. Mẹ bầu có thể bổ sung sắt acid folic hoặc viên đa vi chất dinh dưỡng đều đặn hàng ngày theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.

Cuối cùng, thai phụ luôn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình như rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng.

                                      Phụ nữ mang bầu cần được chăm sóc sức khỏe đặc biệt trong dịch, nhất là khi trở thành F0. Ảnh: Phạm Ngôn.


Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm phòng vaccine Covid-19 cho phụ nữ đang mang thai từ 13 tuần trở lên. Các chị em có thể liên hệ với cơ sở y tế địa phương để được hỗ trợ tiêm chủng sớm, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Theo các bác sĩ, hiện chưa có cơ sở khoa học chỉ ra mối liên quan giữa Covid-19 ở phụ nữ mang bầu, tình trạng thai bị nhiễm virus trong tử cung hay thai bị dị tật bẩm sinh do virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, chị em nên chủ động trong việc phòng tránh lây nhiễm bệnh để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và thai nhi.

Trong trường hợp bản thân nghi mắc Covid-19, thai phụ cần thực hiện cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định cụ thể của địa phương.

Khi là F0, các mẹ bầu thực hiện việc chăm sóc, theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế điều trị Covid-19, bệnh viện dã chiến hoặc tại nhà theo quy định của cơ sở y tế. Ngay cả khi khỏi bệnh, nhóm này cần được quản lý thai 2-4 tuần/lần nhằm phát hiện sớm những trường hợp tiền sản giật, thai chậm phát triển trong tử cung, dọa đẻ non hoặc đẻ non.

Phụ nữ có thể tham khảo thông tin trên trang của Bộ Y tế, website các bệnh viện, phòng khám uy tín. Nếu cần tư vấn cụ thể, họ có thể liên hệ với hotline của các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn chăm sóc sức khỏe trực tuyến.

Theo Zing