leftcenterrightdel
Nhiều người lo lắng khi mất việc ngay khi vừa trở thành cha mẹ. Ảnh minh họa:Reuters. 

Ngày 18/1, Alex Gable nhận được thông báo về một cuộc họp đột xuất tại Coda, công ty phần mềm nơi anh làm việc với tư cách một nhà khoa học dữ liệu. 4 tiếng sau, người đàn ông 30 tuổi gọi điện báo tin cho vợ rằng mình đã bị cho thôi việc khi đang trong thời gian nghỉ phép chăm con.

Trước đó, chính sách nghỉ sinh hào phóng và sự cởi mở về cân bằng cuộc sống - công việc là lý do chính khiến anh lựa chọn công ty này.

Con trai Gable chào đời vào tháng 11/2022. Anh bắt đầu thời gian nghỉ phép, tắt máy tính xách tay, xóa Slack ra khỏi điện thoại và tập trung chăm sóc vợ, tận dụng tối đa 4 tiếng đồng hồ khi con thức để chơi cùng.

Khi biến cố ập tới, anh đã sững sờ.

“Bị đuổi việc giống như một vụ động đất. Tôi chịu sức ép lớn khi tự hỏi sẽ nuôi con bằng gì, năm đầu đời của con sẽ ra sao và rồi tôi sẽ kiếm sống như thế nào”, Gabel nói với The New York Times.

Bị đuổi việc khi đang nghỉ thai sản

Nhân sự trong các ngành công nghệ và truyền thông đang trải qua một thời kỳ khó khăn.

Sau khi ban cho nhân viên của mình nhiều đặc quyền, trong một thị trường lao động chặt chẽ và cuộc chiến tranh giành nhân tài, các công ty bây giờ chuyển sang cắt giảm hàng loạt: Alphabet đã sa thải 6% công nhân vào tháng 1, và Microsoft cắt giảm gần 5%.

Đây cũng chính là các công ty đã dành những năm qua để mở rộng phúc lợi của mình, bao gồm: nghỉ phép có lương dành cho cha mẹ, trợ cấp cho người chăm sóc, giúp lấp đầy khoảng trống cho nhân viên văn phòng ở một quốc gia nơi chính phủ liên bang không yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp chế độ nghỉ phép có lương dành cho cha mẹ.

Điều đó có nghĩa các bậc cha mẹ đang đi làm cảm nhận được sự hỗn loạn của việc sa thải hàng loạt. 

Giờ đây, khi vừa trở thành cha mẹ, nhiều người đang phải thích nghi với cuộc sống không việc làm.

LinkedIn và Twitter tràn ngập các tài khoản kể về chuyện bị sa thải khi đang nghỉ phép chăm con hoặc thậm chí, khi đang sinh con. Nó đã dẫn đến nhiều tổn thất tinh thần.

Những năm qua, nhiều công ty không chỉ trao cơ hội việc làm mà còn “bán” cả lối sống, dịch vụ chăm sóc trẻ em, hỗ trợ sức khỏe tâm thần và thời gian nghỉ phép được trả lời dồi dào để thu hút người lao động. Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi.

Đối với những người mới làm cha mẹ, thời gian nghỉ phép hào phóng là một phần để đánh đổi. Nhiều người đã đau lòng khi nhận ra nghỉ phép chăm con không bảo vệ họ khỏi làn sóng sa thải hàng loạt.

Mỹ không có chính sách nghỉ phép gia đình có lương theo liên bang. Khoảng 23% nhân viên công ty tư nhân đã được trả lương nghỉ thai sản, theo dữ liệu tháng 9/2022 từ trang web nghề nghiệp Zippia.

Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Công việc và Gia đình của Đại học Boston, hơn 90% phụ nữ nghỉ phép đầy đủ so với khoảng hơn 60% đối với nam giới.

Thời kỳ hoàng kim kết thúc

Trong 5 năm qua, các công ty đã mở rộng quy mô phúc lợi thân thiện với gia đình cho một số nhân viên, trong giai đoạn mà các chuyên gia nhân sự gọi là “thời kỳ hoàng kim” của phúc lợi doanh nghiệp.

Một nghiên cứu từ Mercer cho thấy 54% các công ty lớn chi trả cho việc thụ tinh trong ống nghiệm vào năm 2022, so với 36% vào năm 2015 và 19% chi trả cho việc đông lạnh trứng so với 6% vào năm 2015.

Các công ty công nghệ đặc biệt hào phóng đối với thời gian nghỉ phép của cha mẹ so với các ngành khác.

leftcenterrightdel
 Chính sách nghỉ thai sản không thể bảo vệ nhân viên khỏi làn sóng sa thải. Ảnh minh họa:iStock. 

Google đã tăng thời gian nghỉ phép của cha mẹ lên 24 tuần, so với 18 tuần vào năm 2021. Meta cung cấp cho cha mẹ mới có con 20 tuần và Microsoft là 20 tuần. California cũng tăng trợ cấp nghỉ phép của cha mẹ lên 8 tuần so với 6 tuần trước đó.

Việc mở rộng phúc lợi gia đình này một phần là để thu hút nhân tài nữ, vì những nơi làm việc do nam giới thống trị trong lịch sử đã cam kết thu hút nhiều phụ nữ hơn.

“Nó đồng thời phản ánh một sự thay đổi văn hóa, khi một thế hệ người lao động mới, bất kể giới tính, nói rõ rằng họ muốn có sự linh hoạt để đóng vai trò tích cực trong việc chăm sóc trẻ em”, Joan Williams, giáo sư tại Đại học Luật California, cho biết.

Theo Williams, các công ty công nghệ nhận ra rằng họ có thể cố gắng giành giật nhân tài bằng cách áp dụng các chính sách nghỉ phép tốt nhất cho gia đình.

Với những đặc quyền mới này, tỷ lệ nam giới nghỉ phép làm cha cũng tăng lên. Trong năm 2011, chỉ có ít hơn 5% các ông bố nghỉ hơn hai tuần khi có con. Hiện tại, 90% nam giới nghỉ phép hơn 7 tuần nếu họ được cho phép nghỉ 8 tuần, theo Trung tâm Công việc và Gia đình của Đại học Boston.

Một số nhà quản lý bắt đầu chủ động hỏi các công nhân nam xem họ dự định sử dụng thời gian nghỉ phép như thế nào, bỏ lại lối suy nghĩ cho rằng các ông bố sẽ chỉ nghỉ phép vài ngày.

Những người nghỉ phép chăm con thường không có sự bảo vệ pháp lý đặc biệt khi bị sa thải hàng loạt. Việc nghỉ phép, kể cả lý do khuyết tật, thường không bảo vệ người lao động khỏi bị cắt giảm việc làm.

Megan Bisk, người đứng đầu bộ phận hành nghề luật lao động tại Ropes & Grey, cho biết: “Thật khó chịu bởi mọi người coi đó là thời gian nghỉ phép họ được bảo vệ về mặt công việc. Nhiều người xem đó là thời điểm họ không có khả năng tìm kiếm việc làm”.

Nếu người lao động bị sa thải vì họ đang nghỉ phép chăm sóc con cái, điều đó là bất hợp pháp. Nhưng sẽ rất khó để chứng minh, bởi các tiêu chí mà các công ty sử dụng để sa thải không được tiết lộ cho những nhân viên bị đuổi.

Bất an về tương lai

Đêm trước hôm nhận thông báo sa thải cách đây một tháng, Emily St. James (42 tuổi), từng là phóng viên cấp cao của Vox, đã phải thức khuya chăm đứa con mới sinh của mình.

Ngủ đến 9h sáng và quá mệt mỏi, cô bất ngờ khi kiểm tra email và thấy tin nhắn sa thải hàng loạt từ tòa soạn Vox. Ngày chấm dứt hợp đồng của St. James được ấn định là ngày cuối cùng trong thời gian nghỉ thai sản của cô, tức là vào cuối tháng 3. Sau ngày đó, cô sẽ nhận được 24 tuần trợ cấp thôi việc.

“Đối với tôi, điều này đã chỉ rõ mức độ mà mạng lưới an toàn xã hội dành cho những người mới có con yếu kém đến mức nào”, cô nói.

Thiếu các hướng dẫn pháp lý đã dẫn đến khả năng phủi bỏ trách nhiệm của nhiều công ty. Đối với những người bị sa thải trong thời gian nghỉ phép chăm con, Amazon đề nghị thanh toán phần thời gian còn lại của họ, cũng như các gói trợ cấp thôi việc. Meta và Google không trả tiền cho bất kỳ kỳ nghỉ phép nào còn lại của cha mẹ, nhưng cung cấp cho tất cả nhân viên một số tháng lương và trợ cấp thôi việc bổ sung.

Một số nhân viên bị sa thải trong thời gian nghỉ phép chăm con đã từ chối bình luận cho bài báo này, với lý do lo ngại bị trả thù, khi các gói trợ cấp thôi việc của họ chịu ràng buộc với thỏa thuận rằng họ sẽ không nói với giới truyền thông.

leftcenterrightdel
 Một tháng trước khi trở lại công ty sau thời gian nghỉ thai sản, Niki Woodall nhận được một email thông báo sắp bị đuổi việc. Ảnh:Todd Anderson/The New York Times.
Niki Woodall (39 tuổi), từng là nhà tuyển dụng tại một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, đã đồng ý chia sẻ trải nghiệm của mình mà không nêu tên công ty.

Cô đã làm việc ở công ty được 5 năm trước khi nói với sếp rằng dự định nghỉ thai sản 6 tháng kể từ mùa hè năm 2022. Thái độ thân thiện với gia đình của doanh nghiệp đã cho Woodall sự tự tin để hoàn toàn thoát khỏi công việc trong thời gian sinh nở.

Một tháng trước khi chuẩn bị quay lại công việc, cô nhận được một email cá nhân thông báo rằng cô sắp bị sa thải.

“Mẹ mất việc rồi”, Woodall lặng người, quay sang thì thầm với cô con gái 4 tháng tuổi của mình.

“Có một quan niệm sai lầm lớn rằng bạn không thể bị sa thải trong thời gian nghỉ thai sản. Tôi rất thất vọng khi bị mất việc nhưng không ngạc nhiên vì đây là điều các doanh nghiệp phải đối mặt”, cô nói.

Nhiều bậc cha mẹ bị mất việc cho biết họ tự hỏi liệu việc mình vắng mặt ở văn phòng trong một khoảng thời gian có khiến cấp trên cảm thấy vị trí của họ là dư thừa hay không.

Một số chuyên gia bày tỏ lo lắng rằng nỗi sợ bị sa thải có thể ngăn cản những người mới làm cha nghỉ phép chăm con trong tương lai.

Theo zingnews